Aa

Khôi phục niềm tin để phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 13/05/2022 - 11:00

Sau biến cố đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn địa chính trị… “đứt gãy niềm tin” là nỗi lo nữa mà cộng đồng doanh nghiệp phải vượt qua sau vụ việc nhiều doanh nghiệp lớn bị xử lý vì vi phạm pháp luật.

Lúc này, khôi phục niềm tin của xã hội, của thị trường với doanh nghiệp, doanh nhân là điều hết sức quan trọng để vực dậy thị trường, phục hồi nền kinh tế. Đây là quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

PV: Thưa ông, những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến các doanh nghiệp lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của thị trường, của xã hội với giới doanh nghiệp, doanh nhân. Ông nghĩ thế nào về điều này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trước hết, phải thấy rằng các hiện tượng như ở một số tập đoàn, các vi phạm về cổ phiếu, trái phiếu hay đấu giá đất đai không phản ánh bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hay của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Việc xử lý nghiêm minh những hành vi sai trái là cần thiết nhưng chúng ta cần phải công bằng, khách quan với đội ngũ doanh nhân và tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc

Đúng là vừa qua có những doanh nghiệp lo lắng, cũng có rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình và cho rằng việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm là đương nhiên, cần thiết để lấy lại sự trong sạch cho môi trường kinh doanh. Số doanh nghiệp vi phạm chỉ là một “góc màu tối trong bức tranh” chung, phần lớn các doanh nghiệp đang làm ăn đúng đắn, nghiêm túc nên họ không lo ngại.

Lúc này, truyền tải thông tin, thông điệp thế nào đến thị trường, đến cộng đồng là rất quan trọng để giữ được niềm tin chiến lược từ cả hai phía. Niềm tin của thị trường, của xã hội, của thể chế với doanh nhân và ngược lại của doanh nhân với thị trường, xã hội, thể chế. Nếu chúng ta không khôi phục, duy trì được niềm tin này để tiếp tục thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khiến doanh nghiệp nản chí thì chúng ta thất bại. Thị trường đi xuống, hay tốc độ tăng trưởng suy giảm cũng không đáng sợ bằng suy giảm niềm tin, suy giảm ý chí kinh doanh, khởi nghiệp.

PV: Vậy lúc này chúng ta cần làm gì để tiếp tục duy trì, khôi phục niềm tin của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Vũ Tiến Lộc: Như tôi đã nói, ở đây cần sự định hướng, truyền tải thông tin rõ ràng, mạch lạc. “Bức tranh” về doanh nghiệp còn rất nhiều mảng màu tươi sáng, nhiều tấm gương tiêu biểu cần được phản ánh, truyền tải, chứ không chỉ tập trung vào một góc tối. Nếu có điều gì mà tôi muốn được bổ sung vào gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thì đó chính là gói hỗ trợ niềm tin.

Chúng ta rất mừng khi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định thông điệp “không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự”. Điều này dù chúng ta đã nói nhiều nhưng trong bối cảnh này càng phải nhấn mạnh. Lúc này, đặc biệt càng không được lơ là nhiệm vụ cải cách thể chế, phải coi cải cách thể chế là trọng tâm, là giải pháp lâu dài để chống tham nhũng, tiêu cực bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê (Đồ họa: Hồng Vân)

Cộng đồng kinh doanh vừa qua rất ấn tượng và đánh giá cao câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “Lợi ích phải hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. Điều này không chỉ là áp dụng cho các hợp đồng đối tác công tư mà còn phải là “trái tim” của mọi chính sách. Chúng ta phải đảm bảo hài hòa các lợi ích và rủi ro có thể chia sẻ được. Nếu hệ thống chính sách được thiết kế và hành động với nguyên tắc như vậy thì nó sẽ tạo được động lực, niềm tin cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Những thông điệp, định hướng được đưa ra kịp thời là rất quan trọng để thị trường có điểm tựa, bình tĩnh và hành động sáng suốt thay vì đổ xô bán tháo hay mua tích trữ hàng hoá. Khác với trước đây, sự lan tỏa hiệu ứng truyền thông ngày nay rất mạnh, như một cơn bão. Đôi khi doanh nghiệp có thể vượt rất nhiều khó khăn trên thương trường, nhưng chỉ một cuộc khủng hoảng truyền thông là sụp đổ không đáng có. Do đó bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh mới này rất quan trọng, đòi hỏi hành động nhanh, kịp thời.

PV: Còn từ phía doanh nghiệp, lúc này họ nên ứng xử thế nào để vượt qua những khó khăn này, thưa ông?

Cần tránh việc “một người bệnh bắt cả làng uống thuốc”

Việc có những doanh nghiệp trục lợi, vi phạm là không tránh khỏi trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cũng như chính sách quản lý cần có thời gian để bắt kịp thực tiễn. Nếu chúng ta bình tĩnh nhìn nhận, xử lý mạch lạc, không vơ đũa cả nắm, vội vàng siết chặt mà điều chỉnh hợp lý thì sẽ vừa giữ được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, vừa tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Bài học từ chống dịch Covid-19 vẫn còn nguyên giá trị khi chúng ta thấy phải chấp nhận quản trị rủi ro chứ không thể zero Covid. Không thể vì một người bệnh mà phong tỏa cả làng.

TS. Vũ Tiến Lộc: Thời điểm này là một cuộc thử lửa với doanh nghiệp trước nhiều biến cố dồn dập. Cuộc “thử lửa” với Covid-19 là rất cam go, nhưng thử thách lần này còn lớn hơn, bởi niềm tin là thứ xây dựng được thì lâu nhưng mất đi lại rất nhanh chóng. Qua khó khăn lần này, chắc chắn các doanh nghiệp cũng đã ngộ ra nhiều điều hơn, thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh, hướng tới kinh doanh bài bản, ít phiêu lưu hơn, chứ không phải là tham vọng làm giàu xổi ngày một ngày hai. Tinh thần khởi nghiệp vẫn phải được thúc đẩy, nhưng phải chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm xã hội và nhân văn hơn. Nói một cách ví von là để chuyển đổi kinh tế xanh thì tấm lòng phải “đỏ”, kinh doanh trong môi trường ảo nhưng lao động phải là thật.

Thử thách hiện nay là bài học lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hàng đầu. Tất nhiên ở những mức độ khác nhau, các tập đoàn hàng đầu vẫn có những vấn đề của họ. Qua các vụ đổ vỡ này là một sự cảnh tỉnh lại về định hướng phát triển, về hướng đi thận trọng, bài bản hơn. Tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay càng phải đề cao những giá trị mới theo hướng bền vững hơn.

Nếu hỏi có điều gì cần nói với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh ba điều là “Nghĩ thật, nói thật và làm thật”. Chữ “thật” phải là trung tâm của các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam và sẽ là điểm tựa để bảo vệ sự thành công đội ngũ doanh nghiệp cũng như giữ vững niềm tin của xã hội với doanh nghiệp, doanh nhân, tạo nên động lực phát triển “thật” cho nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tập trung cải cách thể chế để chống tham nhũng từ gốc rễ

Bên cạnh việc tập trung chống tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh giải pháp phòng chống tham nhũng lâu dài là tập trung cải cách thể chế, có như vậy mới giải quyết được gốc rễ cho sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp, của thị trường.

“Hiện nay, đang có xu thế chững lại, không dám làm ở cả doanh nghiệp và cán bộ công chức. Ngay cả việc đúng cũng không làm vì vướng mắc về quy định pháp luật. Đó cũng là lý do đầu tư công khó giải ngân, nhiều dự án dậm chân tại chỗ, bất động sản tăng giá vì khan hàng… Gỡ được thể chế là gỡ được tất cả, nếu không thì đôn đốc đến mấy cũng không ai dám làm”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công, sẽ có những lúc thất bại, vậy nên cần đối xử làm sao để họ thấy họ luôn được hỗ trợ, được ủng hộ, lúc thành công cũng như lúc thất bại. Khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn, họ cũng cần được chia sẻ, tất nhiên trên tinh thần tuân thủ nghiêm pháp luật. Vừa qua, hiện tượng chứng khoán, bất động sản tăng nóng cũng là thể hiện tâm lý thích đầu cơ thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“Để thu hút nguồn lực vào sản xuất kinh doanh thì người đầu tư cần có niềm tin vào thị trường. Sự suy giảm đáng sợ nhất là suy giảm ý chí kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, chứ không hẳn là tốc độ tăng trưởng”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top