Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đề xuất phương án xây dựng tuyến cáp treo dài 5,2km bắt đầu từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông nối vào hang Én, nằm trong quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngay lập tức, đề xuất này đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, với nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều.
Tôi không phải là chuyên gia về môi trường, nhưng, có thể hiểu nôm na rằng, khi con người tác động lên tự nhiên bằng một hành động bất kỳ nào đó, đều có thể gây ảnh hưởng, tác động tới môi trường. Nếu đem môi trường ra làm thước đo, chuẩn mực cho sự phát triển, mà không có những cơ sở, đánh giá cụ thể, sẽ thật khó cho những nhà đầu tư, hoạch định chính sách. Muốn không gây ảnh hưởng đến môi trường, có lẽ, chỉ còn cách giữ nguyên hiện trạng, không làm gì cả. Như thế cũng chưa đủ, bởi, thực tế cho thấy, ở nhiều lĩnh vực, trường hợp cụ thể, cứ giữ nguyên hiện trạng từ lịch sử để lại, vẫn gây tác động, ảnh hưởng đến môi trường.
Nếu cứ đưa cụm từ "ảnh hưởng môi trường" ra để lo ngại, chúng ta sẽ chẳng có những tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên qua bao la bát ngát những cánh rừng hay con đường tuần tra biên giới chạy len lỏi qua các rừng cây, lòng núi. Cũng chẳng có những công trình phục vụ cho an sinh xã hội được xây dựng vững chãi, kiên cố trên rừng, dưới biển.
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là coi nhẹ vấn đề môi trường. Tôi được biết, hiện nay, bất cứ dự án đầu tư nào, nhất là các dự án có quy mô lớn đều có riêng báo cáo đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động môi trường. Dự án xây dựng cáp treo tại khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng nếu được chấp thuận cho triển khai xây dựng chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ.
Tôi cũng tin rằng, sau những bài học cay đắng, phải trả giá rất đắt từ một số dự án được làm "thần tốc", bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố tác động môi trường trước đây, đến nay, chúng ta đều hết sức thấm thía. Chính lãnh đạo địa phương là những người hiểu hơn ai hết giá trị của tài nguyên thiên nhiên và những hệ lụy do biến đổi khí hậu, sự cố môi trường đem lại.
Nếu làm cẩu thả, theo tư duy chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá, nếu có hệ lụy xảy ra, lãnh đạo và nhân dân địa phương là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Cho nên, hơn ai hết, họ phải nhận thức được vấn đề và thận trọng trong từng quyết định, để làm sao vừa đảm bảo được yếu tố phát triển kinh tế, mà vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ của di sản, đồng thời, không gây tác động xấu đến môi trường tại chỗ và khu vực lân cận.
Quảng Bình là một tỉnh nghèo của cả nước, không có nguồn tài nguyên thiên nhiên gì nổi trội, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng. Trong đó, nổi bật là các hang động nằm trong quần thể Phong Nha- Kẻ Bàng với nét đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ và diện tích đứng vào hàng tốp đầu thế giới.
Tuy nhiên, dù đã được phát hiện khá lâu, được báo chí, truyền thông quốc tế sửng sốt, hết lời ca ngợi, song, Phong Nha- Kẻ Bàng và một số địa danh du lịch khác của Quảng Bình vẫn như "nàng công chúa bị ngủ quên". Để "đánh thức" được nàng "công chúa" lộng lẫy, xinh đẹp, kiêu sa ấy, buộc phải có những ngoại lực "tác động" vào. Chắc chắn, đó không phải là những cú "chạm tay khe khẽ" hiện tại. Bởi, đọc thông tin trên một số báo, nêu thống kê ở một số hang động nằm trong khu di sản, tiếng là rộng thứ 3 thế giới, mà chỉ vỏn vẹn có 700 du khách ghé thăm trong một năm, tôi thật sự không khỏi chạnh lòng, xót xa. Một hang động đẹp, rộng lớn thế, một khối tài sản quý giá thế mà lại tạo sức hút và nguồn thu như vậy chắc chắn sẽ khiến không ít người có trách nhiệm tiếc nuối, coi đó là sự lãng phí.
Trong điều kiện khoa học, kỹ thuật hiện đại, cáp treo được coi là sản phẩm văn minh của nhân loại. Nó sinh ra không phải nhằm mục đích phá hoại môi trường, dù có thể, nếu xây dựng không hợp lý, có thể gây ra những tác động không nhỏ. Để "đánh thức" Phong Nha- Kẻ Bàng, hay trực tiếp hơn là những Hang Én, Sơn Đoòng, chắc chắn, người ta không thể kêu gọi du khách dìu dập kéo lên bằng phương cách đi bộ truyền thống, bởi không phải ai cũng đủ thời gian và sức khỏe.
Phương án khác là xây dựng tuyến đường ô tô gây mất thời gian và tác động rất lớn tới môi trường, nên không phải là phương án khả thi. Vì vậy, tôi nghĩ, xây dựng cáp treo là một phương án hợp lý nhất, ít gây tác động trực tiếp nhất đến cảnh quan, môi trường và đời sống sinh học của các loài động, thực vật ở đây.
Nhiều người lo ngại khi có cáp treo, lượng du khách đổ về Phong Nha- Kẻ Bàng sẽ tăng lên ồ ạt, gây tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, cảnh quan và đời sống sinh học tại chỗ. Đây là lo ngại không phải không có cơ sở, rất đáng được lưu tâm, suy nghĩ. Nhưng tôi nghĩ, khi xây cáp treo, chắc chắn, chính quyền địa phương đã có những phương án đồng bộ để đáp ứng với nhu cầu đông đảo của du khách như: trạm dừng chân, khu vực vệ sinh, khu xử lý chất thải, khu nghỉ ngơi...
Hoặc, nếu không muốn bị quá tải, tránh lượng khách tăng ồ ạt, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp về khống chế giá vé, giấy tờ tùy thân, kèm theo các tiêu chuẩn về sức khỏe, thể trạng...
Phát triển và gìn giữ, bảo tồn luôn là vấn đề phức tạp, tồn tại những mâu thuẫn dai dẳng, quyết liệt. Tùy từng thời điểm và điều kiện, người ta có những lựa chọn khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, với thực tế những dự án cáp treo đã được sử dụng, vận hành khá hiệu quả ở nhiều điểm du lịch, thắng cảnh nổi tiếng trên cả nước, tôi tin rằng, việc xây dựng cáp treo vào Hang Én là điều nên thực hiện. Đây không phải là sự "đánh đổi môi trường lấy kinh tế" như một số ý kiến lo ngại. Vì với điều kiện khoa học, kỹ thuật hiện tại, chúng ta vẫn có lựa chọn tốt nhất để hạn chế thấp nhất sự "đánh đổi" kia.
Vấn đề là làm sao phải thực hiện cho chắc chắn, hiệu quả, đúng với chủ trương, quy trình được phê duyệt. Cùng với đó, phải tổ chức vận hành, quản lý hiệu quả, quan tâm xử lý kịp thời những tác động, hệ lụy mà dự án gây ra. Làm được điều đó, tôi tin, dù có ý kiến cho là "đánh đổi" vì kinh tế đi chăng nữa, tôi cho rằng, nó cũng xứng đáng. Xét đến cùng, sự phát triển nào chẳng phải chấp nhận những mất mát, hệ lụy kèm theo?!?