Có thể nói những không gian sáng tạo trong đô thị đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc tạo ra hình ảnh một Thủ đô hiện đại, với bản sắc đô thị riêng biệt. Từ đó, Hà Nội không chỉ trở thành một thành phố đáng sống, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế từ văn hóa. Dù là phần không thể thiếu của Hà Nội, thế nhưng, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, việc vận hành các không gian sáng tạo hiện nay còn đang tồn tại nhiều hạn chế và gặp phải không ít nút thắt khó gỡ.
PV: Thưa ông, có quan điểm cho rằng một đô thị gọi là phát triển đúng nghĩa phải có tính nhân văn, có tính văn hóa. Và cái hồn văn hóa đô thị nằm trong các công trình kiến trúc đô thị, các không gian văn hóa. Ông đánh giá thế nào về câu chuyện này?
Ông Nguyễn Sỹ Đại: Nói về không gian văn hóa, có những không gian rộng như không gian văn hóa Đồng Bằng Bắc Bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hẹp hơn có những không gian như Phố đi bộ Hồ Gươm, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không gian phố ẩm thực,… Và nếu bé nhỏ hơn nữa, dĩ nhiên đó chính là không gian văn hóa trong gia đình - hạt nhân của xã hội.
Trong các công trình kiến trúc đô thị, đặc biệt nhất chính là những không gian văn hóa - điểm hội tụ, kết tinh tinh hoa văn hóa. Hà Nội của chúng ta nhờ những thứ mang tính nhân văn như không gian văn hóa đã tạo nên một đô thị với bản sắc riêng, hấp dẫn thu hút mọi du khách trong và ngoài nước.
Mà đúng là có đến những nơi như các không gian văn hóa, người ta mới có thể cảm nhận hết được một đô thị phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Trong đó, truyền thống văn hóa luôn được bảo tồn, nâng niu. Tôi cho rằng đấy chính là cái hồn văn hóa đô thị.
PV: Tính đến nay tại Hà Nội, khá nhiều không gian văn hóa đã lần lượt ra đời. Vậy không gian văn hóa đã và đang mang lại những gì cho con người, cũng như đô thị Hà Nội?
Ông Nguyễn Sỹ Đại: Ý thức của con người ngày càng phát triển trong một đô thị phát triển, càng ngày người ta càng coi trọng văn hóa, đó là chuyện thường tình. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, việc tạo ra các không gian văn hóa, cũng đồng nghĩa với việc tạo ra sự phát triển bền vững cho đô thị, cũng như nuôi dưỡng tâm hồn, đời sống tinh thần người Thủ đô.
Ở Hà Nội, chúng ta có thể tạm phân định ra có 3 không gian văn hóa lớn: không gian văn hóa Phố cổ, không gian văn hóa xét về mặt kiến trúc cũ của thực dân Pháp xây dựng và không gian đô thị mới.
Gần đây, với sự ra đời của không gian Phố đi bộ hồ Gươm, tôi đánh giá là hấp dẫn và thành công nhất. Sở dĩ tôi nói như thế vì khi nhìn vào thực tế, ai cũng có thể thấy được không gian này có sức hút mãnh liệt như thế nào với người dân. Tôi luôn tìm thấy được rất nhiều nụ cười, ánh mắt tình cảm… tại không gian ấy. Và như thế, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, không gian văn hóa còn nuôi dưỡng và mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, những không gian văn hóa cũng là minh chứng hùng hồn nhất cho sự phát triển đô thị bền vững, toàn diện. Nó đã giúp tạo ra một Hà Nội phong phú, đa dạng với một màu sắc mới.
PV: Tuy nhiên, chúng ta vẫn khó có thể đánh giá hiệu quả của những không gian văn hóa này. Liệu rằng các không gian văn hóa có gặp phải vướng mắc gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Đại: Thật ra, ở đây chưa có bất cứ đánh giá nào chính thức từ phía chính quyền. Nhưng theo cảm nhận của tôi - một nhà báo, một người mang trong mình những xúc cảm yêu thương nhất với Hà Nội, khi nhìn vào những “con dốc” mà không gian văn hóa đang chật vật, cố gắng để vượt qua, tôi vô cùng trăn trở.
Trước hết chúng ta đang gặp một số vấn đề về quy hoạch không gian văn hóa mà tôi cho rằng, chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được.
Điển hình như không gian văn hóa Phố cổ. Đấy là vốn quý, cốt lõi của Hà Nội, tuy nhiên, hiện nay, đang bị tác động rất lớn của cơ chế thị trường. Theo thống kê của Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khoảng 50% số nhà cổ có giá trị đã được người dân sửa chữa, có thể có phép, hoặc "chạy" để có phép. Nhưng dù bằng hình thức, cách thức như thế nào thì điều đó cũng đã làm cho không gian, nếp sinh hoạt Phố cổ thay đổi. Và lẽ dĩ nhiên, cốt lõi của không gian văn hóa đang bị đe dọa. Đấy là điều mà chúng ta phải hết sức chú ý.
Hoặc hãy nói về những không gian ra đời gần đây nhất như phố sách 19/12, phố đi bộ Trịnh Công Sơn,… những địa điểm này dường như trở thành “vô vị” đối với người dân, bởi chúng chưa mang lại giá trị hấp dẫn, chưa phát huy được “sứ mệnh” như kỳ vọng ban đầu.
PV: Phát triển đô thị bây giờ không có nghĩa là chỉ có nhà cửa mà còn những thứ khác như môi trường, hạ tầng, trong đó có không gian văn hóa. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, các không gian văn hóa cần làm gì để tiếp tục phát huy hết ưu điểm, xứng đáng là “hồn cốt” của đô thị?
Ông Nguyễn Sỹ Đại: Để bảo đảm lợi ích đô thị phát triển bền vững, theo tôi phải có sự điều hành đúng đắn, khoa học, quyết liệt của Nhà nước. Nếu để cho tư nhân liên kết với một số người có quyền chức để trục lợi, chạy theo đồng tiền, đứng trên mọi giá trị thì sẽ không còn cái gọi là “hồn cốt” của Hà Nội.
Tôi nghĩ rằng không phải các nhà khoa học, kiến trúc Việt Nam không hiểu vấn đề xây dựng đô thị là như thế nào, mà có những con người muốn “kiếm chác” từ không gian văn hóa, vô tình làm mất đi tính văn hóa vốn có của nó.
Các không gian sáng tạo ở Thủ đô nếu muốn có thêm những cơ hội phát triển, đầu tiên người dân phải đón nhận nó một cách nồng hậu, thân thiện nhất. Về phía chính quyền, nên có sự hỗ trợ về mặt bằng không gian, thủ tục, ưu đãi thuế, hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo… Bên cạnh đó, muốn “tồn tại” trong một đô thị với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, các không gian sáng tạo phải liên tục thay đổi, cập nhật, tạo ra nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút mọi người.
PV: Trong tương lai, ông cho rằng, các không gian văn hóa của Hà Nội sẽ có hình hài như thế nào?
Ông Nguyễn Sỹ Đại: Với ý thức giác ngộ của cộng đồng, cùng sự điều hành ngày càng tốt của các cấp chính quyền, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được một Thủ đô xinh đẹp với những không gian văn hóa có “sứ mệnh” nhân văn. Những lỗi lầm, khuyết điểm chúng ta phạm phải chưa quá lớn. Chính vì thế, theo tôi, chúng ta có thể làm chậm lại sự phát triển đô thị về mặt nhà cửa, thay vào đó, cần phải quan tâm đến hạ tầng, tính nhân văn “vì con người trong các đô thị”. Có như thế mới được gọi là đô thị, bởi đô thị là sự phát triển về tất cả mọi mặt, trong đó, con người được sống cuộc sống thoải mái nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!