Aa

Khu đô thị Ciputra: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiểu “bóc lột hạ tầng”

Thứ Sáu, 03/05/2019 - 21:00

Đề xuất điều chỉnh quy hoạch một số ô đất trong Khu đô thị Ciputra đang gặp phải sự phản đối gay gắt của cư dân. Nhiều người gọi đây là quy hoạch kiểu “bóc lột hạ tầng”…

Đất công cộng thành… chung cư, khách sạn

Tháng 1/2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội có Văn bản số 428/QHKT-P2 gửi UBND TP. Hà Nội, về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) giai đoạn 2 tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm theo đề nghị của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Công ty Nam Thăng Long). Các ô đất được đề xuất điều chỉnh gồm I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX và TM-13, P-14.

Theo quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ciputra giai đoạn 2, tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 114/2004/QĐ-UBND ngày 28/7/2003: Ô đất TM-13 có diện tích 54.977m2. Trong đó, đất chức năng thương mại hỗn hợp có diện tích 39.372m2. Đất sân, vườn, đường nội bộ có diện tích 15.605m2. Mật độ xây dựng 33,1%. Tầng cao trung bình 16,3 tầng (5 công trình cao từ 5-47 tầng). Ô đất I.B.29-NO có diện tích 35.420m2. Trong đó, đất nhà ở cao tầng có diện tích 28.108m2. Đất đường vào nhà có diện tích 7.312m2. Ô đất P-14 diện tích 13.389m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung…

Đại diện cư dân Ciputra trao đổi với phóng viên.

Cư dân Ciputra trao đổi với phóng viên.

Trong Văn bản số 428/QHKT-P2, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hà Nội, cho biết Công ty Nam Thăng Long đề xuất điều chỉnh chức năng sử dụng ô đất I.B.29-NO từ xây nhà cao tầng sang đất xây dựng nhà thấp tầng.

Và, để đảm bảo cho cái gọi là “cân đối được các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, dân số phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, tăng tầng cao với yêu cầu giảm mật độ xây dựng…”, Công ty Nam Thăng Long đề xuất điều chỉnh chức năng sử dụng đất ô TM-13 từ đất thương mại hỗn hợp (công cộng đô thị - pv) sang đất hỗn hợp (thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng). Theo đó, sẽ có 8 công trình cao tầng (1 tòa nhà TMDV, văn phòng, khách sạn cao 68 tầng; 1 tòa nhà TMDV, văn phòng cao 50 tầng; 2 tòa nhà thương mại và chung cư cao 45 tầng; 4 tòa nhà TMDV và khách sạn cao 45 tầng) và 3 tầng hầm để xe, trong đó tầng hầm 1 sử dụng một phần diện tích sàn làm chức năng thương mại, dịch vụ thay cho 5 công trình thương mại với chiều cao từ 5 - 47 tầng như quy hoạch cũ.

Bên cạnh đó, Công ty Nam Thăng Long còn đề xuất điều chỉnh lại ranh giới ô P-14, cho hạ ngầm với quy mô 03 tầng hầm để xe. Trong đó, tầng hầm 1 bố trí một phần diện tích sàn với chức năng thương mại, dịch vụ; 8.000m2/tầng và dành diện tích đất trên mặt đất bố trí cây xanh kết hợp tổ chức không gian đồng bộ với ô TM-13.

Hàng trăm cư dân Ciputra ký đơn phản đối đề xuất điều chỉnh quy hoạch.

Hàng trăm cư dân Ciputra ký đơn phản đối đề xuất điều chỉnh quy hoạch.

Hơn 1 tháng sau (ngày 27/2/2019), UBND TP. Hà Nội có Thông báo số 212/TB-UBND, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thống nhất về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất theo Văn bản số 428/QHKT-P2 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hà Nội.

Riêng ô đất TM-13 và P-14, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu: “Sở Quy hoạch – Kiến trúc báo cáo, làm rõ sự phù hợp quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện đối với việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch, trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh (sự phù hợp quy hoạch, khả năng đáp ứng hạ tầng) phải bảo đảm sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi đề xuất điều chỉnh”. Ngay khi nhận được thông tin có đề xuất điều chỉnh quy hoạch, 100% cư dân đã bày tỏ sự không đồng tình.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, tại Khu đô thị Ciputra có nhiều dự án thành phần đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Nếu toàn bộ các đề xuất được chấp thuận, dân số sau điều chỉnh sẽ là 24.940 người, so với quy hoạch tại Quyết định 114/2004/QĐ-UB là 17.621 người.

Điều chỉnh là… bội ước!

Trao đổi với Reatimes, bà Trần Thị Xuyên, Tổ trưởng tổ dân phố Ciputra cho biết: "Ngay sau khi nhận được Văn bản số 428/QHKT-P2 và Thông báo số 212/TB-UBND, chúng tôi đã gửi những văn bản này tới hơn 500 hộ dân Ciputra để trưng cầu dân ý. Những ngày sau đó, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn… phản đối đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cư dân yêu cầu tổ dân phố triệu tập ngay cuộc họp". 

“Ngày 18/4/2019, chúng tôi tổ chức cuộc họp với gần như đầy đủ đại diện các hộ gia đình ở tổ dân phố để lấy ý kiến. Tại cuộc họp, 100% người dân phản đối việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Ngày 27/4/2019 chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới các cơ quan chức năng TP. Hà Nội”, bà Xuyên thông tin.

Tiếp lời bà Xuyên, ông Đỗ Đức Du (cư dân Ciputra) cho rằng đề xuất điều chỉnh quy hoạch này là không phù hợp, không có căn cứ, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị. “Nội dung điều chỉnh bản chất phục vụ việc đầu tư, kinh doanh của chủ đầu tư, không vì lợi ích của cư dân”, ông Đỗ Đức Du nêu ý kiến. 

Đề xuất điều chỉnh quy hoạch của Công ty Nam Thăng Long.

Vị trí và bản vẽ các ô đất đề xuất điều chỉnh.

Trong đơn gửi tới cơ quan chức năng, đại diện các cư dân đánh giá đối với quy hoạch cũ, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu Ciputra đang tạm đủ phục vụ dân cư hiện nay, chưa đáp ứng được đầy đủ nếu người dân về cư trú đúng như quy hoạch. Thế nhưng, theo phương án điều chỉnh quy hoạch mới dân số có thể tăng gấp đôi quy hoạch cũ, trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi.

Đại diện các cư dân kịch liệt phản đối phương án điều chỉnh quy hoạch và gọi đây là một quy hoạch theo kiểu “bóc lột hạ tầng”. Bên cạnh đó, đại diện các cư dân còn khẳng định khi bỏ tiền ra mua nhà tại Ciputra, là bao gồm cả dịch vụ và tiện ích. Nay chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch là bội ước, thậm chí “lừa dối” cư dân.

Đại diện các cư dân mong muốn UBND TP. Hà Nội lắng nghe ý kiến của cư dân, xem xét đúng pháp luật không chấp thuận việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 theo đề xuất của Công ty Nam Thăng Long và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top