Aa

"Không sử dụng hình thức dự án BT mà Nhà nước trả bằng đất"

Thứ Bảy, 04/11/2017 - 06:01

Nhấn mạnh điều này, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị, cần sử dụng hình thức Nhà nước giao cho tổ chức phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá đất để có kinh phí xây dựng hạ tầng.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa có văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hiệu quả sử dựng đất xây dựng đô thị. Những kiến nghị này được đúc kết từ hội thảo “Tình hình sử dụng đất xây dựng đô thị nhằm nâng cao hiệu quản lý nhà nước”, do Tổng hội tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng.

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quản lý đất xây dựng đô thị còn tồn tại nhiều bất cập: Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hiệu quả sử dụng đất chưa cao.

Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị ở Việt Nam thường bị điều chỉnh phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư, nhằm giảm chi phí đầu tư cho nhiều hạng mục hạ tầng và bảo vệ môi trường trong các dự án. Chính sách thu hồi đất, phát triển đất có nhiều hạn chế, bất cập, thiếu công khai minh bạch, nhiều dự án biểu hiện lợi ích nhóm.

Ngoài ra, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo dự án (đặc biệt là các dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế) không phải là một phương thức hợp lý, luôn gây khiếu nại, khiếu kiện của người bị thu hồi đất, làm suy giảm lòng tin của dân, cần chuyển về cơ chế đảm bảo lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư.

tuyến đường nối từ Vành đai III tới đường 70 được thực hiện từ năm 2014 theo hình thức BT (đổi hạ tầng lấy đất).

Tuyến đường nối từ Vành đai III tới đường 70 được thực hiện từ năm 2014 theo hình thức BT. Ảnh: Trần Kháng.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Nhà nước chưa thực sự giữ vai trò định hướng cho phát triển của các đô thị, mà tư nhân và lợi ích tư nhân với sự đề xuất làm dự án đang là người dẫn đường cho phát triển đô thị. Trong các đô thị lớn, các dự án phát triển nhà ở quá nhiều nhưng hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển không tương ứng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thoát nước, xử lý nước thải và các công trình công cộng phục vụ cho các cộng đồng dân cư trong đô thị.

Tài chính đất đai chưa phát huy hết tiềm năng của nguồn lực đất đai. Vốn hóa đất đai chưa mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, cơ chế thiếu phù hợp, không thu được phần giá trị đất đai tăng lên do hạ tầng mang lại, chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao, làm cho chi phí phát triển quá lớn. Công tác thanh kiểm tra còn hạn chế, chế tài và xử phạt vi phạm không nghiêm, còn nhiều cơ chế xin - cho hoặc phạt cho tồn tại các vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng.

Từ các ý kiến trao đổi, khuyến cáo và phản biện tại hội thảo “Tình hình sử dụng đất xây dựng đô thị nhằm nâng cao hiệu quản lý nhà nước”, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị: Đất công được giao cho các dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch đô thị và thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Đối với các dự án phát triển đô thị, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sau đó đấu giá đất để các nhà đầu tư xây dựng dự án. Đối với các dự án phát triển khu đô thị mới, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu, cải tạo khu chung cư, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế “góp đất - điều chỉnh lại đất đai”, hoặc cơ chế “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đô thị” gắn với các yếu tố quản trị tốt về đất đai.

Mặt khác, cần chuyển các tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước. Không sử dụng hình thức dự án BT mà Nhà nước trả bằng đất, cần sử dụng hình thức Nhà nước giao cho tổ chức phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá đất để có kinh phí xây dựng hạ tầng. Triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở phải đồng bộ với các dự án phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, không để xảy ra tình trạng mất cân đối và quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong các đô thị.

Bên cạnh đó, Quản lý chặt chẽ việc đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch, hạn chế tình trạng bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, điều chỉnh cục bộ phá vỡ quy hoạch được duyệt. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất chia sẻ thông tin giữa các ngành trong việc thống kê đất đai, xây dựng hệ thống bản đồ để quản lý và nghiên cứu quy hoạch, phát triển đô thị. 

Ngoài ra, theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, năm 1993, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, nhờ đó đất xây dựng đô thị đã được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, nhận thức đất đai không chỉ là phương tiện xây dựng đô thị, mà còn là nguồn lực phát triển đô thị, đồng thời cũng là tài sản, hàng hóa đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân. Năm 2013, Luật Đất đai được bổ sung, hoàn thiện và được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2013, đất xây dựng đô thị chưa được công nhận và chưa được làm rõ. Trong khi Luật Quy hoạch đô thị 2009 đã thừa nhận đất xây dựng đô thị và cho rằng việc sử dụng hiệu quả đất xây dựng là một trong những mục tiêu chính để đảm bảo phát triển đô thị bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top