Khổ đủ bề
Mới đây, một nhân viên môi giới bất động sản tên Trần Thanh Tuấn, làm môi giới cho một công ty môi giới bất động sản tại quận 7, TP.HCM cực chẳng đã, phải trần tình câu chuyện buồn của mình với nghề môi giới và hành xử của chính lãnh đạo công ty mình với những nhân viên môi giới trong đó có Tuấn.
Cụ thể, Tuấn cho biết, mình có bằng đại học ngành tài chính của Trường đại học Kinh tế. Sau khi ra trường, để bám trụ lại đất Sài Gòn, Tuấn đã xin vào làm môi giới bất động sản cho sàn giao dịch X. Lúc phỏng vấn, lãnh đạo công ty cho biết, phí hoa hồng bán được hàng thường từ 1% tổng giá trị sản phẩm trở lên.
Bên cạnh đó là những bánh vẽ về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng… từ lương thưởng, doanh số và chế độ với người lao động. Tuy nhiên, sau khi làm môi giới, hàng bán được nhưng nhiều tháng qua, Tuấn và các bạn mình vẫn không nhận được tiền phần trăm hoa hồng như công ty cam kết.
Để có tiền duy trì cuộc sống, Tuấn phải vay tiền bạn bè, rồi cầm cố máy tính, xe máy và thậm chí là vay nóng bên ngoài.
“Tôi liên tục liên hệ với giám đốc công ty để hỏi về việc bao giờ mới chi trả tiền hoa hồng bán hàng, câu trả lời là hứa tháng này rồi tháng khác, dù chủ đầu tư đã chi trả phí bán hàng cho công ty, nhưng giám đốc vẫn không trả hoa hồng môi giới cho nhân viên.
Khi hết chịu đựng nổi, tôi và các bạn làm cùng đã tập trung lại để gặp lãnh đạo công ty, nhưng rồi lãnh đạo công ty thuê bảo vệ và những người xăm trổ bên ngoài tới dọa đánh nhân viên. Kết quả 8 tháng làm môi giới, tiền không thấy đâu mà nợ thì ngập đầu”, Tuấn kể.
Câu chuyện của Ngân, một nhân viên môi giới bất động sản sàn giao dịch HT tại quận 5, TP.HCM lại là một nỗi khổ khác. Ngân học ngành sư phạm, nhưng vì không có hộ khẩu TP.HCM nên không thể xin dạy học ở trường công, trong khi các trường tư lúc phỏng vấn lại luôn đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm sư phạm. Chính vì vậy, qua giới thiệu của một số bạn bè, cô gái này rẽ sang làm môi giới bất động sản như một kế để sinh nhai trước mắt trong khi bám trụ lại thành phố.
Vậy là bắt đầu những ngày quần quật ra đường phát tờ rơi, tìm số điện thoại tiềm năng, liên hệ với khách hàng, nếu ai chịu gặp để tìm hiểu mua nhà thì sẽ hẹn gặp ở quán cà phê để tư vấn. Tuy nhiên, công ty không trả lương cứng, mà chỉ trả hoa hồng môi giới khi bán được sản phẩm. Trong khi đó, hàng ngày, đủ thứ tiền, từ chi phí ăn uống, tiền xăng xe, tiền cà phê gặp gỡ khách hàng… bủa vây cô. Kết quả, 3 tháng làm môi giới, Ngân không bán được một sản phẩm nào, mà còn gánh khoản nợ hơn 40 triệu đồng.
“Nghề này rất khắc nghiệt, đó là khi có khách hàng thì phải biết giữ bí mật, nếu không sẽ bị chính những nhân viên môi giới làm cùng, thậm chí là chính sếp của mình ‘phỗng tay trên’. Đi làm luôn trong tâm thế phòng ngừa các đồng nghiệp vì hở ra là sẽ mất khách. Có lần tôi chốt được khách hàng xuống cọc mua căn hộ, mừng lắm vì lần đầu tiên bán được hàng, nhưng rồi vì chưa có kinh nghiệm làm thủ tục nên phải nhờ chính tổ trưởng của mình hỗ trợ, và sau đó khách hàng này bị tổ trưởng lấy mất”, Ngân kể.
Một câu chuyện cười ra nước mắt khác là của Thắng, một nhân viên công ty chuyên môi giới đất nền tại quận 9, TP.HCM. Anh cho biết, trước khi lo nỗi lo bán được hàng, thì ngay cả việc không tìm được khách đến dự lễ mở bán cũng là nỗi sợ, bởi nếu không tìm được một lượng khách hàng nhất định tới dự lễ mở bán sẽ bị phạt thẳng 500.000 đồng tiền mặt.
Cụ thể, nhân viên môi giới này cho biết, theo quy định của công ty, mỗi nhân viên môi giới ngày mở bán phải có được 5 khách hàng tới tham dự. Nếu không có khách đến, nhân viên sẽ bị phát 500.000 đồng và nếu một tháng không bán được sản phẩm sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Trong khi đó, tại công ty này, hoa hồng bán hàng chỉ từ 0,75% đến 1,5% và nhân viên không có lương, không có bảo hiểm…
Cần kiểm soát chặt hơn
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho biết, hiện nay, lượng nhân sự, nhất là những người trẻ đầu quân vào nghề môi giới rất lớn. Có những dự án bất động sản lớn gần đây trước khi ra mắt đã quy tụ cả chục ngàn nhân viên môi giới, cho thấy sự cạnh tranh tìm khách hàng rất dữ dội. Các công ty môi giới ra đời rất nhiều bởi thủ tục đăng ký thành lập dễ, tuy nhiên để tồn tại là rất khó, nên không ít công ty chỉ sử dụng nhân viên môi giới theo kiểu các cộng tác viên.
“Công ty tôi có những người có bằng đại học y dược, bằng đại học sư phạm, ngân hàng… Những người trẻ này khi học xong ra cũng rất muốn làm việc đúng chuyên môn, nhưng không được nhận bởi đa số các công ty tuyển dụng đòi hỏi nhân sự phải có kinh nghiệm. Thêm vào đó là mức thu nhập thấp, khó có thể trang trải cuộc sống với mức lương tập sự. Trong khi nghề môi giới bất động sản có một lợi thế đó là bán được hàng sẽ có tiền, thậm chí nếu bán tốt hàng tháng có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng”, ông Hậu nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo sàn môi giới này cũng cho biết, không phải lúc nào và ai cũng làm được như vậy. Ví dụ, công ty không có hàng bán thì nhân viên lấy đâu thu nhập, hoặc bán được hàng nhưng chủ đầu tư không chịu chi trả phí hoa hồng bán thời gian dài thì nhân viên môi giới cũng không có tiền bởi công ty môi giới phụ thuộc vào chủ đầu tư.
Hiện nay, có chuyện một số công ty môi giới áp dụng “chiêu” thưởng tiền cho những môi giới cũ mời gọi được nhân sự về làm môi giới cho sàn giao dịch của mình. Vậy là không ít môi giới “vẽ” ra những miếng bánh hấp dẫn để lôi kéo người quen tham gia làm nghề môi giới. Ngoài ra, không ít ông chủ sàn môi giới cũng “thổi” quá đà về thu nhập để chiêu mộ môi giới. Khi nhân viên bán được hàng, có sàn còn giữ lại một phần tiền hoa hồng để ngăn chặn làn sóng bỏ việc của môi giới.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Hưng Thịnh cho biết, hiện nay, có quá nhiều doanh nghiệp môi giới và áp lực bán hàng đã là nảy sinh ra những chuyện “đói ăn vụng, túng làm liều”.
Để có thể bán được hàng, có những môi giới chấp nhận lừa khách hàng. Ngay Hưng Thịnh cũng đang chịu tiếng oan với một dự án ma được khoác danh Hưng Thịnh để lấy tiếng. Thậm chí, nhiều khách hàng còn phản ánh, các môi giới dự án này từng “vẽ” ra sự kiện tặng vàng, tặng xe và cho biết đó là sự kiện Hưng Thịnh tổ chức, nhưng kỳ thực sự kiện đó chưa bao giờ diễn ra.
Ngoài ra, câu chuyện các doanh nghiệp môi giới tự vẽ ra dự án để chào bán đang diễn ra khá nhiều ở TP.HCM. Đó là dù chỉ mới mua được quỹ đất, chưa làm được hồ sơ pháp lý nhưng các công ty môi giới đã tự ý phân lô bán cho khách hàng như trường hợp một số công ty môi giới ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Mới đây, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải ra thông báo cảnh báo khách hàng, người dân về việc một doanh nghiệp trên địa bàn chỉ là sàn môi giới bất động sản nhưng lại tự vẽ dự án trên đất nông nghiệp để bán cho khách hàng….
“Theo tôi, cần có sự quản lý chặt các doanh nghiệp môi giới bất động sản, không nên để các doanh nghiệp môi giới tự phát triển không kiểm soát như hiện nay. Hệ quả để lại đang thấy rất rõ vì câu chuyện phát triển bùng phát không quản lý của các doanh nghiệp môi giới bất động sản hiện nay”, ông Nguyễn Văn Hậu nói.