Người mua nhà trả góp “méo mặt” vì Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều người gặp khó khăn với cảnh công việc bị ảnh hưởng và thu nhập giảm sút. Với những ai lỡ vay tiền ngân hàng mua nhà trong giai đoạn này thì khó khăn lại càng gấp bội với khoản tiền phải nhà băng trả mỗi tháng.
Sau nhiều năm ở nhà thuê, cuối năm 2019, vợ chồng anh Phước (ngụ Thủ Đức) quyết định mua một căn hộ có diện tích 71m2 tại một dự án nằm mặt tiền xa lộ Hà Nội (quận 9) trị giá 2,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để mua được căn hộ này, anh chị Phước đã phải vay ngân hàng hơn 1,2 tỷ đồng với thời hạn 15 năm. Mỗi tháng anh chị phải trả khoản tiền cả gốc và lãi khoảng 18 triệu đồng.
Anh Phước cho biết, trước khi mua căn hộ, vợ chồng anh đã tính toán rất kỹ bài toán tài chính. Theo đó, anh quyết định không vay nhiều hơn 50% giá trị căn hộ và số tiền trả lãi gốc hàng tháng cũng không quá 50% thu nhập của anh chị.
Thời điểm đó, thu nhập của cả hai vợ chồng trung bình khoảng 40 triệu mỗi tháng. Có tháng anh Phước nhận việc bên ngoài thêm thì thu nhập lên đến 50 triệu.
Với bài toán tài chính khá “sáng sủa” như vậy, anh Phước yên tâm xuống tiền.
Thế nhưng thời điểm anh Phước nhận nhà đầu năm 2020 cũng là lúc dịch bệnh mang tên Covid-19 xuất hiện. Ban đầu, vợ chồng anh cũng không quá lo lắng vì nghĩ rằng dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì và sớm được kiểm soát. Nhưng thực tế không như anh nghĩ và mọi kế hoạch trước đó của anh chị bị đảo lộn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đồng ý hồi tố khi sửa Nghị định 20: Chính phủ cùng doanh nghiệp vượt khó
Đúng lúc đại dịch Covid-19 đang vào giai đoạn cam go, thì việc hơn 86% thành viên Chính phủ đồng ý cho hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 như tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Thế là, vấn đề kéo dài dai dẳng mấy năm nay đã được giải quyết.
Theo đó, hầu hết các thành viên Chính phủ đã đồng ý áp dụng hồi tố điều khoản này đối với các năm 2017, 2018. Cụ thể, ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ đã nhận được 22/26 phiếu ý kiến, trong đó có 19/22 thành viên Chính phủ (86,4%) chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; 18/22 thành viên Chính phủ (81,8%) chọn quy định cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ, sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm; 22/22 thành viên Chính phủ (100%) đồng ý với các nội dung còn lại của Dự thảo Nghị định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nghịch lý: Nhà tập thể cũ “nát” vẫn đắt gấp đôi căn hộ chung cư hạng B
Cách đây 5 năm, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn còn rất chuộng nhà tập thể cũ ở các khu trung tâm thành phố. Độ “hot” của nhà tập thể có thể chứng minh bằng giá trị luôn ở mức rất cao, dao động từ 50 - 100 triệu đồng/m2, thậm chí, một số khu vực, giá cao ngất ngưởng vượt ngưỡng trên 120 triệu đồng/m2.
Ở thời điểm hiện tại, người dân có quá nhiều sự lựa chọn về nhà ở. Các dự án nhà chung cư "mọc" lên ở khắp nơi đã khiến nhà tập thể cũ thất thế trên thị trường.
Ông Huy Thắng, một môi giới đất chuyên giao dịch các căn hộ tập thể cũ cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi tháng, tôi có thể giao dịch thành công ít nhất 3 - 4 căn hộ tập thể cũ, với giá bán dao động từ 50 - 60 triệu đồng/m2, tùy từng khu. Thì hiện tại, dòng sản phẩm này đã không còn sôi động như trước, cả tháng may mắn thanh lý được 1 căn, giá trị cũng giảm dưới 50 triệu đồng/m2”.
Theo ông Thắng, sở dĩ nhà tập thể cũ đang thất thế trên thị trường bất động sản là do nhu cầu mua nhà ở của người dân đã thay đổi, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
“Nhiều người chuộng các căn hộ chung cư hơn bởi thiết kế hiện đại với nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm. Trong khi đó, nhà tập thể thường bị chê là xuống cấp, kèm theo một số bất tiện như gửi xe, không gian chật chội,... Ví dụ, với 2,5 tỷ đồng, người mua hoàn toàn có thể lựa chọn một căn hộ chung cư tầm trung 120m2, nhưng với tầm tiền đó thì chỉ mua được 1 căn hộ tập thể khoảng 40m2 tại khu vực Đống Đa”, ông Thắng nói.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khoác áo "ngành phi sản xuất", bất động sản không được hỗ trợ dù điêu đứng vì Covid-19
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã từng nhận định, bất động sản vừa là chim báo bão, vừa là chim én của nền kinh tế. Với vai trò là “chim báo bão”, ta nhận biết được nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng. Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản. Và ngược lại, khi lĩnh vực này phục hồi, phát triển ổn định sẽ như “chú chim én mang mùa xuân về”, báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế.
Ở Việt Nam hiện nay, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn và ngày một suy yếu, các doanh nghiệp địa ốc đang phải chứng kiến cảnh doanh thu, lợi nhuận kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng.
Là lĩnh vực đóng vai trò đầu kéo, có mối quan hệ mật thiết đến nhiều ngành nghề khác trong hệ sinh thái, nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.
Vì thế mà vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm "giải cứu" các doanh nghiệp bất động sản trước khó khăn bởi dịch Covid-19.