Đến nay, cho dù không được chủ quan nhưng có thể khẳng định rằng, đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ bị ngăn chặn tại Việt Nam, và liền với đó, mặt trận thứ hai sẽ được mở ra: Phục hồi nền kinh tế sau nạn dịch.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới ngày càng đan xen vào nhau, hỗ trợ và ảnh hưởng lẫn nhau, khi nạn dịch vẫn còn chưa đến đỉnh ở nhiều quốc gia thì nền kinh tế Việt Nam muốn khôi phục trở lại thời trước dịch không hề dễ dàng.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lần đầu tiên trong 60 năm, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á trong năm 2020 sẽ bằng 0. Kể cả, với quốc gia lâu nay vẫn mang danh là nước có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc cũng được đánh giá con số này chỉ còn 1,2%!
Nói như vậy để thấy rằng, công cuộc phục hồi kinh tế ở các quốc gia có dịch Covid-19 khó khăn như thế nào?
Đã có những phân tích khẳng định, không thể loại con virus Covid-19 ra khỏi xã hội loài người, mà chỉ có thể chế ngự nó và… sống chung với nó như với bao chủng loại virus khác. Vì thế, trước khi con người điều chế ra được vắc xin đặc trị cho con virus ngang ngược và oái oăm này, chúng ta cần thiết lập một lối sống mới, để tồn tại và phát triển.
Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ngày 23/1/2020 đến nay, công cuộc phòng chống nạn dịch này tại Việt Nam được đánh giá là thành công. Bắt đầu từ ngày 16/4 này, Chính phủ đã có những quyết định quan trọng để chuẩn bị cho một công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu: “Các bộ, ngành, địa phương cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng, trúng và triển khai quyết liệt để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian”.
Có thể nhận xét, nếu chia cuộc chiến thành 3 giai đoạn: Phòng ngự - cầm cự - phản công, thì nay, nền kinh tế nước nhà đang chuyển từ giai đoạn cầm cự bị động sang cầm cự chủ động, chuẩn bị nhân, tài, vật lực cho một cuộc tổng phản công mãnh liệt, có tính quyết định cho nền tảng phát triển kinh tế nước nhà trong tương lai.
Kể từ ngày 16/4, cơ hội khôi phục kinh tế của các địa phương trong cả nước không giống nhau. Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng, có 12 tỉnh thành thực hiện cách ly xã hội ít nhất thêm 1 tuần; 15 địa phương được “nới lỏng”; dỡ bỏ “lệnh cấm” với 36 tỉnh thành khác.
Đồng thời, Chính phủ giao cho lãnh đạo các địa phương từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, mỗi địa phương đã có những quyết sách khác nhau theo hoàn cảnh của mình.
Tại Hải Phòng, thành phố cho phép các bến phà, bến đò kết nối với tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động từ 6h đến 8h và từ 16h đến 18h hằng ngày. Cho phép 50% số đầu xe của từng hãng taxi hoạt động trong phạm vi địa bàn thành phố và số người trên xe chỉ được dưới 50% số ghế. Đối với người ra vào thành phố, cho phép người trước khi về Hải Phòng mà không phải từ 12 địa phương nhóm nguy cơ cao được vào thành phố và không phải cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi đi…
Tại Đà Nẵng, UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/4/2020 theo hình thức bán trực tuyến (bán online) và bán cho khách mang về, thay vì ngừng hoạt động hẳn như chỉ đạo trước đó. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được yêu cầu tuyệt đối không phục vụ tại chỗ.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các lĩnh vực tiếp tục tạm dừng hoạt động đến hết ngày 22/4 là các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú; di tích, bảo tàng, công viên, thắng cảnh, địa điểm tham quan; taxi và giao thông công cộng nội tỉnh; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, cắm trại, tắm biển tại các địa điểm công cộng.
Tại Cà Mau, những hoạt động được phép mở cửa trên địa bàn tỉnh là các cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu của người dân; cơ sở dịch vụ ăn uống, nước giải khát, hàng quán, địa điểm tham quan, du lịch (phục vụ khách nội tỉnh); các hàng quán vỉa hè, hàng rong (chỉ được bán mang về); các hoạt động thể dục, thể thao…
Tuy “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng, ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng, một cuộc sống mới thích nghi với Covid-19 đang được hình thành.
Cùng với đó, nhiều chương trình cấp quốc gia đã được khởi động, nhiều công trình xây dựng trọng điểm đã được triển khai, nhiều chuyến bay nội địa đã được nối lại… đã và đang thắp lên niềm hy vọng về công cuộc phục hồi kinh tế của nước nhà sẽ thành công nhanh chóng!