Aa

Không có “Sell in May”, VN-Index tăng mạnh thứ 3 thế giới trong tháng 5

Thứ Hai, 01/06/2020 - 05:55

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên trong tháng 5 với thanh khoản cải thiện mạnh.

Tháng 5/2020 đã phá được “dớp" Sell in May giảm giá sau 2 năm liên tiếp “thất bại” ở thời điểm này. 

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Việt Nam là VN-Index đứng ở mức 864,47 điểm, tương ứng tăng 12,4% so với tháng trước. Việt Nam cũng là thị trường chứng khoán tăng mạnh thứ 3 thế giới chỉ sau thị trường Luxembourg và Argentina.

10 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Nguồn: IndexQ.

Theo một thông tin mới đây của Bloomberg, thành công trong nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tốt nhất châu Á trong tháng 5.

“Chúng tôi đã đầu tư và tiếp tục tìm kiếm các cổ phiếu tốt, có câu chuyện cụ thể, bởi thị trường Việt Nam mang lại triển vọng trung hạn đầy hứa hẹn", Joshua Crabb, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Robeco, Hong Kong nói.

Tính rộng hơn, VN-Index đã tăng đến 30,5% kể từ mức đáy được lập hồi 30/3/2020. Bên cạnh VN-Index thì 2 chỉ số khác của thị trường chứng khoán Việt Nam là HNX-Index và UPCoM-Index cũng có được sự tích cực ở tháng 5. Trong đó, HNX-Index tăng 2,78% lên 109,81 điểm. UPCoM-Index 5,38% lên 55,03 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể, chỉ tính riêng trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch trung bình tháng 5 đạt 314 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 12% so với tháng 4. Giá trị giao dịch trung bình cũng ở mức cao với 5.739,2 tỷ đồng, tăng đến 32,3% so với tháng trước.

Dòng tiền dồn dập đổ vào thị trường trong tháng 5 chủ yếu là từ khối nội. Trước đó, số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.721 tài khoản chứng khoán trong tháng 4, tiếp tục tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 36.652 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 69 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 4 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Trong khi đó, khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng nhưng điểm tích cực là giá trị đã giảm đáng kể so với tháng 4, với 910 tỷ đồng (tháng 4 khối ngoại bán ròng đến 6.810 tỷ đồng). Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 910 tỷ đồng (tháng 4 bán ròng 6.138 tỷ đồng).

Bộ 3 cổ phiếu bất động sản lớn là VHM, VIC và VRE đều nằm trong danh sách 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất ở tháng 5, trong đó, VHM đứng đầu danh sách này với giá trị bán ròng lên đến 1.828 tỷ đồng, VIC đứng ngay sau với giá trị bán ròng 454 tỷ đồng, VRE đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách này với 246,5 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, không có cổ phiếu bất động sản nào lọt vào top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất. MSN là mã được mua ròng mạnh nhất với 2.367 tỷ đồng. VNM và VCB được mua ròng lần lượt 823 tỷ đồng và 699 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HoSE lớn nhất tháng 5. Đơn vị: Tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu lên gấp đôi

Với sự tích cực của thị trường, rất nhiều cổ phiếu đã có mức tăng “thần tốc” trong tháng 5, thậm chí có nhiều mã lên đến hơn gấp đôi chỉ sau tháng giao dịch. Tăng giá mạnh nhất thị trường là cổ phiếu DST của Đầu tư Sao Thăng Long với 172% từ mức 1.800 đồng/cp lên thành 4.900 đồng/cp. Tính từ đầu tháng 4, cổ phiếu DST đã tăng đến 390% từ mức chỉ 1.000 đồng/cp.

Tiếp sau đó, cổ phiếu MTA của Khoáng sản và TM Hà Tĩnh cũng tăng đến 170,3% từ 1.400 đồng/cp lên thành 3.784 đồng/cp. Kết quả kinh doanh quý I/2020 của MTA là rất khả quan khi Công ty báo lãi sau thuế 41,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 9,1 tỷ đồng. Trong số các cổ phiếu tăng giá trên 100% ở tháng 5 hầu hết đều nằm trên sàn UPCoM, trong khi có có duy nhất 1 mã trên HoSE là TEG của TECGROUP và SJC của Sông Đà 1.01.

10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường tháng 5.

Trong top 30 vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 3 cổ phiếu giảm giá là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, POW của Điện lực Dầu khí Việt Nam và VJC của Vietjet Air. SHB giảm giá mạnh nhất với 11,9%. Việc SHB giảm sâu được cho là đến từ lượng 251,4 triệu cổ phiếu được giao dịch vào ngày 20/5, đây là số cổ phiếu chia cổ tức được chốt quyền vào đầu tháng 2.

Tăng giá mạnh trong số 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán tháng 5 là HPG của Hòa Phát với 27,4%. Trong cuộc họp với các nhà phân tích hồi giữa tháng 5, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 từ 85.000 - 90.000 tỷ đồng (tăng 31-39% so với thực hiện năm 2019 là 64.677 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đặt kế hoạch từ 9.000 - 10.000 tỷ (tăng từ 18 - 32% so với thực hiện 2019 là 7.578 tỷ). Đối với mảng nông nghiệp, Hòa Phát dự kiến đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng tăng đến 25,3%. VHM của Vinhomes và TCB của Techcombank tăng lần lượt 20,4% và 20,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top