Aa

Không có công thức chung xây dựng thành phố thông minh

Thứ Bảy, 22/09/2018 - 05:00

Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG cho rằng, cơ sở dữ liệu có sẵn là một lợi thế quan trọng của Việt Nam, nhưng để phát triển các đô thị thông minh còn phải làm sao kết nối các dữ liệu này với nhau, tránh tình trạng rời rạc, thiếu tập trung như hiện nay.

Việt Nam có cơ hội phát triển cũng như vận hành các thành phố thông minh như đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025 với sự tham gia của hơn 20 thành phố trên cả nước. Nhưng, phát triển đô thị thông minh thế nào và bắt đầu từ đâu thì vẫn là dấu hỏi lớn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây, kiêm Giám đốc điều hành VinaData cho rằng, không có công thức chung cho việc xây dựng thành phố thông minh. Mỗi đô thị có một nhu cầu khác nhau, nhưng tựu trung lại có ba nhóm đối tượng có vai trò và trách nhiệm như nhau trong việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh, đó là người dân, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

“Có một quan niệm sai lầm mà nhiều người vẫn nghĩ, đó là trước khi có thành phố thông minh, hiện đại, chúng ta phải có người dân thông minh. Thực tế không như vậy. Các bạn thử nghĩ, xây xong một thành phố mà người dân không sử dụng được thì đó là đồ bỏ đi, chứ không hề thông minh”, ông Trí nhấn mạnh.

Vị này cho rằng người dân không thể quan sát thấy cách xây dựng thành phố thông minh như thế nào, hạ tầng ra sao nên đối với họ, giá trị của thành phố thông minh phải rất dễ hiểu, rõ ràng, tiện lợi và không khiến họ phải “thông minh” mới hiểu được.

Đối tượng thứ hai được ông Trí đề cập là các nhà quản lý. Ông cho rằng, vai trò của nhà quản lý trong một đô thị thông minh là phải tạo lập các giá trị từ tất cả nguồn lực, báo cáo sẵn có, đồng thời phân tích và đưa ra những quyết định chính xác.

Trong khi đó, doanh nghiệp có vai trò đóng góp các ý tưởng, triển khai các công nghệ, ứng dụng để đưa vào vận hành trong cuộc sống.

 Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây

Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây

Về mức độ ưu tiên giải quyết bài toán nào trước, lãnh đạo VNG nhìn nhận, mỗi thành phố sẽ có hướng đi, phát triển khác nhau.

"Với đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, chắc chắn giao thông thông minh sẽ là vấn đề được đặt lên hàng đầu… kẹt xe, quá tải lưu lượng giao thông. Trong khi đó, với các thành phố ven biển, đó phải là du lịch thông minh, làm sao có thể tận dụng được các tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh, thu hút thêm nhiều khách quốc tế, trong nước”, ông Trí nói.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trí nhìn nhận, hạ tầng công nghệ thông tin nên được các cơ quan chức năng chú trọng và ưu tiên, bên cạnh hạ tầng giao thông, cầu cống, đường xá vốn đã có sẵn.

“Để xây dựng một đô thị thông minh, quan trọng bậc nhất và cũng là phần lõi của hạ tầng công nghệ thông tin chính là dữ liệu. Dữ liệu này thu thập từ các cảm biến, các thiết bị IoT, nhưng tại Việt Nam, phần nhiều vẫn là tại các trung tâm cơ sở dữ liệu có sẵn. Điều này dẫn tới thực trạng dữ liệu bị phân tán rời rạc, không kết nối được với nhau”, ông Trí nêu vấn đề.

Trong khi đó, tại các quốc gia đã phát triển đô thị thông minh, dữ liệu này được liên kết rất chặt chẽ. Bởi chỉ khi có dữ liệu tập trung, cơ quan chức năng, ban điều hành mới đủ điều kiện phân tích, cũng như đưa ra các nhận định chính xác.

Lấy một ví dụ điển hình, ông Trí cho biết, khi nhắc tới thành phố thông minh, nhiều người mong ngóng sẽ có một phần mềm đủ tốt giải quyết được vấn nạn kẹt xe. Nhưng thực tế, trên thế giới chưa từng có một phần mềm như vậy mà phải đến từ một loạt các giải pháp khác nhau như tính toán mật độ dân cư, trạm thu phí, giải phép đèn đường, điều phối giao thông.

“Dữ liệu ứng dụng cho mỗi giải pháp như vậy lại nằm ở một cơ sở dữ liệu khác. Chỗ nằm ở Bộ Xây dựng, chỗ nằm ở Bộ Tài nguyên và môi trường, chỗ thì lại nằm ở Bộ Giao thông vận tải. Do đó, nếu không kết hợp các giải pháp này lại, thì không thể giải quyết được vấn đề”, ông Trí nhấn mạnh.

Một khía cạnh khác cũng được đề cập đến, đó là làm sao để Việt Nam chuyển đổi các đô thị bình thường sang thông minh, dựa trên cơ sở hạ tầng có sẵn. Vị chuyên gia cho rằng, đây là bài toán về phân quyền và chia sẻ dữ liệu.

Điều này có nghĩa, khi một đô thị thông minh đi vào vận hành, các nhà quản trị có thể tận dụng dữ liệu có sẵn, kết nối chúng với nhau như một trung tâm dữ liệu tổng thể, khi cần truy xuất thông tin ở đâu sẽ phân quyền rõ ràng, mà không ảnh hưởng tới các bên.

Giải pháp này được cho là sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tránh phải đầu tư, xây mới, mà vẫn sử dụng được các hạ tầng công nghệ có sẵn theo cách hiệu quả nhất.

Trao đổi với TheLEADER, ông Trí cho biết: “Một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép. Nếu nó không thể ghép với các ứng dụng và hạ tầng khác, chúng ta sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của thành phố thông minh”.

Nhận thấy tiềm năng và triển vọng của thành phố thông minh, VNG đã có sự chuyển hướng về chiến lược khi xác định dịch vụ đám mây và các giải pháp thông minh sẽ là một trong bốn nhóm sản phẩm chiến lược của công ty trong giai đoạn tới, cùng với trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối và thanh toán - tài chính.

Vị chuyên gia khẳng định, công nghệ của VNG hiện đã sẵn sàng để cung cấp những nền tảng kết nối mạnh mẽ và hiệu quả cho các thành phố trong giai đoạn 4.0.

VinaData - công ty thành viên 100% vốn của VNG - hiện đang cung cấp các giải pháp đám mây có thể giải những bài toán nhức nhối của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, chất lượng điện/nước sinh hoạt, rác thải ô nhiễm, giáo dục.

Các giải pháp này hướng đến việc xây dựng những thành phố an toàn hơn (thông qua những công nghệ như camera thông minh), những thành phố đáng sống hơn (với các giải pháp tăng cường sức khỏe và môi trường sống cho người dùng) cũng như những thành phố dân trí hơn (các giải pháp giáo dục thông minh).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top