Đảm bảo tiến độ và không để đội vốn GPMB là nhiệm vụ cấp bách của ngành giao thông vận tải hiện nay.
“Ì ạch” giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hết năm 2019, Bộ đã cấp 5.185 tỷ đồng, các địa phương đã cấp 4.748 tỷ đồng cho công tác GPMB và 13 tỉnh có dự án đi qua cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều không đạt chỉ tiêu đề ra.
Trong quý I/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục cấp 5.103 tỷ đồng và hiện các địa phương đã giải ngân 255,5 tỷ đồng (đạt 5%) cho công tác GPMB, nhưng đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp, đất ở.
Trong số 114 khu tái định cư phải xây dựng, hiện các địa phương đã phê duyệt xong 36 khu, đang triển khai xây dựng 35 khu. Còn lại 78 khu tái định cư đang được các địa phương khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Về các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB, dự án phải di dời 1.245 vị trí hạ tầng đường điện, 25.436m đường ống nước các loại và 46.529m cáp viễn thông, nhưng việc di dời vẫn đang được các địa phương lập phương án đền bù… Trong khi đó, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật có vai trò quyết định làm "đường găng" để đảm bảo tiến độ dự án sau này.
Việc chậm GPMB của các địa phương theo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, dễ làm “đội vốn” tổng mức đầu tư các dự án thành phần, đơn cử như: Dự án Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 dự báo tăng khoảng 305 tỷ, dự án QL45 - Nghi Sơn dự báo tăng khoảng 541 tỷ, dự án Cam Lộ - La Sơn tăng khoảng 190 tỷ...
Tính chung, dự án đã đạt khoảng 70% tiến độ GPMB, tương đương gần 457/654 km. Các tỉnh đạt tỷ lệ GPMB cao là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long. Nếu các địa phương không tập trung quyết liệt, sẽ khó hoàn thành GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao mặt bằng sạch toàn dự án trong tháng 6/2020.
Tại cuộc họp trực tuyến đốc thúc công tác GPMB với 13 tỉnh có dự án đi qua mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 30% tiến độ GPMB còn lại của các địa phương chủ yếu là đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Khối lượng thi công lớn, trong khi thời gian bàn giao không còn nhiều, vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đưa công tác GPMB dự án vào chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng cho nhà thầu, đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ trước hoàn thành trong tháng 6/2020.
Xử lý ngay lãnh đạo nhà thầu chậm tiến độ
Công tác triển khai cao tốc Bắc - Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Giám đốc các ban quản lý dự án khẩn trương, quyết liệt phối hợp với các cấp chính quyền địa phương vào cuộc tháo gỡ dứt điểm vướng mắc GPMB.
“Dự án nào làm chậm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có quyết định xử lý ngay giám đốc của Ban quản lý dự án đó. Các Ban quản lý dự án khẩn trương rà soát kinh phí GPMB tại các địa phương, báo cáo Bộ vào cuối tháng 4/2020 để xử lý kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị UBND các tỉnh rà soát, xây dựng tiến độ chi tiết khối lượng GPMB còn lại và kế hoạch giải ngân theo tháng, đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành trong tháng 6/2020, bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước tháng 8/2020; đồng thời, làm việc trực tiếp với Tập đoàn Bưu Chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... thống nhất các phương án GPMB.
Riêng đối với các địa phương lập dự án xây dựng khu tái định cư ngoài đô thị, có quy mô đường giao thông, diện tích lô đất... chưa phù hợp quy định về quy hoạch nông thôn mới, làm tăng diện tích xây dựng khu tái định cư, tăng chi phí GPMB, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 11659/BGTVT-CQLXD gửi UBND các tỉnh đề nghị điều chỉnh, phê duyệt lại quy mô xây dựng khu tái định cư phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 10380:2014 - Đường giao thông nông thôn, quy định về quy hoạch khu dân cư nông thôn để tiết kiệm tối đa chi phí GPMB.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 442 về việc giải quyết vướng mắc GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua phải xác định nhiệm vụ GPMB dự án là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện. Hội đồng GPMB địa phương khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng GPMB còn lại (khoảng 30%), cơ bản bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án trong quý II/2020.