Aa

Tạo đột phá mới cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển

Thứ Năm, 15/08/2019 - 06:30

Doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình đổi mới đã lớn mạnh lên nhiều, nhưng nhìn chung còn dưới mức tiềm năng. Trong bối cảnh quốc tế đã thay đổi, cần tháo gỡ các rào cản, khai thông ách tắc thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình đổi mới đã lớn mạnh lên nhiều, nhưng nhìn chung còn dưới mức tiềm năng. Trong bối cảnh quốc tế đã thay đổi, cần tháo gỡ các rào cản, khai thông ách tắc thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Trong tiến trình đổi mới, khu vực doanh nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh, điển hình là những lĩnh vực sau:

Một là, quy mô và cơ cấu doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực.

Trước đổi mới, có lúc Việt Nam có hơn 12.000 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhưng khu vực FDI và doanh nghiệp “dân doanh” (cả tập thể và tư nhân) đều còn nhỏ bé cả về số lượng và hiệu quả. Có một nguyên nhân là thể chế kinh tế chưa thông thoáng nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là quá trình đô thị hóa chậm chạp. Đến năm 1990, tỷ lệ đô thị hóa chỉ 20%, doanh nghiệp dân doanh khó phát triển, dù trong khu vực thương nghiệp, thực chất khu vực tư nhân buôn bán nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI mới bắt đầu có từ năm 1988, nên dường như “gánh nặng” của kinh tế dồn vào DNNN, nhưng các doanh nghiệp này hoạt động thiếu động lực, hiệu quả kém, thậm chí là rất kém.

Năm 1999 đánh dấu sự chuyển biến về số lượng và cơ cấu doanh nghiệp sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Kinh tế khu vực tư nhân đã tăng mạnh về số lượng và cả đóng góp cho nền kinh tế (tăng 3% GDP trong 8 năm (2000 - 2008). Việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO sau khi đã ký Hiệp định BTA năm 2000, cũng như sửa hàng loạt luật đầu tư, doanh nghiệp cho thông thoáng hơn, đã mở ra thời kỳ đẩy mạnh cải cách và chủ động hội nhập kinh tế. Nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá, sức cạnh tranh cao.

GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái

Tuy nhiên, sau đó tỷ lệ của khu vực tư nhân trong nước bị giảm 2% GDP dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Đồng thời, sự chuẩn bị của doanh nghiệp; hệ thống luật kinh tế cũng chưa đủ độ cởi mở và trình độ quản trị chưa thích ứng với điều kiện hội nhập mới nên các doanh nghiệp còn gặp khó khăn không nhỏ trong việc tham gia cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong 7 năm cơ cấu lại nền kinh tế (2010 - 2017) khu vực kinh tế tư nhân tăng gần 3% GDP (đã loại trừ yếu tố thuế), tức là vẫn có tỷ trọng cao hơn năm 2000. Khu vực doanh nghiệp FDI liên tục tăng trưởng và đến nay đã đóng góp 20% GDP, chiếm 72% giá trị xuất khẩu, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế. Dưới các tác động của quá trình chuyển đổi, khu vực kinh tế Nhà nước và tập thể đều giảm sút, tổng đóng góp của hai khu vực này đã giảm mạnh từ mức chiếm gần 60% GDP năm 2000, chỉ còn hơn 40% GDP năm 2017.

Bảng 1

Sự chuyển biến về quy mô và cơ cấu sở hữu của nền kinh tế ghi nhận tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đã mở ra không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

Bảng 2

Hai là, tiềm lực và hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp tăng mạnh.

Trong điều kiện đổi mới, các doanh nghiệp đã nâng cao được tiềm lực toàn diện của mình. Có thể ghi nhận những chuyển biến mạnh về trang bị vốn và lao động ở tất cả các doanh nghiệp mọi loại hình sở hữu (xem bảng 2).

Về trang bị vốn, các loại hình doanh nghiệp đều có mức trang bị vốn không ngừng tăng cao, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và giao lưu thị trường đang mở rộng cả trong nước, khu vực ASEAN và thế giới. Dù có bao gồm yếu tố lạm phát, nhưng vốn và tài sản cố định tăng bình quân 25 - 29% cho thấy thực sự tiềm lực đã tăng cao, nên doanh thu thuần cũng tăng rất mạnh, đến mức bình quân 35%/năm.

Ảnh minh họa.

Về lao động, hầu hết các doanh nghiệp đều tăng trưởng về số lượng lao động (bình quân 4,6%), trong đó khu vực FDI tăng nhanh nhất, tiếp đến khu vực dân doanh. DNNN giảm nhanh về tỷ trọng (từ 11,6% lực lượng tham gia lao động trong khu vực doanh nghiệp, năm 2005, còn 8,6% năm 2017), với tổng số lao động từ 1,6 triệu đã giảm xuống 1 triệu lao động. Với DNNN có 100% vốn Nhà nước cũng giảm mạnh từ mức 5 triệu lao động toàn bộ khu vực công xuống còn 4,5 triệu lao động.

Doanh nghiệp FDI năm 2005 chiếm 2,6% lực lượng lao động đến nay đã tăng lên 7,8% (tăng hơn 4 triệu lao động). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, doanh nghiệp FDI dù có NSLĐ cao, xuất khẩu lớn nhưng lại có đến 50% doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài (!?).

Doanh nghiệp tư nhân bình quân khoảng 30 lao động/doanh nghiệp trong nhiều năm, giảm dần xuống còn 17 lao động/doanh nghiệp, vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia đình hoặc “tiểu dự án”. Điều đáng quan tâm là các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng trên 80% lực lượng lao động (chiếm 45/54 triệu lao động cả nước). Đặc biệt số doanh nghiệp mới thường có số lao động ít, khoảng 10 lao động, trong khi số doanh nghiệp quy mô lớn còn chưa nhiều.

Nhờ trang bị công cụ lao động khá, tay nghề được nâng lên nên NSLĐ tăng cao, tuy hiệu quả sử dụng tài sản còn không đều. Khi thu hút lao động đến 6%/năm trong các doanh nghiệp đã được nâng cấp với vốn tăng bình quân 25%/năm, tài sản cố định và tài chính tăng 29%/năm nên doanh thu thuần đã tăng bình quân 35%/năm.

Ba là, sức cạnh tranh và chất lượng được cải thiện nhưng trong tương quan quốc tế còn thua kém nhiều mặt.

Mặc dù sức mạnh của từng doanh nghiêp được cải thiện nhưng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, chỉ số cạnh tranh quốc tế theo GCI đã có những diễn biến không đều, nhất là các chỉ tiêu chất lượng như chi tiêu ngân sách, thị trường hiện đại và đổi mới sáng tạo, công nghệ cao…

Do sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp ở các khu vực hoạt động kinh tế ngày càng trở nên năng động và hiệu quả. Năng lực cạnh tranh quốc gia đã tăng 20 bậc trong 5 năm 2012 - 2017 theo chỉ tiêu GCI của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF. Tuy nhiên, trong đánh giá theo GCI vẫn cần lưu ý hai yếu kém trong so sánh quốc tế:

Thứ nhất, dù GCI có tăng lên và thứ bậc của Việt Nam được nâng lên 20 bậc trong 5 năm 2012 - 2017, nhưng trong số 113 chỉ tiêu thành phần, vẫn còn khoảng 40 chỉ tiêu Việt Nam bị xếp vào thứ hạng thấp, chỉ đứng trong nhóm từ thứ 90 trở xuống trong 137 nền kinh tế. Đó là các chỉ tiêu còn yếu kém liên quan tới chi tiêu ngân sách, tiếp cận thị trường hiện đại và thực hiện đổi mới sáng tạo innovation.

Thứ hai, cũng chỉ tiêu GCI năm 2018, nhấn mạnh nhiều hơn về đổi mới khoa học công nghệ, GCI của Việt Nam năm 2018 đã tăng 0,1 điểm, nhưng thứ hạng đã giảm ba bậc so với chỉ tiêu tương tự năm 2017 do các nước khác đều có tiến bộ nhanh và nhanh hơn.

Tựu chung lại, doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình đổi mới đã lớn mạnh lên nhiều, NSLĐ, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nhìn chung được cải thiện. Tuy nhiên mức cải thiện không đều và thành quả đạt được còn dưới tiềm năng.

Nguyên nhân chủ yếu do còn nhiều yếu kém và nhất là rào cản kìm hãm doanh nghiệp. Do đó, cần tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp phát triển, khai thông ách tắc, nhất là khi bối cảnh quốc tế đã thay đổi.

Ảnh minh họa.

Tháo gỡ rào cản để phát triển

Có thể kể ra một số các rào cản chính và giải pháp tháo gỡ như sau:

Chậm đổi mới tư duy về doanh nghiệp

Rào cản đầu tiên là tư duy phát triển bị lạc hậu khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Từ đó đi đến các chính sách kiểu “bao cấp” và thậm chí quan điểm “bao cấp” chỉ ưu tiên một số nhóm doanh nghiệp. Đó là điều kiện tạo môi trường cho tham nhũng, nhất là đất đai, tài sản công và gây ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, với cơ chế “xin - cho”. Vấn đề là chỉ có “xuyên qua” kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện cách mạng KHCN… thì mới có thể xây dựng nước Việt Nam XHCN hùng cường. Quan điểm “độc lập, tự chủ” phải hiểu chủ yếu trong đường lối, chính sách và tạo được lực lượng dự trữ, phòng ngừa rủi ro, chứ không phải đất nước cần “tự túc” mọi thứ như “cấp huyện” thời chiến…

Hơn thế, tư duy phát triển cần thường xuyên cập nhật các thành tựu của nhân loại, tránh việc “sáng tác” tùy tiện… Cái mới ban đầu bao giờ cũng chỉ như chồi non và thưa thớt. Tầm nhìn của lãnh đạo sẽ làm cho các chồi non đó nở hoa, kết trái và nhân rộng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kế thừa sáng tạo các thành quả của văn minh nhân loại là đòi hỏi của thời cuộc.

Vấn đề là chỉ có “xuyên qua” kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện cách mạng KHCN… thì mới có thể xây dựng nước Việt Nam XHCN hùng cường. 

Vượt qua rào cản tư duy để có tư duy phát triển hiện đại là vượt qua chính mình, nhất là phát huy vai trò dẫn dắt của các cấp lãnh đạo hoạch định đường lối chính sách: Vượt lên với tư duy chủ động và sáng tạo, như thời kỳ khởi động đổi mới, mở đầu từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (1979) cách đây 40 năm… Từ đó, tạo ra định hướng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới cho toàn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội… cả nước bừng nở.

Đổi mới thể chế, bao gồm cả luật lệ, quy chế, thể lệ và hệ thống công vụ

Từ tư duy đổi mới thích ứng với bối cảnh mới, cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế (hiểu theo nghĩa rộng, cả từ luật lệ đến quy chế, thể lệ, đội ngũ cán bộ), tạo môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp.

Trước hết, hệ thống pháp luật cần đồng bộ và thích ứng với quá trình chuyển đổi. Cách đây hai năm, việc thông qua Luật Quy hoạch rất vất vả, cho thấy vẫn còn tư tưởng gây cản trở, phiền hà để “hành” doanh nghiệp với các quy định quá rườm rà. Việc sửa một luật “gốc” đòi hỏi thay đổi các luật thành phần rất “vướng” cho thấy, cần có sự quyết đoán của lãnh đạo.

Sau luật đến hàng loạt thông tư, nghị định cũng rất chậm, thậm chí có một số điều bị “gài” để cán bộ các ban ngành, địa phương có quyền “hành” doanh nghiệp và người dân do quyền “anh”, quyền “tôi” rất phổ biến hiện nay. Thậm chí, các ngành, địa phương đến cấp thấp nhất cũng ra các “quy chế” gây khó dễ cho doanh nghiệp. Chỉnh sửa hệ thống thể chế, đòi hỏi phải làm một cách đồng bộ và kiến quyết. Tư duy “làng xã”, đóng khuôn trong từng ngành, từng cấp đang cản trở việc đổi mới hệ thống thể chế một cách toàn diện.

Bộ máy hành chính Nhà nước cần có quy chế nghiêm minh và đội ngũ công chức mạnh, tinh, mẫn cán và liêm chính. Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo hiện nay đòi hỏi cần phải đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết để thực thi pháp luật được thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Có lẽ đây là những đòi hỏi của một Nhà nước kiến tạo, tuy nhiên cũng cần có thời gian để từng bước xây dựng và hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

Rào cản trong bối cảnh mới

Những cải cách để tháo gỡ các rào cản như nêu trên sẽ phải thường xuyên cập nhật, đổi mới cho thích ứng với bối cảnh mới về hội nhập, về kinh tế, thương mại, đầu tư và KHCN đang đổi mới từng ngày. Thậm chí, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng… cũng đòi hỏi có những quy định và cách hành xử thích ứng. Các trạm BOT mọc lên khắp cả nước và đang bị các doanh nghiệp và người dân kêu ca cho thấy, không phải mọi “đổi mới” đều thành công mỹ mãn mà đỏi hỏi phải không ngừng chỉnh sửa, cập nhật kịp thời.

Kết luận và kiến nghị

Trong điều kiện mới, khi nhiều nước trên thế giới đang điều chỉnh chính sách, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp để doanh nghiệp và kinh tế cả nước phát triển mạnh, chủ động cạnh tranh toàn cầu. Đó là con đường phát triển đúng đắn của đất nước, phản ánh vai trò tạo dựng môi trường lành mạnh, quản trị thông minh, khắc phục các “khuyết tật” của thị trường, không chỉ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho từng doanh nghiệp hình thành và phát triển, mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho các loại hình doanh nghiệp, nhất là kinh tế nội địa trở thành động lực mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế đất nước.

Vì một nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường, toàn thể hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành trong quá trình đổi mới của đất nước. Đổi mới toàn diện cần mang tính hệ thống động và không ngừng phát triển. Đồng thời cần tạo khâu đột phá, tạo “cú hích” (như thực hiện các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển kinh tế biển…) và sức lan tỏa để tạo chuyển biến kinh tế cả nước một cách đồng bộ. Đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện đổi mới sáng tạo, xây dựng đất nước thịnh vượng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top