Aa

"Không cho hồi tố thể hiện sự thiếu nhất quán của cơ quan quản lý"

Thứ Sáu, 13/03/2020 - 10:08

Việc không cho áp dụng hồi tố thể hiện tính thiếu nhất quán trong áp dụng của cơ quan quản lý, ở đây là Bộ Tài chính khi cho áp dụng năm 2019 mà lại không cho áp dụng 2 năm trước, trong khi DN đã nộp khoản thuế đó.

Dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính đã chính thức nâng mức chi phí lãi vay thuần trong kỳ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu không vượt quá 30% thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA) (nâng lên từ mức 20% hiện nay). Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam mong đợi. 

Tuy nhiên, vẫn còn hai vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay. Thứ nhất là có cho phép hồi tố số tiền thuế đã nộp trong năm 2017 và 2018 hay không và thứ hai là có cho phép chuyển tiếp sang kỳ tính thuế tiếp theo hay không đối với phần chi phí lãi vay thuần đã không được trừ trong trường hợp doanh nghiệp có thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA) bị âm (doanh nghiệp bị lỗ).

Theo tôi, nên cho phép hồi tố vì 5 lý do chính:

Thứ nhất, thời điểm hiệu lực của Nghị định 20 là từ năm 2017, và doanh nghiệp đã không được khấu trừ phần chi phí lãi vay này khi tính thuế trong 2 năm (2017 và 2018), như vậy doanh nghiệp đã phải trả nhiều thuế hơn (có doanh nghiệp phải trả thêm vài chục thậm chí hàng trăm tỷ VND); điều này xem ra thiếu công bằng so với năm 2019 (năm dự kiến bắt đầu được tính theo tỷ lệ mới là 30%) và thiếu công bằng so với các doanh nghiệp khác. Điều này cũng là để đảm bảo lợi ích công bằng cho doanh nghiệp, chính là cho xã hội (vì doanh nghiệp cũng là 1 bộ phận cấu thành nền kinh tế - xã hội). 

Thứ hai, nếu cho áp dụng hồi tố sẽ giảm bớt tình trạng “thuế chồng thuế”, do bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế đó (do không được hồi tố). 

Thứ ba, về mặt kỹ thuật, việc hồi tố 2 năm đó cũng không phải là phức tạp, vì có thể trừ trực tiếp từ tiền nộp thuế năm 2019. Trường hợp, số thu ngân sách Nhà nước thấp hơn số bồi hoàn năm nay, thì có thể để cấn trừ trong năm tới hoặc bồi hoàn luôn (xem ra sẽ rất ít xảy ra trường hợp này). Nguồn thanh toán số tiền bồi hoàn có thể lấy từ phần trừ trực tiếp tiền nộp thuế năm 2019 như nêu trên.

TS. Cấn Văn Lực

Thứ tư, trường hợp này, số tiền thuế nộp thừa cũng có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa” nên có thể vận dụng các Điều quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành.

Thứ năm, quá trình thực hiện với công cụ công nghệ thông tin hiện nay và có giám sát thực hiện nghiêm túc, thì sẽ không xảy ra cơ chế xin - cho.

Ngoài ra, việc không cho áp dụng hồi tố còn thể hiện tính thiếu nhất quán áp dụng của cơ quan quản lý (cho áp dụng năm 2019 mà lại không cho áp dụng 2 năm trước, trong khi doanh nghiệp đã nộp khoản thuế đó rồi). Còn cho áp dụng hồi tố vừa thể hiện tính nhất quán của cơ quan quản lý, vừa hỗ trợ một số doanh nghiệp, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 năm nay; và đó cũng là cách nuôi dưỡng niềm tin và nguồn thu.

Về nội dung cho chuyển tiếp chi phí lãi vay thuần chưa được trừ của một năm trước đó của doanh nghiệp sang 5 năm kế tiếp, đây được đánh giá là một nội dung khá quan trọng, thể hiện sự quan tâm toàn diện hơn đến doanh nghiệp nộp thuế (cả năm lãi và lỗ). Cho phép chuyển tiếp như vậy có thể sẽ đảm bảo công bằng hơn. 

Tuy nhiên, đây cũng là một điểm khá mới đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, cần có đánh giá đầy đủ, thấu đáo. Vì vậy, theo tôi, trong khi chờ đợi có được đánh giá đầy đủ như vậy (có tham khảo kinh nghiệm quốc tế) - việc này sẽ mất nhiều thời gian, để kịp thời áp dụng cho năm 2019, nên sửa Nghị định theo mức 30% và cho phép hồi tố như trên. 

Còn về việc cho phép chuyển tiếp, có thể sẽ đưa vào quy định chính thức khi Chính phủ sửa đổi toàn diện Nghị định 20 trong thời gian tới. Khi đó, Chính phủ cần yêu cầu rõ thời hạn sửa đổi toàn diện Nghị định 20 theo hướng càng sớm, càng tốt (như dự thảo là tháng 6/2020)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top