Aa

Không phải muộn, mà là quá muộn

Thứ Tư, 24/04/2019 - 07:00

Tôi đã từng nói, đồ phế thải sẽ nuốt sống nông thôn của chúng ta, khiến một ngày nào đó làng quê biến mất. Giờ tôi chỉ xin cải chính: Túi ni lông chính là thủ phạm thực hiện điều đáng sợ đó.

Chắc chắn không mấy ai ba mươi năm trước hình dung được tai họa gây ra bởi rác thải nhựa, trong đó có túi ni lông. Nhưng giả sử có người nhìn xa trông rộng, khẩn khoản nói với mọi người về điều đó, thì cũng chẳng ai chịu nghe. Thậm chí người nói còn có thể thân bại danh liệt, bị coi là kẻ thần kinh, chống lại tiến bộ, chống lại văn minh.

Lịch sử vẫn cứ luôn diễn ra những pha trớ trêu như vậy. Và sự trả giá thường nhãn tiền, ngay lập tức.

Hôm nay tôi mạnh mẽ nói với quý vị, việc hạn chế, tiến tới ngăn chặn hoàn toàn việc dùng túi ni lông dùng để gói, đựng hàng không còn là muộn, mà đã là quá muộn. Tôi đã từng nói, đồ phế thải sẽ nuốt sống nông thôn của chúng ta, khiến một ngày nào đó làng quê biến mất. Giờ tôi chỉ xin cải chính: Túi ni lông chính là thủ phạm thực hiện điều đáng sợ đó.

Người và rác thải sống chung trong nỗi kinh hoàng.

Người và rác thải sống chung trong nỗi kinh hoàng.

Nếu không tin, một ngày đẹp trời nào đó, quý vị hãy bớt chút thời gian, vãng cảnh một làng quê từng rất yên bình, một làng chài vốn vẫn nổi tiếng trong lành, các vị sẽ thấy sự hiện diện của túi ni lông kinh khủng đến thế nào. Cảnh những bãi biển ngập tràn túi ni lông, cảnh từng núi rác thải cứ phình dần ra qua năm tháng nơi mỗi con đường vào bất cứ làng nào, là hình ảnh không cần phải nhờ đến óc tưởng tượng, mà chỉ cần chịu khó ngồi xem tivi là thấy. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của nó đang lẩn sâu dưới những cánh đồng mầu mỡ một thời, đang lập lờ nơi đại dương, đang trôi trên mỗi con kênh rạch… để âm thầm giết dần biển, giết dần đất đai, giết dần nguồn nước tưới, giết dần mạch nước ngầm, tạo ra sự tuyệt sinh trong hòa bình!

Tất cả chỉ vì duy nhất một chữ tiện. Sự tiện lợi của túi ni lông là điều không còn gì phải bàn. Nhưng sự tiện lợi ấy cũng đang phản ánh hai điều: Con người càng ngày càng lười nhác và ích kỉ.

Ai cũng biết nước ta là một nước nông nghiệp, với tài nguyên lớn nhất là đất trồng lúa. Nhưng có thể điều này nhiều người chưa biết: Không phải cứ san đất phẳng ra là có thể thành ruộng để cấy lúa. Muốn có một thứ ruộng giữ được nước, thiên nhiên phải mất hàng trăm triệu năm để tạo ra lớp màng sét có khả năng ngăn thấm nước. Hàng trăm triệu năm, xin quý vị nhớ cho. Vì thế, một khi loại đất ấy đã thành đất chết, thì vĩnh viễn không còn cơ hội tái sinh.

Chúng ta thường rất giỏi kêu than mình là nạn nhân của hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, với tỉ lệ mắc bệnh hiểm nghèo ngày càng gia tăng, mà chẳng mấy ai chịu thừa nhận thủ phạm gây ra điều đó cũng lại là chính chúng ta. Nhưng trong vấn đề môi trường sống, không có chuyện mình làm mình chịu là xong, mà hậu quả của nó sẽ kéo theo những thảm kịch cho con cháu. Vì thế, ngay cả khi bây giờ, thời khắc này mỗi người ý thức nghiêm khắc về điều đó, thì cũng đã quá muộn để chúng ta không trở thành những tổ phụ vô trách nhiệm với tương lai. Quá muộn nhưng chưa mất hết mọi cơ hội. Quá muộn nhưng chưa đến mức tuyệt vọng. Vẫn còn kịp để cứu vãn đồng ruộng, cứu vãn sông hồ, cứu vãn môi sinh trước khi cái chết ập đến. Và tất cả phụ thuộc vào quyết tâm hối lỗi của tất cả chúng ta.

Về phía Nhà nước, hãy hành động khẩn cấp bằng những đạo luật, bằng các hình phạt, để hạn chế, tiến tới loại bỏ túi ni lông vô cơ. Còn với người dân, chỉ cần mỗi người bớt lười nhác, bớt ích kỉ, biết dành chút ít thời gian suy ngẫm và thương xót những đứa trẻ, trong đó có con cháu mình, vừa mới chào đời đã đối mặt với vô số căn bệnh hiểm nghèo, sẽ thấy mình cần phải làm gì.

Tôi chỉ xin nhắc quý vị, mỗi cái túi ni lông quý vị ném vào sọt rác, phải mất năm mươi năm sau (tức là hơn hai thế hệ) mới không còn khả năng gây tai họa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top