Aa

Đô thị mất bản sắc - Lỗi tại ai?

Thứ Năm, 08/11/2018 - 06:01

Kiến trúc là yếu tố quan trọng làm nên bản sắc một đô thị. Vậy phải chăng, đô thị mất bản sắc là do kiến trúc sư?

 

Quả thật, từ việc hình thành ý tưởng về một đô thị, một khu đô thị hay thậm chí một con đường, khu phố, tòa nhà…, cho đến khi đô thị ấy, công trình ấy hiện hữu đều có bàn tay của kiến trúc sư. Kiến trúc sư vẽ quy hoạch, kiến trúc sư vẽ thiết kế…; hình hài một đô thị, một khu đô thị hay thậm chí chỉ là một ngôi nhà đều do bàn tay kiến trúc sư nhào nặn. Kiến trúc sư có đầy đủ quyền để tự hào về công trình do mình sáng tạo. Lẽ dĩ nhiên, kiến trúc sư cũng là người phải chịu trách nhiệm khi đứa con tinh thần của mình bị chê bai.

Nhưng sự đời cũng không hoàn toàn đơn giản như vậy!

Không thể phủ nhận, trong thực tế không phải kiến trúc sư nào cũng tài năng. Nhưng tôi cũng từng nghe không ít kiến trúc sư tâm sự về nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai.

Mặc dù là người làm thuê cho chủ đầu tư, nhưng hầu hết các kiến trúc sư đều dồn hết tâm huyết vào công trình và coi nó như là máu thịt của mình. Một sản phẩm nào đó chưa hoàn hảo có thể xã hội không biết tác giả là ai và còn có thể giấu đi được, nhưng một công trình kiến trúc thì chềnh ềnh đập vào mắt thiên hạ, có muốn quên đi cũng chẳng xong. Không ít công trình kiến trúc tồn tại qua nhiều thế hệ, thậm chí có thể coi là vĩnh cửu như Kim tự tháp ở Ai Cập hay tháp Effiel ở Paris… Vì vậy, hơn ai hết, kiến trúc sư là người ý thức rõ nhất về trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đối với con đẻ của mình. 

Thế nhưng, công trình ấy lại thuộc sở hữu của chủ đầu tư hoặc ít nhất thì cũng thuộc quyền chủ đầu tư và do chủ đầu tư định đoạt. Mà chủ đầu tư thì có muôn hình vạn trạng, mỗi người một tính, mỗi người một nghề nghiệp và trình độ, nhận thức thì cũng rất khác nhau. Không ít trường hợp tác phẩm của kiến trúc sư đưa ra, chủ đầu tư đòi chỉnh chỗ này một tý, sửa chỗ kia một chút, thậm chí là bắt xóa đi làm lại hoàn toàn. Chỉnh sửa đúng đã đi một nhẽ. Ngược lại, với những yêu cầu vô lối, nếu kiến trúc sư không nghe, nhiều khi ông chủ sẽ thuê người khác. Vì vậy trong không ít trường hợp, kiến trúc sư đành phải nhắm mắt cho qua hoặc ít nhất là thỏa hiệp để được việc. Vì thế mới có chuyện, ở Thủ đô một dạo rộ lên nhà mái vòm kiểu Ai Cập mà có người đã phải mỉa mai “Em ơi Hà Nội… chóp” đầy chua xót. Thế nên mới có chuyện, ở bất cứ đâu cũng có thể bắt gặp những ngôi nhà, tòa nhà… chẳng giống ai, vừa phô phang cái vẻ trưởng giả học làm sang, vừa lai căng kỳ quái mà KTS. Nguyễn Thế Khải gọi là “đầu Thái, mái Mường, tường Kinh…”.

Đi tìm bản sắc đô thị

Đi tìm bản sắc đô thị (Ảnh B.V.D)

Những công trình ấy không những tự tha hóa, tự đánh mất mình mà còn phá vỡ tính tổng thể của một con phố và rộng hơn là của cả một đô thị. Như thế thì còn lấy đâu ra bản sắc.

Vậy phải chăng lỗi hoàn toàn do chủ đầu tư?

Điều đó chỉ đúng một phần.

Như trên đã nói, chủ đầu tư thì chín người mười tính… Nhất là đối với công trình tư nhân, ai cũng muốn khẳng định, thể hiện cái tôi của mình, nhiều khi muốn phải khác người. Đặc biệt những người đi nhiều, thấy nhiều nhưng hiểu không nhiều thì nhiều khi muốn thể hiện sự “hiểu biết” của mình lại cóp nhặt mỗi nơi một tý và yêu cầu kiến trúc sư nhào nặn các ý tưởng hổ lốn ấy thành món lẩu thập cẩm. Đúng là chẳng giống ai thật nhưng cũng kỳ quái… chẳng ra cái gì. Hoặc chí ít thì chủ đầu tư thường cũng chỉ chú ý đến công trình riêng của mình mà ít có điều kiện và kiến thức chuyên môn để tạo sự hòa hợp về kiến trúc trong một tổng thể. Hòa hợp với nhà, công trình lân cận đã khó, hòa hợp với cả con phố, cả khu vực, toàn đô thị còn khó hơn.

Như thế thì còn lấy đâu ra mà góp phần tạo nên bản sắc cho cả một đô thị.

Đó là chưa nói, con phố ấy liệu đã có diện mạo riêng của mình hay chưa, đô thị ấy liệu có bản sắc hay không để cho từng công trình riêng lẻ đi theo và hài hòa vào cái tổng thể để tạo nên bản sắc chung???

Vậy phải chăng lỗi do chính quyền đô thị?

Điều đó không hoàn toàn sai nhưng cái gì cũng có tính cụ thể của nó. Thứ nhất là do cơ chế trách nhiệm tập thể cộng với tư duy nhiệm kỳ đã tạo nên lỗ hổng trong tính quyết đoán và sự đứt gãy cả trong ý tưởng lẫn tổ chức thực hiện và giám sát việc thực thi. Mặt khác, cơ quan chức năng chỉ quản lý những vấn đề chung chứ không thể điều chỉnh đến từng chi tiết cụ thể của từng công trình nếu công trình ấy đã tuân thủ đúng những quy định của pháp luật. Đó là chưa kể chính sách, pháp luật luôn có độ trễ của nó so với thực tiễn, mà kiến trúc sư mới là người bám sát thực tiễn và công trình cụ thể.

Vậy chả lẽ tít mù nó lại vòng quanh, vấn đề lại quay trở lại đúng điểm xuất phát ban đầu là kiến trúc sư?

Hoàn toàn không phải. Phân tích cặn kẽ từng yếu tố như thế để thấy rằng, bản sắc đô thị phải được tạo lập và tồn tại trên cái kiềng ba chân: Chủ đầu tư – Kiến trúc sư – Chính quyền đô thị. Trong đó khâu mấu chốt nằm ở Chính quyền. Vì chỉ có chính quyền mới có đủ tư cách và vai trò quyết định quy hoạch tổng thể cho một đô thị cũng như giám sát và buộc chủ đầu tư tuân thủ quy hoạch chung. Người đứng đầu chính quyền chính là vị Tổng tư lệnh, sau khi xác định ý tưởng cho bản sắc một đô thị thì bố trí quân cờ nào ở chỗ nào là tuân theo ý đồ chung mang tính bền vững, lâu dài chứ không phải là giải quyết tình huống cụ thể trước mắt. Có thể hôm nay nhìn cả bàn cờ còn xộc xệch nhưng khi các công trình lấp dần vào khoảng trống thì bức tranh sẽ dần hoàn thiện và nó hiện rõ cá tính, bản sắc riêng của mình.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, ý tưởng, ý đồ và quy hoạch chỉ mang tính tổng quát. Còn công trình cụ thể lại hoàn toàn do chủ đầu tư và kiến trúc sư tạo lập nên. Nếu kiến trúc sư không đủ tài năng thì cũng không thể vẽ nên những công trình không những chỉ đẹp cho riêng nó mà còn tôn lên vẻ đẹp của cái chung. Nếu chủ đầu tư không biết đề cao tính cộng đồng, sống hòa hợp với cảnh quan xung quanh và vì cái chung thì sẽ không thể tạo nên được bức tranh hoàn chỉnh.

Vì vậy, có thể nói ngắn gọn, để tạo nên và giữ gìn bản sắc của một đô thị thì rất cần Kiến trúc sư có Tài, Chủ đầu tư có Tâm, và nhất là một Chính quyền đô thị có Tầm./.

(Thiết kế: Hoàng Linh)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top