Aa

Khoảng 500 triệu USD giao dịch M&A ngành BĐS đang được thương thảo

Thứ Tư, 29/04/2020 - 10:20

Ông Sử Ngọc Khương cho rằng trong nửa cuối năm, một số giao dịch M&A sẽ thuận buồm xuôi gió. Thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2022.

Nhận định này được ông Khương đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mà còn tác động dây chuyền đến hơn 50 ngành nghề liên quan như xây dựng, vật liệu, thị trường lao động, thị trường tài chính... 

Theo ông, thời điểm này khó khăn với nhiều nhà đầu tư vì triển khai các dự án cần đến nguồn vốn rất lớn. Thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10 - 20%, còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án là cực kỳ khó, trong khi đó việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp gia tăng, tiền lương và thu nhập giảm cũng là bài toán nan giải. TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, chia sẻ từ năm 2019 đến nay, một số dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đang trong quá trình thương lượng mua và chuyển nhượng (M&A) với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Dự kiến quý III và IV, một số giao dịch sẽ diễn ra nếu thuận buồm xuôi gió. Nhóm các nhà đầu tư ngoại tích cực nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và một số nước châu Âu.

Theo ông Sử Ngọc Khương, nút thắt lớn nhất với các doanh nghiệp địa ốc những năm gần đây là vấn đề pháp lý. Ảnh: NVCC.

Trong phân khúc bất động sản thương mại với vòng quay vốn mất từ 10 đến 15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình.

Nhưng với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì lại là cơ hội. Những doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy tài chính một cách chừng mực, họ có thể vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội trong khó khăn. Trong thời gian gần đây, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. 

TS. Khương cho rằng nút thắt lớn nhất của các doanh nghiệp địa ốc trong những năm gần đây là vấn đề về pháp lý. Những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, ông Khương tin tưởng thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top