Đủ chiêu lừa khách hàng
Mới đây, hàng trăm khách hàng Dự án Hà Đô Centrosa Garden tại quận 10, TP.HCM do Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư được phen “mừng hụt” khi đồng loạt được môi giới lạ gọi điện thông báo trúng vàng khi mua sản phẩm tại dự án này. Sau thông báo trúng thưởng là thông tin mời tới sự kiện tại khu Dự án Cộng Hòa Garden trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình để nhận vàng.
Ngay sau đó, nhiều khách hàng gọi tới trung tâm chăm sóc khách hàng của Tập đoàn Hà Đô thì mới vỡ lẽ, đó chỉ là “tin vịt”. Những môi giới này thuộc các công ty môi giới bất động sản đang bán dự án Cộng Hòa Garden, bằng cách nào đó họ có được thông tin của khách hàng đã mua nhà tại Dự án Hà Đô Centrosa Garden để gọi điện dụ tới lễ mở bán Dự án Cộng Hòa Garden.
Không chỉ khách hàng mua sản phẩm của Hà Đô, trong thời gian qua, nhiều khách mua sản phẩm của Hưng Thịnh cũng nhận được thư mời qua điện thoại và email rằng Công ty Hưng Thịnh đang bán sản phẩm tại đường Cộng Hòa và ngày 2/12 sẽ tổ chức bán tập trung sản phẩm tại đây. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ theo số điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty Hưng Thịnh, thì được biết, họ bán Dự án Cộng Hòa Garden.
Phía Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh cũng phát đi thông báo cho biết, đơn vị này liên tục nhận được khiếu nại của khách hàng về việc có nhiều người mạo danh nhân viên Công ty Hưng Thịnh để mời tham gia sự kiện và chào bán sản phẩm mới của công ty.
“Hưng Thịnh không tổ chức bất kỳ sự kiện nào tại địa điểm khu Lotte Cộng Hòa (nơi Dự án Cộng Hòa Garden đang xây dựng và mở bán). Đây là hành vi mạo danh thương hiệu Hưng Thịnh nhằm lừa đảo khách hàng, phía Hưng Thịnh đang tập hợp các bằng chứng để gửi tới cơ quan chức năng nhằm can thiệp và xử lý kịp thời”, đại diện của Hưng Thịnh cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Dự án Cộng Hòa Garden do Công ty cổ phần Thiên Phúc Điền làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 30.000m2 với 5 block chung cư, gồm hơn 1.000 sản phẩm căn hộ.
Một nhân viên đang bán sản dự án này cho biết, để có khách hàng, họ phải mua lại danh sách khách hàng của các doanh nghiệp bất động sản khác rồi gọi điện thoại mời, vì nếu mỗi đợt mở bán, nhân viên môi giới không tìm được khách hàng tới sẽ bị phạt tiền. Chính vì vậy, môi giới bán hàng tại dự án này phải tìm mọi cách có được khách hàng tới dự lễ mở bán sản phẩm.
Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cho biết, mới đây, bộ phận kinh doanh của Công ty nhận được nhiều cuộc điện thoại của khách hàng gọi đến tìm hiểu các dự án đất nền mà khách hàng biết đến qua các tờ rơi được nhân viên môi giới phát ra tại các ngã 4 trên địa bàn TP.HCM, như “Him Lam Bình Chánh”, “Him Lam Nam Sài Gòn”…
“Khi nhận điện của khách hàng, nhân viên cùng lãnh đạo Công ty hoàn toàn bất ngờ, bởi chúng tôi không làm chủ đầu tư các dự án trên và kế hoạch kinh doanh của Him Lam cũng không có chủ trương tiếp thị dự án theo cách phát tờ rơi trên đường phố”, đại diện Him Lam Land nói cho biết, khi được khách hàng cho xem các tờ rơi, lãnh đạo Công ty càng bức xúc khi logo, thương hiệu Công ty được in cùng với thông tin giới thiệu về các dự án nói trên.
Đặc biệt, “Lễ Khai trương mở bán Him Lam Bình Chánh” được công khai tổ chức tại Trung tâm hội nghị 7 Kỳ quan vào ngày 18/11/2018 vừa qua. Đáng lưu ý, vào cùng ngày, dự án mang tên “Him Lam Nam Sài Gòn” cũng tổ chức một hoạt động mở bán, giới thiệu sản phẩm tại địa điểm trên.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết, Công ty không triển khai, mở bán bất cứ dự án nào mang tên “Him Lam Bình Chánh” hay “Him Lam Nam Sài Gòn” tại khu vực huyện Bình Chánh, ngoài Khu dân cư Him Lam 6A đã được hoàn tất và bàn giao từ lâu. Đặc biệt, Công ty Him Lam và các đối tác liên kết bán hàng chưa bao giờ và không bao giờ phát tờ rơi để giới thiệu dự án và bán sản phẩm nhà đất.
Một chiêu cũ luôn có tác dụng mà các môi giới hay áp dụng là sử dụng “cò mồi”.
Cụ thể, mới đây, bà Nguyễn Thị Thương, ngụ TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phản ánh tới Báo Đầu tư Bất động sản về việc bà bị môi giới bất động sản lừa bán dự án tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, bà được mời tham dự lễ mở bán dự án bất động sản, khi bà nói không có tiền mua, thì môi giới bảo cứ đi, không mua cũng được quà mang về. Dù vậy, khi tham dự lễ mở bán này, nhân viên môi giới liên tục mời mua và nhiều người xuống tiền mua từ 3 tới 4 nền liền lúc, khiến bà không làm chủ được hành động của mình.
“Tôi thấy sao họ mua nhiều vậy, phải lời lắm thì khách hàng mới mua nhiều như vậy. Thấy tôi phân vân, nhân viên kêu tôi không chốt nhanh sẽ không mua được, mất cơ hội kiếm tiền. Tôi nói không có tiền mặt, chỉ có tiền trong thẻ ATM. Thế là họ kêu đưa thẻ họ cà, thẻ có hơn 60 triệu đồng, thì họ cà hết 60 triệu đồng và kêu hôm sau lấy tiền mặt đóng. Ngày hôm sau, nhân viên đó tới tận nhà tôi đón tôi mang tiền lên công ty đóng tiền mặt. Tổng cộng tôi đã phải vay mượn 900 triệu đồng để đóng tiền mua một nền đất tại dự án này. Tuy nhiên, đã 4 tháng mà dự án chỉ là một cánh đồng cỏ và cũng chưa thấy hợp đồng mua bán đâu, chỉ là giấy thỏa thuận đặt cọc mua đất nền dự án”, bà Thương nói.
Hệ quả của sự bùng nổ môi giới
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Hà Đô cho rằng, việc liên tục xuất hiện chiêu lừa mới từ dân môi giới bất động sản là hệ quả của sự bùng nổ quá nhiều của môi giới bất động sản trong thời gian qua. Hiện tại, thủ tục đăng ký thành lập công ty môi giới quá dễ dàng, chỉ cần nộp hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư là trong thời gian vài ngày sẽ xong thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp. Chính vì vậy, từ đầu năm tới nay, TP.HCM tiếp tục có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới được thành lập mới.
“Khi thành lập doanh nghiệp môi giới, buộc doanh nghiệp phải có hàng bán và phải bán được hàng mới có doanh thu và tồn tại. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp mới thành lập, nhỏ, ít mối quan hệ, ít thông tin khách hàng, nên họ tìm cách mua thông tin khách hàng, làm đủ chiêu trò, thậm chí là lừa khách hàng để có thể bán được hàng. Đây là vấn nạn đang diễn ra phổ biến ở thị trường địa ốc, làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của các công ty địa ốc lớn và làm ảnh hưởng tới lòng tin khách hàng với thị trường”, ông Tuấn nói.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, việc lừa đảo, mạo danh các dự án của doanh nghiệp bất động sản diễn ra rất nhiều, có thể một số đơn vị chưa phát hiện ra, hoặc đến khi phát hiện mọi chuyện đã lỡ.
Các dự án đối tượng giả mạo thường của các doanh nghiệp uy tín, sản phẩm đã hình thành và được nhiều người biết đến. Họ lấy các hình ảnh để quảng bá, thậm chí hạ giá thành để người mua ham rẻ và đến tìm hiểu, khi đó họ sẽ đưa khách đến các khu vực xa ngoại thành, khác xa những với những gì quảng cáo, sau đó nhận tiền cọc rồi bỏ trốn.
“Khách hàng khi biết bị lừa sẽ tìm đến các chủ đầu tư chính thống của dự án để đòi tiền, nhưng cả đôi bên lúc này mới vỡ lẽ mình đều là nạn nhân. Chính vì vậy, khi muốn giao dịch bất động sản, người dân nên cẩn trọng với các nhân viên môi giới. Nên đến thẳng địa điểm dự án, tại đó sẽ có bộ phận tư vấn, giao dịch để tránh rủi ro. Về phía doanh nghiệp, nên thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng cho biết đơn vị nào, công ty nào đang phân phối dự án cho mình hoặc có riêng bộ phận quản lý để tránh ảnh hưởng đến uy tín”, bà Hương nói.
Về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự.
Cụ thể, căn cứ vào Điều 592, Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.