Đầu tư chứng khoán bên trời Tây
Bên cạnh các sàn đầu tư tài chính được nhắc đến thời gian qua, đầu tư chứng khoán quốc tế đang nổi lên như một hình thức đầu tư tài chính được quảng cáo rầm rộ trên các mạng xã hội với lợi nhuận kếch xù mà không cần phải nhọc nhằn gì.
“Chào anh, em gọi từ sàn giao dịch chứng khoán quốc tế ABC, em xin gửi tài liệu qua mail… bên em bao lãi, rút tiền dễ dàng, không phí môi giới…”. Đó là những lời chào mời mà các nhân viên môi giới thuộc các nhóm đầu tư này thường mở đầu khi tiếp cận các nhà đầu tư.
Chúng tôi đã thử tìm hiểu và liên hệ với một đại lý mở tài khoản giao dịch chứng khoán quốc tế có tên ATF… Chúng tôi được một nhân viên sale liên hệ và quảng bá đại lý này giao dịch đến 70 loại cổ phiếu của Mỹ và Châu Âu. Sàn này không yêu cầu phí hoa hồng hay ẩn phí, đặc biệt là cho dùng đòn bẩy tài chính lên tỉ lệ 20:1. Sau đó, nhân viên sale cho biết, họ sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của từng mã cổ phiếu nước ngoài, hướng dẫn chúng tôi cách thức giao dịch, kiểm tra số lượng cổ phiếu ra - vào, nộp và rút tiền trên phần mềm MT24. Mức nộp tiền tối thiểu vào tài khoản là 24 triệu đồng.
Thế nhưng, khi được hỏi về việc ký hợp đồng, nhân viên sale này cho hay, họ là nhân viên môi giới của các đại lý được sàn quốc tế uỷ quyền và không ký hợp đồng. Mọi thứ chỉ giao dịch qua tài khoản trên phần mềm mà thôi.
Theo tìm hiểu, để tạo niềm tin, các nhóm này sau khi liên hệ với nhà đầu tư thường cụ thể hoá việc đầu tư lợi nhuận ra sao bằng nhiều thông điệp, rồi chụp màn hình Zalo để chứng minh cho nhà đầu tư thấy một ai đó đã đầu tư vào cổ phiếu của một công ty khá nổi tiếng ở Mỹ và cổ phiếu đó đã tạo ra lợi nhuận vài trăm phần trăm cho nhà đầu tư nọ.
Tiếp theo, họ lại gửi ảnh một tài khoản quốc tế đã chuyển tiền lời vào tài khoản ngân hàng cho nhà đầu tư đó. Rất nhiều người bị thu hút và đã mắc chân vào cuộc chơi. Anh Vương - một người đầu tư ở quận 1 (TP.HCM) - đã chia sẻ với phóng viên rằng, anh cũng khá quan tâm đến các kênh đầu tư tài chính. Anh được gặp gỡ một số nhóm tự nhận là đại lý được các sàn uỷ quyền. Người chơi không cần kiến thức về tài chính, chỉ cần 15 - 20 phút/ngày gặp “thầy” qua ứng dụng gọi video trực tuyến, nhấn chuột theo hướng dẫn để kiếm lời.
Có lời cũng không dễ rút
Anh đã nạp 2.000 USD vào một sàn có tên UTs... và được một môi giới tự xưng đang sống ở nước ngoài tư vấn mua nhiều mã cổ phiếu lạ. Làm theo hướng dẫn, tài khoản của anh bị lỗ. Sau này, khi tự nghiên cứu và tự đưa ra quyết định, đã có thời điểm anh “chọn giá đúng” và tài khoản có lợi nhuận. Tuy nhiên, khi anh muốn rút tiền, sàn không cho rút với lý do “nghi ngờ tiền trong tài khoản là phi pháp, để chứng minh tiền hợp pháp thì phải nạp tiền đánh tiếp”. Làm theo chỉ dẫn, tài khoản của người đầu tư này đột ngột âm và bị cháy tài khoản.
Ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc quỹ DG Investment - cho hay, trên thị trường tài chính quốc tế, việc giao dịch chứng khoán quốc tế bản chất là có thật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các nhà đầu tư không giao dịch hay làm việc trực tiếp với sàn giao dịch quốc tế. Người làm việc trực tiếp với những người đầu tư là nhân viên telesales (môi giới) của các đại lý được sàn ủy quyền.
Thiếu thông tin về thị trường là điểm yếu lớn nhất của người tham gia ở Việt Nam. Hầu như họ phó mặc hoàn toàn quyết định đặt lệnh mua và bán cho môi giới. Môi giới sẽ tư vấn thời điểm đặt lệnh họ cho là “sinh lời”.
Khi bạn đặt lệnh mua thì sẽ bị cộng giá lên, đặt lệnh bán thì sẽ bị trừ giá đi, người đầu tư sẽ dần thua lỗ. Chưa kể dòng tiền đầu tư của bạn có thể không đến được sàn giao dịch mà sẽ bị đại lý giữ lại. Hành vi chứng khoán quốc tế lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi với những thông tin mù mờ, ít ỏi khiến những người đầu tư khó có thể kiểm chứng, ông Phương nêu quan điểm.