Aa

“Không gian nuông chiều cảm xúc” tưới mát những tâm hồn khô cằn

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Bảy, 28/05/2022 - 06:09

Giữa guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại, một không gian "nuông chiều cảm xúc” xuất hiện làm xiêu lòng những tâm hồn nhạy cảm, an ủi những trái tim lo âu và vỗ về từng hoài niệm xưa cũ.

“Tôi luôn sợ bọn nhỏ lớn lên sẽ trở nên khô khan giữa không gian phố thị. Nếu cái đẹp chỉ là trơ trọi với gạch đá và những món đồ công nghệ thì nó vô cảm lắm phải không?”. Đó là lời chia sẻ ngắn gọn, sâu sắc nhưng chứa đựng nhiều trăn trở về không gian sống trong đô thị hiện đại của KTS. Đức Quế, người kiến tạo nên công trình “nuông chiều cảm xúc” đặc biệt này.

Biết đến KTS. Đức Quế bằng sự tình cờ, chị Phùng Thanh Hà - chủ đầu tư của ngôi nhà là người có duyên và hợp gu với kiến trúc sư trẻ tài năng. Chị Thanh Hà tâm sự, trước đó đã gặp 3 - 4 bên thiết kế song chưa tìm được người đồng điệu trong phong cách, chị muốn ngôi nhà của mình mang nét mới mẻ trong cảm xúc, bỏ qua những chuẩn mực thiết kế cũ tại thôn quê và hy vọng được sống trong một tổ ấm thật sự.

Sự khởi đầu giản đơn, để rồi công trình với diện tích 280m2 chứa đựng “không gian nuông chiều cảm xúc” ra đời tại Cửa Lò, Nghệ An.

Ngôi nhà được bao trùm bởi màu xanh tươi mát tại Cửa Lò, Nghệ An.

Đau đáu về “cảm xúc” trong thiết kế

Với mỗi thiết kế, KTS. Đức Quế luôn kỳ vọng sẽ đáp ứng những điều kiện tối thiểu như công năng hợp lý, không gian đủ, rộng, thoáng, thân thiện và có cảm xúc. Có lẽ, thứ làm khó anh nhất chính là “cảm xúc”, anh muốn thứ cảm xúc “lạ hẳn”, điều mà anh vẫn luôn theo đuổi và hoàn thiện dần trong mỗi công trình mình tạo nên.

Anh mong muốn một nơi nuôi dưỡng tâm hồn, con trẻ có “không gian để nô đùa, dù lấm lem một chút nhưng lại nhớ thương ký ức một đời”, một nơi mà khi người lớn tìm về “không còn nỗi lo âu, được thật thà với cảm xúc, trút bỏ mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền”, một nơi mà cả gia đình gần nhau hơn.

KTS. Đức Quế, người luôn mong muốn tạo nên những thiết kế có chiều sâu về cảm xúc, tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo. Ngày đó, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Bà con thật thà, chân lấm tay bùn nhưng nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi. Con trẻ được thỏa thích nô đùa với đất cát, cuộc sống bởi vậy cũng trở nên thú vị hơn với nhiều xúc cảm. Ngày nay, cuộc sống phát triển, nhưng sân chơi của con trẻ lại ngày một "khô khan" hơn.

Xã hội hiện đại, con người đổi thay. Tôi từng gặp nhiều người có đủ tài chính nhưng họ chỉ chú trọng về hình thức, vật liệu trang trí sao cho ngôi nhà thật sang trọng, tiện nghi. Có những khách hàng chỉ cần hoành tráng, đẹp đẽ để những vị khách đến chơi nhà thấy mê mẩn.

Thật ra không phải ai khi xây nhà cũng nghĩ đến việc thiết kế cho trẻ nhỏ một sân đất, một khoảng không gian mở để vui chơi, không phải khách hàng nào cũng cần ngôi nhà có cảm xúc. Nhưng tôi cũng gặp những người hợp gu thiết kế”.

Có điều, câu chuyện thiết kế khi bước vào thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Một công trình được tạo nên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, tính cách, nhu cầu, môi trường sống của khách hàng”, KTS. Đức Quế chia sẻ.

Anh kể, khi thiết kế, bản thân luôn tâm niệm rằng những công trình mình vẽ, không vẽ cho đôi mắt của người đi qua, mà vẽ cho tâm hồn của người ở lại. Với anh, thật không dễ để có cơ duyên thiết kế nên những công trình "hay ho" như không gian "nuông chiều cảm xúc". Từng xúc cảm dù nhỏ nhất đã được kiến trúc sư khéo léo điểm xuyết trong từng chi tiết của công trình này.

“Tôi hy vọng những người hiểu sẽ không khen công trình của mình đẹp, vì có những điểm tôi thấy cũng không hẳn là đẹp. Tôi thích được gọi là công trình hay ho”, kiến trúc sư nêu quan điểm. 

Không gian “hay ho” giúp giải phóng cảm xúc, kết nối gia đình

Với anh Đức Quế, ngôi nhà chứa đựng “không gian nuông chiều cảm xúc” tại Cửa Lò thú vị ở chỗ phần diện tích bỏ trống đủ để tạo nên ba ô giếng trời. Mỗi ô được thiết kế với không gian khoảng 20m đủ để chủ nhà cảm nhận được “mưa, nắng và những chuyển động của đất trời”.

Thiết kế đơn giản nhưng ấm áp với không gian mở, các tông màu gỗ tự nhiên tạo cảm giác yên bình. Bố cục là sự tổng hòa của các đường nét vuông tròn tạo cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng cho tổng thể căn phòng.

Sự khéo léo khi kết hợp giữa thiết kế nhà lệch tầng với ba giếng trời ở trước, giữa và sau nhà tạo thành một không gian “gần”. Phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn… đều được “ôm lấy” bởi hai bên là ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành và bóng mát cây xanh. Cùng với đó là thiết kế thông minh vừa tạo được phong cảnh đẹp, vừa tạo nên khoảng trống để gió tự nhiên được thông từ trước ra sau, từ giữa sang hai bên. 

Ba ô giếng trời kết hợp với kiểu thiết kế lệch tầng tạo nên không gian gần và xanh.

Chủ nhà chỉ cần nghiêng nhẹ sang bên trái, hoặc bên phải, đều cảm giác toàn bộ cơ thể được thanh lọc bởi khí trời, cảm xúc được giải phóng và tâm hồn được vỗ về trong sự bình yên.

“Điểm quan trọng nữa khi thiết kế nhà lệch tầng là khoảng cách giữa phòng khách lên phòng ăn rất gần, chỉ khoảng nửa tầng, ngước mắt lên một chút là thấy các không gian còn lại, tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn căn nhà, từ đó sự kết nối vô hình giữa con người được nảy sinh, sự gần gũi nhau hiển hiện rõ ràng”, KTS. Đức Quế cho biết thêm.

Giếng trời ở giữa nhà cũng là điểm nhấn chính của ngôi nhà. Bức tường được ốp khéo léo bằng đá tự nhiên tựa như những mảnh ghép vừa vặn, lam chắn nắng kết hợp với mái kính đón nắng, đón mưa khoảng 20%. Dù nắng hay mưa, căn phòng cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều mà trong nhà vẫn nhận được vừa đủ chút “tín hiệu từ thiên nhiên”.

Thiết kế lệch tầng tạo không gian gần đủ để “cả nhà nhìn thấy nhau” và có thể giao tiếp bất cứ lúc nào, nhưng vẫn giữ được sự riêng tư. “Khi cuộc sống quá bận rộn, đôi lúc chúng ta tưởng như không thể dành thời gian để nói chuyện với nhau một chút, thì việc nhìn thấy nhau ở khoảng cách này bỗng thấy an tâm làm sao!”, chị Hà chia sẻ khi hiểu thêm về ý nghĩa trong thiết kế “không gian nuông chiều cảm xúc”.

Dù đem lại nhiều trải nghiệm đặc biệt, song việc có giếng trời trong nhà cũng là một trong những điều mà kiến trúc sư lưu tâm. “Về lâu dài, khu vực này cũng có nhược điểm là phải xử lý đường thoát nước hợp lý, chăm sóc vệ sinh sạch sẽ, nếu không có thể sẽ xuất hiện ruồi, muỗi tại tầng 1, dẫn đến mất mỹ quan”, anh Đức Quế cho hay.

Còn một không gian khác cũng là điểm nhấn của ngôi nhà, chỉ cần kéo nhẹ cánh cửa kính sẽ bước vào một nơi đặc biệt dành riêng cho những trái tim muốn được nghỉ ngơi.

Tầng hai của ngôi nhà có một không gian mà đất trời và con người như hòa vào một, tạo cảm giác thư thái, an tĩnh.

Không khó để tìm lại cảm giác bình yên khi được nhâm nhi chút trà đón nắng vào buổi sáng, đắm chìm trong vẻ đẹp trời đêm vào buổi tối và yên lặng đón từng giọt mưa bay bay vào ngày trở trời…, một không gian đa di năng và đầy xúc cảm.

KTS. Đức Quế đánh giá đây là một góc khá hay ho của ngôi nhà: “Việc thiết kế không gian ngoài trời như vậy có hai mục đích. Đầu tiên là nơi lý tưởng để uống cafe thư giãn hoặc làm việc, tiếp đó là nơi đủ thông thoáng và đẹp để tụ tập bạn bè”.

Đèn hắt phát dưới chân cầu thang tạo năng lượng mới mẻ nhưng không kém phần hiện đại. 

 

Tông màu gỗ tự nhiên “ôm trọn” không gian, tạo cảm giác ấm cúng, thân thuộc và bình yên chầm chậm len lỏi vào cảm xúc của người đến, người đi và người ở lại.

Không gian ngoài trời ở tầng 2, nằm trên gara ô tô với chiều cao khá thấp, khoảng 2m9 giúp con người tiệm cận với thiên nhiên và đất trời.

Ngôi nhà được thiết kế đảm bảo tính ổn định, lâu dài và thân thiện với môi trường. Bởi vậy, các đồ nội thất trong nhà không quá cầu kỳ, có thể điều chỉnh tùy theo gu thẩm mỹ và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Tổng chi phí của căn nhà khoảng 2,2 tỷ đồng bao gồm chi phí xây dựng và nội thất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top