Aa

Đụng đâu sai đó, vì sao Hà Nội vẫn đề xuất hàng loạt dự án theo hình thức BT?

Chủ Nhật, 17/09/2017 - 05:02

Mặc dù mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra chỉ rõ 7/7 dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) bị kiểm tra đều dính sai phạm nhưng thời điểm này, Hà Nội vẫn đề xuất hàng loạt dự án theo hình thức đang gây tranh cãi này.

Như Reatimes đã đưa tin, giữa tháng 8 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội; trong đó chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện 7/7 dự án BT và kiến nghị thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Không những vậy, việc thực hiện các dự án theo hình thức BT này cũng được nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải chấm dứt vì tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng và lãng phí cao. Thế nhưng, thời gian gần đây, Hà Nội vẫn liên tiếp phê duyệt và đề xuất nhiều dự án theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Điển hình, đầu tháng 9/2017, báo chí đưa tin, Hà Nội đang chuẩn bị cho xây mới 5 cây cầu lớn qua sông Hồng và sông Đuống; trong đó có 4 dự án xây cầu mới được đề xuất theo hình thức BT, gồm: Cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.

Tổng kinh phí để đầu tư xây dựng mới 4 cây cầu lớn này là 32.500 tỷ đồng. Để có kinh phí xây dựng 4 cây cầu này, Hà Nội dự kiến sẽ phải thanh toán cho các nhà đầu tư quỹ đất 836ha, thuộc địa phận của 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên đều nằm ở khu vực phía Bắc Thủ đô.

Trước đó, ngày 16/4/2017, Hà Nội cũng đã phê duyệt thêm 2 dự án đường bộ theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.312,4 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường 70B thôn Tự Khoát đến đường liên thôn thuộc thôn Phương Nhị và Đường nối từ đường gom phía Tây đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Quốc lộ 1A do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (Hà Nội) đề xuất.

Tuyến đường dài khoảng 2,926 km. Thời gian thực hiện từ quý IV/2017 đến quý II/2019. Dự án trên có tổng mức đầu tư dự kiến là 738,2 tỷ đồng, do nhà đầu tư tự huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định.

Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất tại Khu đô thị phức hợp nhà ở và văn phòng Liên Ninh - Thanh Trì, với diện tích khoảng 278.770m2 để hoàn vốn đầu tư công trình BT.

Tuyến đường BT Lê Đức Thọ kéo dài của Hà Nội. Ảnh minh họa: Kháng Trần

Tuyến đường BT Lê Đức Thọ kéo dài của Hà Nội. Ảnh minh họa: Kháng Trần.

Còn dự án thứ hai là Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đề xuất.

Dự án có chiều dài toàn tuyến là khoảng 1,65km. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.574,2 tỷ đồng, do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định. Thời gian thực hiện từ quý IV/2017 đến quý II/2019.

Để hoàn vốn đầu tư dự án BT thứ 2 này, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất tại 3 khu đất trên địa bàn. Cụ thể, khu đất thứ nhất là Khu nhà ở Ao Mơ với diện tích khoảng 22,9ha; bao gồm 3,85ha diện tích tuyến đường mặt cắt 40m đi qua dự án.

Khu đất thứ hai là các ô đất thuộc Dự án Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 với diện tích khoảng 11,29ha; bao gồm 1,24ha diện tích tuyến đường mặt cắt 40m đi qua dự án.

Khu đất thứ ba là 3 quỹ đất do nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị Dự án BT và giá trị quỹ đất đối ứng, gồm: Dự án Ao Cây Dừa (diện tích đất khoảng 0,52ha); Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng (diện tích đất khoảng 11,9ha); Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì (diện tích khoảng 13ha).

Tiếp đó, ngày 19/6, Hà Nội cũng đã giao 15.000m2 đất tại phường Bồ Đề và Long Biên (quận Long Biên) cho Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới để thực hiện dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT.

Mới đây nhất, TP. Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề xuất một số dự án kết cấu hạ tầng giải quyết ùn tắc giao thông, dự án môi trường, dân sinh triển khai theo hình tức đối tác công tư (PPP) được áp dụng cơ chế đặc thù.

Theo UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn còn một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng giải quyết ùn tắc giao thông, dự án môi trường, dân sinh bức xúc cần khẩn trương triển khai đầu tư. Do đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất bổ sung thêm một số dự án được áp dụng cơ chế đặc thù.

Theo đó, ngoài 8 dự án giao thông, Hà Nội còn đề xuất 4 dự án môi trường, dân sinh bức xúc được áp dụng cơ chế đặc thù. Cụ thể, một là Dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1) để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước và chống úng ngập cho các quận phía Tây Hà Nội, thực hiện theo hình thức BT.

Hai là Dự án Hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở để thu gom, xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo chất lượng hồ trong các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, thực hiện theo hình thức BT/BOO.

Ba là Dự án Chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức để khôi phục lại dòng sông Đáy, cung cấp nước tưới cho các huyện phía Tây Hà Nội, thực hiện theo hình thức BT.

Bốn là Dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ, tiêu úng và cải thiện môi trường cho 1.995 ha khu vực huyện Thanh Trì, thực hiện theo hình thức BT.

Xung quanh việc thực hiện các dự án BT ở Hà Nội, Reatimes đã liên hệ với một số Ban của Hội đồng Nhân dân TP để hỏi thông tin liên quan nhưng đều bị từ chối.

Trong khi đó, trao đổi với Reatimes, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ông luôn luôn không đồng tình biện pháp làm BT vì thiếu sự minh bạch.

Theo ông, B là xây dựng. Trong xây dựng, hình thức phổ biến là người ta thường tổ chức đấu thầu để chọn một nhà thầu nào đưa ra giá thấp nhất, nhưng trong khi thực hiện hình thức BT thì không có việc đó.

Còn T là chuyển giao để đổi lấy đất. Đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vị trí của nó, nếu dùng để xây dựng. Cái yếu tố này chỉ được đánh giá thông qua đấu giá.

Thông thường, trong đấu giá ai trả cao nhất thì người đó được. Tuy nhiên, giá ở dự án BT này cũng không có đấu giá đất, đấu thầu dự án cho nên nó không tuân thủ các quy tắc giá cả của thị trường, vì thế rất dễ bị lợi dụng.

“Chẳng hạn, nếu hai bên thông đồng nhau, tức là chính quyền và nhà đầu tư thông đồng với nhau, họ nâng giá công trình lên rất cao và hạ giá đất xuống rất nhiều. Trong khi thông đồng đấy họ phải chuyển một phần tiền đó cho anh ký quyết định.Như vậy, với một việc không minh bạch như thế có thể sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng, cho nên tôi rất phản đối”, ông Liêm nói.

Còn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì lo ngại, các dự án làm theo hình thức BT sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS bởi phần lớn các nhà đầu tư hiện nay đều đòi đất ở.

“Đòi đất ở sẽ dẫn đến tăng dự án nhà ở lên quá nhiều, thậm chí nhiều dự án không thuộc quy hoạch là đất ở cũng được làm chung cư cao tầng, điều này dẫn đến cạn kiệt đất đai, thiếu đất cho công viên, hồ nước… khiến quy hoạch mất cân bằng”, GS Võ cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top