Thị trường nhiều tiềm năng
Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), hiện nay, ngành đồ gỗ nội thất Việt chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ với mức tăng trưởng 3 năm qua đạt trung bình 10%/năm. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã lọt vào Top 10 thế giới, đứng đầu về xuất khẩu đồ gỗ Đông Nam Á. Với tốc độ phát triển bình quân hai con số liên tục nhiều năm, dự kiến năm 2020, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD là khả thi.
Đồ gỗ nội thất chính là sức mạnh mới của Việt Nam, nhờ năng suất lao động khá cao so với các ngành khác như giày dép, thủy hải sản, dệt may. Sự phát triển của ngành này kéo theo các ngành công nghệ phụ trợ khác như keo dán gỗ, dầu màu, vật liệu kim khí, bao bì, giấy nhám. Đây là ngành mà lao động Việt Nam có tiềm năng lớn, học hỏi nhanh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thị trường lớn và đa dạng
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ TP.HCM (Hawa), cơ hội cho ngành chế biến gỗ còn rất lớn. Bên cạnh cơ hội xuất khẩu lên đến 120 thị trường, thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân và nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm, là con số hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gỗ Việt Nam. Với sự phục hồi kinh tế và sự khởi sắc của thị trường bất động sản, doanh số tiêu thụ nội địa sẽ lên đến khoảng 2 tỷ USD/năm.
Mặt khác, theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đã tác động đến sở thích và thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, nhu cầu về nội thất cũng biến đổi theo chiều hướng tinh gọn, hiện đại.
Đại diện hãng nội thất V-Home chia sẻ, hiện tại, rất khó để thống kê hết được các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội thất và cũng không biết được số lượng tiêu thụ hàng bao nhiêu, nhưng có một điều là hàng sản xuất ra bao nhiêu hoặc nhập về bao nhiêu, đều bán hết bấy nhiêu. Mặt khác, do tác động của quá trình đô thị hóa, đời sống người dân ngày một cao, dẫn đến nhu cầu về gỗ nội thất cũng rất lớn.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vifores, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ nội thất.
Nhưng không ít thách thức
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường gỗ nội thất Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là sau năm 2020, với thị trường nội địa tăng 6%, đạt 1,75 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực khác gặp sức ép cạnh tranh của hàng ngoại rất lớn, thì thị trường nội thất vẫn đang được các doanh nghiệp nội địa nắm giữ thị phần chi phối với khoảng 7.000 doanh nghiệp lớn nhỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng bởi tiềm năng phát triển còn rất lớn, nên thị trường nội thất Việt Nam sẽ trở thành đích nhắm của các đại gia ngoại. Đơn cử, năm 2017, gã khổng lồ IKEA đến từ Thụy Điển sau khi nghiên cứu đã tuyên bố sẽ lên kế hoạch mở rộng thị trường tại Đông Nam Á và Việt Nam chính là điểm nhắm tới để phát triển trong tương lai gần. Điều này gây không ít áp lực cho các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải tối ưu hóa hoạt động, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Ngoài các đại gia ngoại, người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng, mẫu mã và giá cả của sản phẩm, cũng gây áp lực lớn với các nhà sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất nội địa”, đại diện hãng nội thất An Cường cho biết.
Cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội
Theo khảo sát tại thị trường Hà Nội của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các sản phẩm nội thất bình dân chủ yếu được sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc, còn các sản phẩm cao cấp chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Ý, Malaysia, Tây Ban Nha..
Đối tượng khách hàng đông nhất là những người có mức thu nhập trung bình khá, nên các sản phẩm có mức giá tầm trung luôn được lựa chọn đầu tiên. Chính vì vậy, các sản phẩm sản xuất trong nước vẫn có chỗ đứng khá vững chắc, nhất là các sản phẩm như bàn ăn, sofa, giường…
Ngoài ra, khách hàng hiện nay thường có xu hướng đặt làm những bộ nội thất theo thiết kế riêng của mình để phù hợp với không gian căn hộ, nếu doanh nghiệp đáp ứng được điều này, thì không khó để gia tăng được doanh thu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, dư địa và tiềm năng phát triển ngành gỗ thế giới là rất lớn, nhưng để mở rộng thị phần và nâng cao giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cần kịp thời nắm bắt xu hướng và tận dụng tốt các cơ hội mà thị trường mang lại.
Ông Bjorn Henseler, chuyên gia của Tập đoàn Schuler cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về chế biến gỗ nguyên khối, nhưng hiện nay nhu cầu của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đang thiên về gỗ công nghiệp, gỗ kỹ thuật. Ngay cả thị trường nội địa Việt Nam với sự phát triển của các tòa nhà cao tầng, nhu cầu nội thất từ gỗ công nghiệp cũng chiếm ưu thế.
Theo ông Bjorn Henseler, bên cạnh việc phát huy thế mạnh về chế biến gỗ truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường để có chiến lược phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó, nền tảng để các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển lâu dài và bền vững là không ngừng sáng tạo, đưa ra các sản phẩm có thiết kế, tính năng mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm phổ thông với số lượng lớn sang sản xuất theo đơn đặt hàng và gặt hái được thành công về mặt doanh thu cũng như lợi nhuận.
Ở góc độ khác, theo các chuyên gia, để tranh thủ thủ tốt thị trường gỗ nội thất, các doanh nghiệp ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, cần phải có tầm nhìn xa hơn hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới. Để đáp ứng được điều đó, các doanh nghiệp cần hoàn thiện về mẫu mã, tính năng sản phẩm. Vì phần lớn khách hàng hiện nay yêu thích sản phẩm có thiết kế tích hợp nhiều tính năng nhưng tiết kiệm không gian sắp đặt.
Trong khi đó, xu hướng chung của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ở Mỹ, EU hiện nay là sử dụng thương mại điện tử. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giao dịch cũng như quảng bá sản phẩm qua các phương tiện truyền thông hiện đại để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín thông qua chất lượng sản phẩm và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ để nắm bắt tốt nhất cơ hội phát triển từ sự gia tăng tiêu dùng sản phẩm gỗ trên thế giới.