Theo nhận định của Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, ông Troy Griffiths cho rằng nguồn cung và tâm lý thị trường hiện nay đều cải thiện, tuy nhiên, mức giá bán hiện vẫn duy trì ở mức cao.
Nhu cầu tìm kiếm nhà ở vừa túi tiền hiện đang có xu hướng chuyển dịch sang các tỉnh lân cận với mức giá bán phải chăng hơn, hạ tầng cũng được đầu tư phát triển ổn định hơn.
Theo ông Troy Griffiths, trong năm vừa qua, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP. HCM đã tăng 10% theo năm lên gần 11.900 căn, mặc dù vậy, nhà ở túi tiền hiện vẫn trong tình trạng khan hiếm.
Trong khi đó, nguồn cung mới hạng C giảm mạnh 45% mỗi năm từ 2020 xuống khoảng 1.300 căn trong 2024, mức thấp nhất thập kỷ.

Thị trường BĐS Bình Dương lọt vào "tầm ngắm" của nhiều nhà đầu tư. Ảnh minh họa
Nguồn cung sơ cấp giá dưới 50 triệu đồng/m2, giảm 20% theo năm và chỉ chiếm 15% tổng nguồn cung sơ cấp.
Trong khi đó, các giao dịch căn hộ cao cấp với mức giá trên 80 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng 2.118% theo năm, nguyên nhân do nguồn cung mới giá cao và các dự án hiện hữu đều đã tăng giá bán.
Việc thị trường BĐS tại TP. HCM khan hiếm quỹ đất cùng với chi phí phát triển dự án cao cũng được bà Giang Huỳnh - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và S22M của Savills TP. HCM nhận định và cho rằng đây là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư phải lựa chọn phân khúc sản phẩm sao cho đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu.
Theo đó, nếu như có quỹ đất ở vị trí chiến lược và gần trung tâm, các chủ đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn những phân khúc trung cấp hoặc cao cấp nhằm tối ưu hóa bài toán tài chính.

BĐS Đồng Nai và các khu vực lân cận lộ nhiều "điểm sáng". Ảnh minh họa
Bà Giang Huỳnh nhận định, thị trường TP. HCM trong thời gian ngắn hạn sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc trung và cao cấp và nếu như người mua muốn tìm những sản phẩm vừa túi tiền buộc họ sẽ phải di chuyển đến các khu vực trung tâm xa hơn.
Sự cân bằng của thị trường theo các chuyên gia sẽ được thiết lập khi nguồn cung được khởi thông. Điều này đòi hỏi nhiều quỹ đất hơn trong khu vực nội thành và ngoại thành. Dù vậy, nếu tính trong thời gian ngắn hạn thì thị trường TP. HCM vẫn là nơi hội tụ của các phân khúc trung và cao cấp.
Theo số liệu được Savills ghi nhận, trong năm 2024, căn hộ giá thấp hơn hoặc bằng 50 triệu đồng/m2 chỉ chiếm 18% tổng lượng bán, giảm mạnh so với năm 2020 khi phân khúc này chiếm gần 50% lượng bán, lượng giao dịch vì thế cũng tụt giảm đáng kể 39% mỗi năm, kể từ năm 2020.
Việc các căn hộ vừa túi tiền trong tình trạng khan hiếm khiến những người mua có ngân sách vừa phải sẽ tìm đến các thị trường lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Tại đây, giá của các căn hộ chỉ dao động từ 30-40 triệu đồng/m2. Chính sự dịch chuyển của nguồn cầu đã thôi thúc lượng giao dịch căn hộ tại tỉnh Bình Dương tăng trưởng đáng kể, hơn 200% theo năm.
Theo dự báo của Savills, trong năm 2025, có hơn 10.000 căn được dự kiến sẽ mở bán tại TP. HCM, trong đó, hạng B chiếm 54% tổng số căn.
Đến năm 2027, nguồn cung tương lai dự kiến đạt khoảng 46.000 căn, đến từ 69 dự án, trong đó TP. Thủ Đức dự kiến chiếm 52%, Bình Tân chiếm 11% và quận 7 chiếm khoảng 10%.