Aa

Tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại" số 1: An cư thời hiện đại

Thứ Ba, 26/05/2020 - 18:38

Cùng lắng nghe những phân tích, kiến giải của các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch và phát triển đô thị liên quan đến chủ đề kiến tạo không gian sống, chốn an cư cho người dân đô thị hiện nay.

Sáng ngày 26/5, dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã tổ chức Tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại". Số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố để an cư thời hiện đại”.

Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã bàn luận và đưa ra những kiến giải về các yếu tố để tạo ra một chốn an cư thật sự cho người dân đô thị trong bối cảnh đô thị hóa đang tạo ra nhiều thách thức, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, trong đó, nhấn mạnh vai trò của các khu đô thị, khu chung cư xanh, chất lượng và văn minh.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đã phân tích và kiến giải về yếu tố kiến trúc xanh - thông minh trong những sản phẩm chung cư, dự án đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân.

1. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Chúng ta đang trải qua "cuộc cách mạng" về nhu cầu sống và chốn an cư

Chúng ta trải qua 3 thời kỳ phát triển về nhu cầu của con người. Thời kỳ thứ nhất là kiếm được cái gì đó để ăn, để che thân. Bước sang giai đoạn thứ hai là làm thế nào để ăn đủ no, mặc đủ ấm. Thời kỳ thứ ba là một cuộc cách mạng về nhu cầu sống - nhu cầu cả về đời sống vật chất và tinh thần cao hơn. Như vậy, sự đáp ứng được nhu cầu sống hiện nay là rất bức thiết và quan trọng.

Chung cư hiện nay không thể là cái hang để... chui ra chui vào

Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ẩn náu sau khi người dân đi làm về thì nay, chung cư phải là nơi sống lành mạnh.

Nếu không làm nhanh các dự án xanh thì “hang ẩn náu” sẽ bị mở rộng tại các thành phố, nhiều nơi sẽ bị bê tông hoá hơn và sau này, các thế hệ tiếp nối, các nhà nghiên cứu về không gian sống sẽ phải “đập đi xây lại”.

Không gian sống không chỉ là nơi bước vào để ăn bữa cơm, nằm xuống ngủ… mà nó còn giúp điều hành, bắt đầu lại toàn bộ tâm trí, để ngày hôm sau, chúng ta bước ra khỏi ngôi nhà đó sẽ có được sự tỉnh táo nhất cho một ngày lao động, làm việc.

2. PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên: Như thế nào là không gian sống chất lượng tốt?

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn chỉ sau một Quyết định. Các đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị.

Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: Môi trường, kinh tế và xã hội.

Với một đô thị, đầu vào bao gồm thức ăn, nước sạch, các nguồn năng lượng,… Sau khi vào đô thị xong, thì nó thải ra nước xám, rác, chất thải rắn… Như vậy, muốn một đô thị xanh thì phải giảm thiểu đầu vào, đồng thời làm sạch đầu ra.

3. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: Phân định rõ nhu cầu sống để tạo ra những sản phẩm nhà ở chất lượng theo từng phân khúc

Ở vai trò là đội ngũ môi giới, chúng tôi đã có cơ hội được tiếp cận nhiều dự án. Từ đó để thấy, thị trường đã xuất hiện những sản phẩm có thể đảm bảo chất lượng ở phân khúc trung cấp trở lên nhưng giá bán lại ở phân khúc bình dân với mức 24 triệu đồng/m2, tiêu biểu trong đó là các dự án của Văn Phú - Invest.

Một sản phẩm có giá đáp ứng nhóm đối tượng khách hàng ở mức bình dân nhưng chất lượng dự án với các tiêu chí đặt ra phải ở tầm hạng B trở lên. Giá bình dân nhưng chất lượng cao cấp được xem là một thành công của đơn vị như Văn Phú. Văn Phú đã hướng đến những lợi ích thiết thực nhất cho người tiêu dùng. Chúng ta có sản phẩm phù hợp với yêu cầu của đô thị hiện đại, lại phù hợp với thu nhập của người dân, tôi cho rằng đó là một thành công của doanh nghiệp.

4. Ông Đỗ Viết Chiến: Đô thị hóa và những làng quê “chết”

Trong quá trình đô thị hóa, dù theo phương thức nào, đặc biệt là hình thức phát triển “vết dầu loang”, sẽ xuất hiện nhiều khu dân cư theo mô hình làng xóm, thuần nông, nằm cạnh các khu đô thị này. Sau đó, khi làm sóng đô thị hóa “quét” qua, trở thành khu dân cư đô thị hóa.

Đó là cái lẽ tự nhiên nhưng, quan trọng ở đây là quy hoạch phải tính đến câu chuyện không thể khoanh vùng dân cư làng xóm đó thành vùng chết. Đất nông nghiệp lấy hết để phát triển đô thị nhưng làng xóm đó vẫn cần đất để phát triển thì lấy ở đâu? Không ai trả lời câu chuyện này. 

Bên cạnh đó, câu hỏi về khả năng kết nối của các khu dân cư này với khu đô thị mới đến đâu, không phải ai cũng trả lời được. Cho nên, rất nhiều khu dân cư làng xóm sống bình yên ở ven đô thì khi đô thị đến, nó trở thành vùng tối trong đô thị đó.

5. Nhà báo Nguyễn Thành Phong: Không gian sống hiện đại cũng cần đáp ứng các yếu tố văn hóa

Xây dựng không gian sống đáp ứng nhu cầu như thế nào là câu chuyện cực kỳ khó. Đầy đủ các tiện ích nhưng không đáp ứng được các yếu tố văn hoá, tinh thần thì cũng không thoả mãn người dân.

Chúng ta sẽ ngày càng tiệm cận sâu hơn đến tinh thần kiến trúc không gian sống của người Việt với những phương án, tiến bộ mới kiến trúc thiết kế của nhân loại để tạo ra không gian ưu việt cho người Việt. Chúng ta phải “chui ra khỏi hang”, chúng ta phải chủ động trong không gian sống, tìm ra nguồn cảm hứng kết nối với cộng đồng.

6. KTS.TS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú Invest: Nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người dân để tạo ra không gian sống chất lượng

Yếu tố đầu tiên khi phát triển dự án, doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Đối tượng sử dụng là ai. Chính là các cư dân. Họ sống chính ở trong các không gian sống tại các đô thị đó. Bản chất để kiến tạo không gian sống phải cần sự hỗ trợ của Nhà nước, việc xây dựng của các doanh nghiệp và sự chung tay của cư dân.

Doanh nghiệp tạo ra thương hiệu bền vững thì khi tạo một không gian sống cho dự án này thì dự án sau người dân sẽ tìm đến.

Về chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều về không gian sống cho cư dân, với những chung cư cho giới trẻ, ở vai trò chủ đầu tư, chúng tôi đã nghiên cứu tâm sinh lý giới trẻ, để từ đó xây dựng các khu vực để đáp ứng nhu cầu của họ. Người trẻ muốn ngày nghỉ giao lưu, gặp gỡ... bởi đó, tại các khu chung cư, chúng tôi đã tạo ra các không gian riêng, để họ tụ tập gặp gỡ và rồi cả không gian riêng để trẻ em vui chơi. Chủ đầu tư đã tự nguyện bỏ các chi phí ra để tạo lập nên các không gian riêng tư đáp ứng nhu cầu này của người trẻ hiện đại.

Những đầu tư đó không phải sẽ mất đi, hoang phí, mà là một cách làm thương hiệu, đồng thời, là cách để nâng chất lượng sống cho cư dân cũng như là cách xây dựng thương hiệu cho tương lai, xây dựng yếu tố bền vững, thân thiện với thiên nhiên, môi trường.

7. KTS. Lê Anh Tuấn: Phát triển đô thị bền vững không chỉ đưa người đến ở mà phải giải quyết được cả cuộc sống của người dân trong đô thị đó

Từ xa xưa, ông cha ta đã hướng đến những kỹ thuật thô sơ, ta gọi là sự thông minh trong hoàn cảnh lowtech. Chứa đựng trong đó là sức sống, sự thích nghi để phát triển bền vững. Giờ nói về sự phát triển đô thị thông minh, chúng ta dùng khoa học kỹ thuật để giải quyết hài hòa vấn đề. Khi xây dựng đô thị, đưa con người vào sống, bao gồm trong đó là sự phát thải ra môi trường những thứ người ta dùng trong đô thị. Với xây dựng khu đô thị bền vững, cần đạt nhiều tiêu chí như giảm 20% năng lượng tiêu thụ, các năng lượng còn lại và có các chính sách để tái sử dụng năng lượng.

Phát triển đô thị bền vững không chỉ là đưa người đến ở mà chúng ta phải giải quyết được cả cuộc sống của cư dân trong đô thị đó. Vì thế, hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hướng đến 4.0, là giải pháp hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững.

Các câu chuyện liên quan đến chủ đề không gian sống trong đô thị hiện đại sẽ tiếp tục được bàn luận từ yếu tố văn hóa, pháp lý đến sự liên kết giữa các bên liên quan vào các số sau của chương trình Tọa đàm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top