Aa

"Không còn là chuyện muốn hay thích nữa, đó là trách nhiệm"

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 27/05/2020 - 11:00

Đó là khẳng định của KTS. Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) khi nhìn nhận về vai trò kiến tạo không gian xanh trong đô thị hiện đại.

Sáng 26/5, dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã tổ chức chương trình Tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại". Số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã bàn luận và đưa ra những kiến giải về những yếu tố để tạo ra một chốn an cư thật sự cho người dân đô thị trong bối cảnh đô thị hóa đang tạo ra nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, trong đó, nhấn mạnh vai trò của các khu đô thị, khu chung cư xanh, chất lượng và văn minh. 

Toàn cảnh tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại"

Những thách thức phía sau quá trình đô thị hóa

Sau các cuộc quy hoạch lớn, bài bản để đáp ứng nhu cầu dân cư và nền kinh tế, các đô thị lại phát triển lộn xộn, manh mún và phân mảnh bởi các dự án đang lèo lái quy hoạch, làm gia tăng tình trạng kẹt xe, tắc đường, lụt lội, ô nhiễm...

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, trong vòng 8 năm (giai đoạn 2008 - 2016) kể từ khi mở rộng địa giới, dân số đô thị tại các quận của Hà Nội đã tăng 21%. Vấn đề này đã gây áp lực rất lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, cấp nước sạch, xử lý chất thải, vấn đề hài hòa giữa tăng trưởng nhanh để nâng cao mức sống của người dân với việc bảo vệ môi trường, vấn đề giải quyết chỗ ở cho người dân. 

Bên cạnh đó, áp lực với cơ sở hạ tầng giao thông thành phố cũng rất lớn. Với hơn 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô, trong khi mật độ đường giao thông chỉ chiếm gần 10% đất xây dựng đô thị, hiện tượng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đại bàn nội đô Hà Nội. Chưa kể vấn đề ô nhiễm rác thải, phát thải khí nhà kính. Theo thống kê, chất thải rắn gia tăng liên tục khoảng 15%/năm, trong khi hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Phát biểu tại tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại", ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, ngoài mặt mạnh, ưu việt của đô thị hóa là mang đến con người cư trú yếu tố văn minh đô thị thì đô thị hóa cũng lấy đi cảnh quan, môi trường sinh thái và nền văn hóa truyền thống nếu không được quan tâm đúng mức đến quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị một cách đầy đủ, bài bản.

“Theo con số thống kê của Tổ chức IQAir, Hà Nội luôn nằm top những thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới với những chỉ số cao ngất ngưởng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người”, ông Chiến cho hay.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Cũng theo ông Chiến, trong đô thị hiện đại, bên cạnh các căn hộ tiện nghi với đồ dùng thông minh là khói bụi, tiếng ồn, là các không gian sinh hoạt cộng đồng thiếu thốn: thiếu công viên, vườn hoa, cây xanh, thiếu nhu cầu đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa,… Tại nhiều dự án, chủ đầu tư bất chấp những vấn đề trên để ra sức xây dựng nhà để bán. Điều họ quan tâm dường như chỉ là làm sao để bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng, để lại nhiều hệ lụy trên nhiều phương diện.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, không phải lúc nào chúng ta cũng kiểm soát được quá trình đô thị hóa một cách kỹ lưỡng và trong quá trình đó có sự phát triển theo mô hình vết dầu loang, đô thị hóa “trùm” lên các làng quê. Đô thị hóa có rất nhiều vấn đề trở thành thách thức khi phát triển. Trong các quy hoạch không phải lúc nào cũng đề cập một cách toàn diện.

“Chúng ta mang văn minh đô thị đến làng quê nhưng lại bỏ quên lợi ích của người dân thuần nông. Những làng xóm đang rất bình yên khi đô thị “trùm” qua trở thành một vùng tối trong bức tranh đô thị. Sau này, người dân tự xây dựng nhà ở một cách tự phát mà không có quy hoạch dẫn đến sự phát triển mất kiểm soát, thiếu bền vững. Rõ ràng, chúng ta chỉ lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị mới và biến những làng quê đó thành vùng đất chết, thiếu kết nối hạ tầng. Từ việc thải nước ra ruộng đồng thì các làng quê này lại trở thành vùng trũng ngập nước”, ông Chiến nói thêm.

PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cũng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn chỉ sau một Quyết định. Cách đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị và đặt ra nhiều vấn đề lớn:

“Với Hà Nội đó là ngập lụt, còn tại TP.HCM là nạn triều cường. Sau một trận mưa, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề rất lớn. Ngoài ra, hình ảnh của đô thị hóa chóng mặt với nhà chung cư mọc lên và ngay sát đó là những người nghèo sống tạm bợ ngay trên mặt sông dẫn đến một thực tế đối lập là khi đứng trên những tầng cao của các khu chung cư đẳng cấp thì sẽ nhìn xuống xung quanh là khu vực dân nghèo và những khu ổ chuột”.

KTS. Hoàng Mạnh Nguyên.

Bên cạnh đó, vị KTS nhấn mạnh, bản thân giao thông cũng là một phần tạo nên không gian sống nhưng cần xem lại cách tổ chức ra sao. Hoặc là về vấn đề ô nhiễm mà thời gian gần đây được cảnh báo rất nhiều. Thay vì nói về thiên tai, nhiệt độ gia tăng, giờ đây chúng ta được cảnh báo rất nhiều về ô nhiễm không khí.

“Chúng ta cứ nói rằng đang tạo lập xây dựng phát triển không gian sống nhưng chúng ta cần cẩn trọng xem xét mình đã làm đúng chưa. Nếu không chính chúng ta sẽ phá hủy không gian sống của mình”, KTS. Hoàng Mạnh Nguyên phân tích.

Giải quyết các vấn đề đô thị bằng cách không ngừng kiến tạo không gian sống xanh, chất lượng

Trước những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa tới không gian sống của người dân, các vị chuyên gia cho rằng, cần nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, trong đó có quy hoạch không gian xanh, không gian sống chất lượng, đồng bộ với nhiều tiện ích phục vụ cư dân.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, đã có không ít chủ đầu tư đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh lên hàng đầu và họ không ngừng nghỉ trên hành trình xây đắp, chuyên tâm tạo những giá trị sống đích thực.

“Có thể nhắc đến như Tập đoàn Văn Phú - Invest, Capital House, Phúc Khang Corporation hay Ecopark… Chúng ta không thể phủ nhận, sự hiện diện của họ với những thông điệp về sống xanh, sống thông minh, sống nhân văn đã dần thay đổi nhận thức của rất nhiều người.

Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Để có một liên kết đô thị, từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh”, ông Chiến nói.

Theo vị chuyên gia này, một công trình gọi là chuẩn của ngày hôm nay chưa chắc đã là chuẩn ở của ngày mai, bởi lẽ cuộc sống là sự vận động liên tục, không ngừng nghỉ, và khát vọng của con người là luôn hướng đến giá trị cao đẹp mang tính nhân văn - với chất lượng cuộc sống ngày một cao hơn, tốt đẹp hơn. Vì vậy, xây dựng đô thị xanh không phải là câu chuyện sớm chiều và rất nhiều gian nan.

“Trên hành trình ấy, có một nhiệm vụ còn quan trọng hơn cả việc sửa sai, đó là không ngừng kiến tạo những không gian xanh mới, xây dựng, bồi đắp những văn hóa xanh trong từng nhà, từng khu chung cư, từng dự án… để từng bước tạo nên một hệ sinh thái xanh. Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được ra đời. Một đô thị nhiều công trình xanh, đô thị đó sẽ tốt lên. Đó không phải là câu chuyện muốn hay thích nữa, mà đó là trách nhiệm của tất cả những kiến trúc sư, những nhà khoa học, nhà quản lý phát triển đô thị và những nhà văn, nhà thơ và nhiều học giả khác”, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng nhìn nhận: “Đất đai không "nở ra" nhưng dân số không ngừng gia tăng. Tôi cũng như không ít người không muốn chung cư lấn dần làng quê như làng Chùa quê tôi. Nhưng vì rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, chúng ta vẫn bắt buộc phải làm điều đó để đáp ứng yêu cầu ở”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Tuy nhiên, theo nhà văn, cuộc sống càng hiện đại càng cần những không gian sống chất lượng, và điều quan trọng là phải làm thế nào để mọi người dân đều được hưởng những không gian như vậy, để có một chốn an cư thực sự:

“Trong mong muốn của người dân đều có những yêu cầu chung về không gian đẹp, về kiến trúc xanh và thông minh. Chung cư hiện nay không phải là một cái hang để… chui ra chui vào nữa. Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ẩn náu sau khi người dân đi làm về. Thì nay, chung cư phải là nơi sống lành mạnh.

Không gian hiện nay dù chỉ 50m2, 100m2 hay rộng hơn đều cần kiến trúc thông minh và có sự giao lưu đáp ứng chất lượng sống cao nhất của người dân. Đó sẽ là nơi phải có sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho hay.

Còn theo KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, việc thiết kế kiến trúc và tạo lập không gian sống chất lượng là nền tảng để tạo ra những đô thị phát triển bền vững

“Sơ khai của một đô thị hiện nay cần rất nhiều yếu tố về các nguồn lực, tổ chức sinh kế, khai thác tài nguyên… Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: Môi trường, kinh tế và xã hội”, vị KTS nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, TS. KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest nêu quan điểm: “Rõ ràng, người sử dụng là cư dân nên xây dựng đô thị thông minh và xanh phải để người dân hiểu được bản chất đó và chắc chắn phải cho họ tham gia và đóng góp, thấu hiểu. Sau khi xây dựng xong phải có sự đào tạo, hướng dẫn cho các cư dân tham gia chung tay vào cùng duy trì sự bền vững này. Để làm được điều đó, các chủ đầu tư cần có sự đồng hành với cư dân”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top