Aa

Không dễ "lướt sóng" căn hộ

Thứ Sáu, 09/03/2018 - 14:00

Động thổ công trình của Đại học Khoa học Tự nhiên tại Hòa Lạc; Hàng loạt biệt thự tại dự án Khai Sơn Hill xây không phép; Không dễ lướt sóng căn hộ; Hàng nghìn căn hộ tái định cư xây xong rồi "bỏ hoang";... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Động thổ công trình của Đại học Khoa học Tự nhiên tại Hòa Lạc

Sáng ngày 7/3, tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức động thổ xây dựng công trình HT1 thuộc phân khu 4 (Zone 4) của Dự án thành phần đầu tư xây dựng Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN.

Lễ động thổ này là sự kiện đầu tiên được ĐHQGHN triển khai thực hiện kể từ khi tiếp nhận bàn giao Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng hồi tháng 1/2018.

Công trình HT1 với quy mô cao 5 tầng (không kể tầng mái tum) với tổng diện tích sàn xây dựng là 14.330m2. Tổng mức đầu tư của công trình là: 113,9 tỷ đồng (bao gồm cả dự phòng phí), công trình đến nay đã được bố trí 56 tỷ đồng vốn đầu tư.

Xem chi tiết tại đây

Không dễ lướt sóng căn hộ

Dù được nhận định là một năm tươi sáng cho thị trường nhưng nhiều nhà đầu tư nghi ngại, những áp lực từ nguồn cung tăng cùng đòn bẩy tài chính hạn chế sẽ khiến đầu tư căn hộ trong năm 2018 không còn dễ dàng.

Việc ngân hàng siết tín dụng, hạn chế cho vay bất động sản cộng với các định chế tài chính dè dặt hơn trong cho vay đầu tư địa ốc sẽ gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư không tự lực được tài chính. Sự thận trọng của ngân hàng có thể tạo nên một số rào cản nhất định cho nhà đầu tư đặc biệt là dân lướt sóng khi phải dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư địa ốc.

Bên cạnh đó, nguồn cung lớn trong năm 2018 càng khiến việc ra hàng của giới đầu tư thêm khó khăn. Trong năm 2017, tại một số dự án căn hộ trung cấp, nhà đầu tư chỉ hưởng chênh nhẹ từ 3 - 5% so với giá mua vào hoặc phải bán hòa vốn nhằm đẩy hàng nhanh.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hàng loạt biệt thự tại dự án Khai Sơn Hill xây không phép

Hàng loạt vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) nghiêm trọng đang xảy ra tại Dự án Khai Sơn Hill thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ do chủ đầu tư (CĐT) cố tình vi phạm mà còn phải xét đến công tác quản lý các cấp tại phường, quận này.

Công ty Cổ phần Khai Sơn Chi nhánh Hà Nội đã tổ chức cho thi công 26 căn biệt thự có diện tích mặt sàn lớn hơn 500m2 và chưa có GPXD theo quy định. Hiện, các căn biệt thự không phép này đã thi công xong phần thô đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục như xây trát, lợp mái.

Bên cạnh đó, theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khai Sơn City, UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Khai Sơn có địa chỉ tại Bắc Ninh làm CĐT. Và, không có nội dung chấp thuận cho chủ đầu tư chia tách dự án này thành các dự án thành phần để giao cho pháp nhân khác làm CĐT.

Tuy nhiên, trên thực tế, CĐT là Công ty Cổ phần Khai Sơn lại ngang nhiên chia nhỏ dự án thành các dự án thành phần (trong đó có dự án dự án Khai Sơn Hill Long Biên) và giao cho Công ty Cổ phần Khai Sơn Chi nhánh Hà Nội đứng tên CĐT khi chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận.

Xem chi tiết tại đây

TP.HCM: Hàng nghìn căn hộ tái định cư xây xong rồi "bỏ hoang"

Theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù quỹ nhà, đất bố trí tái định cư cao, đủ khả năng bố trí tái định cư nhưng tại một số quận huyện của TP.HCM vẫn còn thiếu cục bộ gây khó khăn khi bố trí tái định cư.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, với khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện thành phố đã phải xin ý kiến xử lý 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không còn nhu cầu sử dụng từ phục vụ tái định cư sang nhà ở thương mại và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Thậm chí, theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, số lượng quỹ đất còn tồn tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004 đến nay. Sở Xây dựng cũng phải kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đổi 5.000 căn hộ có mục tiêu tái định cư thành nhà ở xã hội để ưu tiên giải quyết cho thuê với trường hợp hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện bồi thường nhưng không có khả năng mua, thuê nhà ở xã hội tại các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách.

Xem chi tiết tại đây

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Hà Nội: Lấy ý kiến nhân dân trong 3 tuần về xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm

Từ ngày 9/3, mô hình tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sẽ được trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân.

Theo thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, thời gian trưng bày bắt đầu từ 9h sáng 9/3 đến ngày 31/3, địa điểm tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Trong thời gian trưng bày, Ban Quản lý sẽ có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác như: email, khảo sát trực tuyến…

Được biết, sau một thời gian chuẩn bị, quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho đưa ra trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân. Ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top