“Không nhất thiết phải ngăn chặn triệt để việc xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch ở rừng”

“Không nhất thiết phải ngăn chặn triệt để việc xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch ở rừng”

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 07/10/2023 - 06:38

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Đỗ Anh Tuân, GVCC Khoa Quản lý tài nguyên rừng, Đại học Lâm nghiệp cho rằng không nhất thiết phải ngăn chặn triệt để việc xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch ở rừng mà cần có nghiên cứu, đánh giá từ đó xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể cho vấn đề này để đảm bảo 2 mục tiêu là vừa phát triển và khơi dậy tiềm năng, giá trị của tài nguyên rừng cho phát triển kinh tế thông qua du lịch sinh thái rừng; vừa đảm bảo bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên rừng.

Hiện nay, nhiều địa phương đang có quyết tâm rất lớn trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển du lịch, dù mới manh nha hay mạnh mẽ ở những khu vực cần giữ gìn, bảo vệ như biển, rừng hay vùng di sản… từ trước đến nay vẫn gặp phải sự cản trở lớn từ dư luận.

Tư duy cần bảo tồn tuyệt đối để tránh đụng chạm đến thiên nhiên, di sản… vẫn đang bám víu rất lớn, trở thành lực cản khiến du lịch Việt Nam dù có thế mạnh về tài nguyên nhưng lại thiếu đi những sản phẩm du lịch đẳng cấp để vươn tầm. Thời gian qua, động thái quyết liệt của nhiều địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án nghỉ dưỡng đã cho thấy sự bứt phá về mặt tư duy phát triển, tuy nhiên, có lẽ vẫn còn cần nỗ lực rất lớn và cần thêm sự đồng bộ, hoàn thiện từ chính sách pháp luật để vừa tạo ra hiệu quả và nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng.

Cách đây 6 năm, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) có thực hiện chuyên đề: Câu chuyện bảo tồn và phát triển trong bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Qua tham vấn ý kiến, chúng tôi đi đến một nhận định được đại đa số chuyên gia, nhà khoa học thống nhất rằng: “Chúng ta có thể phát triển nhưng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Phải biết bảo vệ nhưng phải biết hưởng thụ vì mục đích cho mọi người, chứ không phải cứ cảnh quan thiên nhiên là cấm không được xây dựng, là giữ yên”. Tiếp tục câu chuyện này, Reatimes thực hiện chuyên đề: Tư duy phát triển du lịch trong các khu vực cần bảo tồn. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Phát triển du lịch sinh thái rừng là một hướng đi tất yếu

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của rừng đối với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Tổng diện tích rừng và đất rừng ở nước ta là 14.745.201ha (chiếm đến 42,02 % tổng diện tích đất liền cả nước), phân bố ở tất cả các vùng miền với sư đa dạng và phong phú của các hệ sinh thái rừng, hệ động và thực vật rừng và cảnh quan thiên nhiên. Hơn nữa, đây là vùng đồi núi, là nơi sinh sống của hàng triệu đồng bào thuộc hơn 50 dân tộc anh em từ lâu đời với sự đa dạng về bản sắc văn hoá, kinh tế, tâm linh, ẩm thực và kiến trúc địa phương. Như vậy, có thể khẳng định, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố tự nhiên và xã hội với tiềm năng rất to lớn phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dựa vào rừng và cộng đồng địa phương.

du lịch rừng
Phát triển du lịch sinh thái rừng là một hướng đi tất yếu.

PV: Theo nhìn nhận của ông, thực tế phát triển du lịch sinh thái rừng hiện nay đã thực sự khai thác được những tiềm năng hay đang bộc lộ những bất cập, hạn chế gì?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Việt Nam đã quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng rừng, cụ thể một số văn bản phát luật như Luật Đất đại 2013, Luật Lâm nghiệp 2017 và Nghị định 156/2018 đã đề cập đến quyền của các chủ rừng cũng như trình tự thủ tục phát triển di lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí ở rừng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều loại hình và mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở rừng đã được xây dựng và phát triển ở nhiều nơi, ví dụ như các mô hình ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Tam Đảo…

Tuy nhiên, so với tiềm năng to lớn nói trên thì rõ ràng là thực tế phát triển du lịch sinh thái rừng hiện nay chưa tương xứng. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong các nguyên nhân là chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ và chi tiết để phát triển loại hình này nhằm đáp ứng cả hai mục tiêu một cách bền vững là (i) phát triển kinh tế rừng dựa vào dịch vụ môi trường cho hoạt động du lịch lịch sinh thái và (ii) đảm bảo bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên rừng.

Theo quy định hiện nay, một đơn vị/chủ rừng muốn thực hiện một dự án du lịch sinh thái thì trước hết phải có phương án quản lý rừng bền vững sau đó là có được đề án du lịch sinh thái đã được phê duyệt.

Hơn nữa, việc phát triển du lịch thái nếu có tiến hành các hoạt động xây dựng hạ tầng (như nhà nghỉ dưỡng, hệ thống đường/cầu, các điểm quan sát...) đang được quy định bởi nhiều luật liên quan, như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Môi trường… nhưng hiện nay các quy định của Nghị định 156/NĐ-CP và các văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề này chưa thật sự cụ thể và rõ ràng để thuận tiện cho việc triển khai trên thực tế.   

PV: Bên cạnh đó, phải chăng chúng ta vẫn chưa tìm ra lời giải cho câu chuyện bảo tồn và phát triển đối với tài nguyên rừng, thưa ông?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Phát triển du lịch sinh thái rừng là một hướng đi tất yếu để nâng cao nguồn tài chính cho chủ rừng, nếu các hoạt động xây dựng hạ tầng và thăm quan của du khách được kiểm soát và quản lý một cách khoa học thì đây là một loại hình dịch vụ môi trường của rừng, ít có tác động tiêu cực, đồng thời đem lại nguồn tài chính bền vững cho chủ rừng.

Phát triển du lịch sinh thái rừng là một hướng đi tất yếu để nâng cao nguồn tài chính cho chủ rừng, nếu các hoạt động xây dựng hạ tầng và thăm quan của du khách được kiểm soát và quản lý một cách khoa học thì đây là một loại hình dịch vụ môi trường của rừng, ít có tác động tiêu cực, đồng thời đem lại nguồn tài chính bền vững cho chủ rừng.

Tuy nhiên rõ ràng bất cứ một hoạt động nào trong rừng cũng có hai mặt (tích cực và tiêu cực) đến tài nguyên và môi trường rừng và cần phải giải quyết để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên rừng. Vì thế cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý và hướng dẫn để tạo nền tảng cho phát triển du lịch sinh thái rừng bền vững.

Đảm bảo hài hòa hai mục tiêu

PV: Theo ông, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt) sang mục đích khác - như xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có thực sự đáng quan ngại để triệt để ngăn cản việc phát triển và khơi dậy tiềm năng, giá trị của tài nguyên thiên nhiên?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Ở đây cần phân biệt việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng đất khác với việc chuyển đổi rừng (không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt) để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái.

Hiện nay, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (đặc biệt là đối với rừng tự nhiện) sang mục đích sử dụng đất khác đang được quy định khá chặt chẽ theo hướng hạn chế việc chuyển đổi này. Còn việc chuyển đổi để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch rừng như đã nói ở trên còn chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn đầy đủ và chi tiết.

Rõ ràng muốn phát triển du lịch sinh thái thì cần có hệ thống hạ tầng (ví dụ như đường dạo, thăm quan, chòi ngắm cảnh…), tuy nhiên việc xây dựng chắc chắn ít nhiều có tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên rừng. Vì thế cần có các quy định cụ thể về đánh giá tác động môi trường, cũng nhưng hoạt động giám sát để đảm bảo tránh và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên rừng.

Cá nhân tôi cho rằng không nhất thiết phải ngăn chặn triệt để việc xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch ở rừng mà cần có nghiên cứu, đánh giá từ đó xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể cho vấn đề này để đảm bảo 2 mục tiêu đã đề cập ở trên là vừa phát triển và khơi dậy tiềm năng, giá trị của tài nguyên rừng cho phát triển kinh tế thông qua du lịch sinh thái rừng; vừa đảm bảo bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên rừng.

 Khu vực có đặc điểm tự nhiên thuộc nhóm "rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt" tại Vĩnh Hy (Ninh Thuận) đang được nghiên cứu thực hiện dự án nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp gắn với bảo tồn thiên nhiên. 

PV: Thời gian qua, một số sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái rừng đã được xây dựng, phát triển thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn du khách, tạo đòn bẩy phát triển du lịch của địa phương... Tuy nhiên, phản ứng trái chiều với các dự án mới liên quan đến rừng vẫn tiếp diễn. Lo ngại môi trường, hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng tiêu cực vì những dự án mang danh “du lịch nghỉ dưỡng” cũng không phải là không có cơ sở. Vậy đâu là điểm mấu chốt để vừa có thể khai thác du lịch, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Câu hỏi đặt ra ở đây là việc xây dựng, cải tạo rừng thành điểm đến nổi tiếng có đúng quy định phát luật hiện hành không và có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng như thế nào?

Hiện nay, nhiều địa phương đang có mong muốn đẩy mạnh cho thuê rừng để phát triển du lịch. Nhưng như đã nói ở trên, các địa phương vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này.

Rõ ràng điểm mấu chốt ở đây vẫn là cần có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và chi tiết để phát triển du lịch sinh thái rừng bền vững.

Phát triển du lịch xanh, bền vững là một chìa khóa để đưa du lịch Việt Nam ra thế giới

PV: Việc phát triển các dự án có lẽ nên hướng tới chất lượng cao và đẳng cấp hơn với một tư duy phát triển mới thay vì phát triển nhỏ lẻ, manh mún, khó quản lý như hiện nay?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Phát triển du lịch xanh, bền vững là một chìa khóa để đưa du lịch Việt Nam ra thế giới và đồng thời bảo vệ được các giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Rõ ràng chúng ta cần có quy hoạch tầm quốc gia về lĩnh vực này theo hướng phát huy các tiềm năng du lịch sinh thái rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Hiện nay ở cấp đơn vị quản lý rừng, việc xây dựng và thực hiện Phương án quản lý rừng vững và đề án du lịch sinh thái của mỗi chủ rừng cũng nhằm mục đích phát triển du lịch sinh thái rừng một giải pháp có kế hoạch và hệ thống.

Khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc từng lọt vào Top khu nghỉ dưỡng trong rừng đẹp nhất thế giới. 

PV: Trên thế giới, việc phát triển du lịch, nghỉ dưỡng rừng mang tới bài học gì Việt Nam, theo nhìn nhận của ông?

PGS.TS. Đỗ Anh Tuân: Phát triển du lịch, nghỉ dưỡng rừng đã có từ rất lâu ở nhiều nước trên thế giới (như Yellowstone National Park - công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1872 ở Hoa Kỳ), hay như ở nhiều công viên rừng tại Trung Quốc, Thái Lan, Úc….

Hoạt động này mang lại nguồn tài chính quan trọng để bảo vệ và phát triển rừng. Các nước này cũng có các quy định phát luật, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể và chặt chẽ để đảm bảo bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động này đến sự toàn vẹn của tài nguyên rừng.

Như vậy, rõ ràng đây là một hướng đi tất yếu cần được xem xét phát triển, nhằm kiến tạo nguồn tài chính quan trọng, bền vững góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh cấm khai thác rừng tự nhiên ở nước ta và nguồn lực tài chính quốc gia cho lĩnh vực bảo vệ tài nguyên rừng còn hạn chế. 

-       Trân trọng cảm ơn ông!  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top