Aa

Khó khăn chồng chất, doanh nghiệp Nhôm đề xuất Chính phủ “giải cứu”

Thứ Năm, 26/03/2020 - 10:45

Điêu đứng vì đại dịch toàn cầu Covid-19, Hội những nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin được “giải cứu”.

Trước việc bị “bóng đen” Covid-19 bủa vây dẫn đến doanh thu toàn ngành Nhôm ước giảm 30% trong quý I và có nguy cơ phải cắt giảm đến 40% lượng lao động trong Quý II/2020, Hội những nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam (Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam) vừa có văn bản số 11/CV-VAA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “giải cứu”.

Cụ thể, những kiến nghị của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam tập trung vào 6 nhóm đề xuất chính gồm: 

1- Đề xuất giảm thuế VAT xuống 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%, giảm thuế xuất khẩu nhôm thanh định hình; 

2- Giảm lãi suất, giãn nợ đối với các khoản vay ngắn hạn và trung hạn cho doanh nghiệp;

3- Miễn, giảm cước phí cầu đường bộ để giảm chi phí lưu thông cho các doanh nghiệp; 

4- Giảm tỷ lệ thu BHXH hoặc dừng thu bảo hiểm xã hội trong ít nhất 6 tháng; cho phép doanh nghiệp khó khăn được chậm nộp BHXH; 

5- Rút ngắn thời gian thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu; 

6- Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp cung cấp phụ liệu sản xuất ngoài Trung Quốc.

Khó khăn chồng chất

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam lý giải về những kiến nghị “giải cứu” của doanh nghiệp ngành Nhôm xuất phát từ những thực trạng như sau:

Thứ nhất, về nguồn nguyên liệu, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất ngành nhôm Việt Nam có khoảng 30% nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ tháng 2 tới nay, việc đóng các cửa khẩu, tăng cường kiểm soát dịch bệnh đối với các hàng hóa nhập khẩu đã khiến cho việc nhập nguyên liệu, phụ liệu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Dự kiến nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, có khả năng đến hết tháng 4, nhiều doanh nghiệp sẽ không còn đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Thứ hai, từ sau Tết đến nay, thị trường bất động sản đóng băng do kỳ nghỉ Tết kéo dài và do dịch bệnh phát triển phức tạp dẫn đến nhu cầu nhôm phục vụ xây dựng giảm sút nghiêm trọng khiến các hoạt động sản xuất, xây dựng ngưng trệ. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu từ đầu tháng 3 khi dịch bệnh lây lan rất nhanh trên toàn thế giới cũng dẫn đến việc xuất khẩu nhôm xây dựng sang thị trường châu Mỹ, Châu Âu bị hạn chế.

Thứ ba, là khó khăn về kho vận, bị chậm, thậm chí ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian thông quan nhập khẩu cũng phải kéo dài phải thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc, kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa trước khi thông quan dẫn đến mất nhiều thời gian trung chuyển, chậm thông quan, chậm lưu thông hàng hóa.

Về những khó khăn của doanh nghiệp ngành Nhôm, bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hải, một doanh nghiệp chiếm thị phần đáng kể trong ngành cho biết trước mắt đang ghi nhận mức sụt giảm khoảng 30% sản lượng tiêu thụ do sự đình trệ trong nhu cầu xây dựng trước ảnh hưởng dịch Covid-19.

Doanh nghiệp Nhôm phải tính đến việc tái cơ cấu lại phương án sản xuất do ảnh hưởng của Covid-19

Chủ động đối phó

Trước những khó khăn kể trên, bên cạnh việc chờ đợi sự hỗ trợ, “giải cứu” của Chính phủ, thì theo ông Nguyễn Minh Kế, các doanh nghiệp trong Hội đã có những phải pháp biến “nguy thành cơ”, chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong và sau dịch.

Bên cạnh đó, ông Kế cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đóng các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh cũng đã góp phần ngăn chặn nguồn nhôm lậu nhập khẩu trái phép, giúp cho các doanh nghiệp nhôm Việt Nam lấy lại thị phần trong nước, gia tăng uy tín.

Đồng quan điểm, bà Dung nhận định khi đương đầu với những khó khăn này cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại ổn định đường lối phát triển, tối ưu hóa năng lực tổ chức điều hành từ đó lấy lại đà phát triển sau khi hết dịch. Bên cạnh đó, lúc này các doanh nghiệp trong ngành Nhôm và các doanh nghiệp phụ trợ liên quan như cung ứng phụ liệu hóa chất, khuôn mẫu, sơn, bao bì… sẽ có cơ hội xích lại gần nhau hơn, tăng cường sự liên kết, hợp tác để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.

"Đối với trường hợp của Nam Hải, trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, bà Dung cho biết doanh nghiệp đã chủ động tính đến nhiều phương án cơ cấu lại sản xuất, giảm các khâu trung gian, ưu tiên giải quyết các đơn hàng cần kíp… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã và đang kêu gọi sự ủng hộ của toàn bộ cán bộ công nhân viên cùng chung tay cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn như chấp nhận giảm thu nhập, thậm chí có phương án nghỉ luân phiên", bà Dung chia sẻ.

Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp trong ngành Nhôm, ở góc độ vĩ mô theo bà Dung, đến thời điểm hiện tại thì các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa tiếp cận được các hỗ trợ về tín dụng hay thuế và bảo hiểm. 

Do đó, bà Dung cho rằng, để có các doanh nghiệp có thể sống sót và hoạt động trở lại sau dịch bệnh thì rất cần được Chính phủ sớm có những chính sách “giải cứu” tập trung vào 3 trọng tâm giãn, giảm Bảo hiểm xã hội, thuế và tín dụng ngân hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top