Aa

Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm: Mong trở lại “ngày xưa”

Thứ Ba, 12/09/2017 - 14:01

Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm: Mong trở lại “ngày xưa”; FDI thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước; TP.HCM không đồng ý xây dựng căn hộ thương mại 25m2; Xây bảo tàng nghìn tỷ: Không triển khai lúc này vẫn cần vốn duy trì hoạt động;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm: Mong trở lại “ngày xưa”

Cách đây hơn 10 năm, sở hữu một căn chung cư ở Linh Đàm từng là mơ ước của nhiều gia đình. Khu đô thị này được quy hoạch bài bản và được gắn tên là khu đô thị kiểu mẫu với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người. Khu đô thị Linh Đàm không chỉ là niềm tự hào của những cư dân sở tại, mà còn là niềm tự hào của chính chủ đầu tư.

Còn nhớ năm 1995-1996, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), lúc đó chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, đã được giao nhiệm vụ xây dựng Khu đô thị mới Linh Đàm. Chính Khu đô thị Linh Đàm đã giúp HUD trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản.

Mật độ xây dựng tại Khu đô thị Linh Đàm hiện nay khá dày đặc - Ảnh: Dũng Minh.

Mật độ xây dựng tại Khu đô thị Linh Đàm hiện nay khá dày đặc - Ảnh: Dũng Minh.

Đặc biệt, Linh Đàm còn là niềm tự hào của chính đội ngũ kiến trúc sư và được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục là một trong những người được mời thiết kế cho dự án chia sẻ: “Cho tới nay, khu nhà ở Bắc Linh Đàm vẫn là một mô hình rất bền vững. Một khu đô thị vẫn giữ được phố của người Việt trong khu. Dân có phố, vừa có sân trong, khu sinh hoạt chung. Quy hoạch chung với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chiếm 23%.

Chúng tôi áp dụng tính nhiệt đới hóa, tức toàn bộ các căn hộ được đón hướng Nam - Bắc, tránh toàn bộ hướng Tây. Nhờ tính nhiệt đới hóa toàn khu, các gia đình ít khi phải sử dụng điều hòa. Kiến trúc sư tạo thông gió cho các căn hộ rất chu đáo.

Mặt nhà quay ra tiếp xúc với thiên nhiên khoảng 10 m dài/căn hộ. Cho tới bây giờ chưa có căn hộ của chung cư nào phá vỡ kỷ lục của bán đảo Linh Đàm. Đây là khu đô thị đầu tiên của Hà Nội có trang bị thang máy đạt chuẩn xây dựng quốc tế trong các khu nhà ở”.

Xem chi tiết tại đây.

FDI thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước

Theo công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục thu hút đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI giải ngân đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sự gia tăng FDI phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất và dẫn tới kết quả là quá trình thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghiệp.

Tháng 5 vừa qua, Hemaraj Land & Development của Thái Lan và Cienco 4 của Việt Nam đã chính thức xác nhận hợp tác liên doanh thành lập khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD, trên 3.200 ha đất ở Nghệ An. 

Bên cạnh việc là động lực phát triển hạ tầng công nghiệp, FDI cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của các phân khúc khác trong thị trường bất động sản. Cả hai mảng văn phòng và khách sạn đều cho thấy nhu cầu cao, gia tăng diện tích thuê và hiệu suất thuê ổn định.

Trong khi những phân khúc này đang ngày càng trở nên hấp dẫn, các tài sản hoạt động vẫn nhận được sự chú ý hơn từ phía các nhà đầu tư, ngoại trừ các dự án mới tại các khu vực đắc địa nằm trong trung tâm TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, với nguồn cung ngày càng hạn chế, thị trường đang chứng kiến sự gia tăng về giá trị của dự án ở tất cả các phân khúc.

Xem chi tiết tại đây.

Đại gia tỉnh lẻ đang tấn công thị trường BĐS thành phố lớn

Vào năm 2014, vụ chuyển nhượng lô đất D25 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy khiến thị trường xôn xao. Công ty Licogi 16 (LCG) đã bán lại lô đất với giá khoảng 143 tỷ đồng do không còn tiền để đầu tư.

Doanh nghiệp mua lại là Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa, người đứng sau là ông Trương Lâm, một đại gia tại tỉnh này. Tuy nhiên, điều mà thị trường bất ngờ chính là tiến độ triển khai dự án. Chỉ mới xây dựng từ khoảng giữa năm 2016, nhưng tốc độ của dự án khiến nhiều doanh nghiệp khác phải “thèm thuồng”.

Một dự án đang xây dựng của Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa. Ảnh: Hiếu Công.

Một dự án đang xây dựng của Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa. Ảnh: Hiếu Công.

Dự án của đại gia Thanh Hóa có quy mô gồm 2 tòa nhà. Tòa thứ nhất cao 25 tầng làm văn phòng cho thuê. Tòa nhà thứ 2 cao 35 tầng là khu căn hộ để bán. Nối liền 2 tòa tháp với nhau là 3 tầng hầm để xe và khối đế làm trung tâm thương mại (5 tầng).

Hiện tại, tòa văn phòng cho thuê đã xây đến tầng thứ 20, khu căn hộ đã lên tới tầng 30. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thiện trong năm 2017. Giá bán căn hộ đang được chào là 30-35 triệu đồng/m2.

Cuối tháng 7, một đại gia khác tại Lào Cai là Tập đoàn Nam Tiến cũng ra mắt một dự án condotel tại Nha Trang với khách hàng Hà Nội. Nhiều người dường như bất ngờ với việc một đại gia vốn làm thủy điện, đường giao thông tại Lào Cai gia nhập lĩnh vực bất động sản.

Xem chi tiết tại đây.

TP.HCM không đồng ý xây dựng căn hộ thương mại 25m2

Ngày 11/9, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản 5657/UBND-ĐT về quy định diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư. Đây là văn bản ban hành sau khi rà soát Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Văn bản nêu rõ tiêu chuẩn diện tích của từng loại nhà ở thương mại do chủ đầu tư dự án lựa chọn, nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở và nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo UBND TP.HCM, nhà thương mại có diện tích 25 m2 dễ dẫn đến nguy cơ

Theo UBND TP.HCM, nhà thương mại có diện tích 25 m2 dễ dẫn đến nguy cơ "ổ chuột trên cao". Ảnh: Liêu Lãm.

Đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có diện tích sàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Theo đó, diện tích tối thiểu căn hộ trong nhà ở chung cư là 30 m2 đối với nhà xã hội; 45 m2 đối với nhà thương mại.

Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, diện tích mỗi căn hộ tối thiểu 25 m2 sàn, tối đa 70 m2 sàn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

TP.HCM đưa ra kiến nghị, hiện nay thành phố có tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại loại hình căn hộ chung cư diện tích nhỏ (dưới 45 m2/căn) sẽ làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình này. Qua đó, làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện bị quá tải. Điều này cũng phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị. 

Xem chi tiết tại đây.

Xây bảo tàng nghìn tỷ: Không triển khai lúc này vẫn cần vốn duy trì hoạt động

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỉ đồng. Liên quan đến việc triển khai dự án, mới đây Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia đang giẫm chân tại chỗ do không có tiền.

Ngày 11/9, Bộ Xây dựng có thông cáo báo chí về tính hình triển khai dự án này.

Phối cảnh bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỉ đồng.

Phối cảnh bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, đề án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/2006-TTg ngày 19/12/2006. Để triển khai dự án phù hợp với tình hình kinh tế xã hội chung của đất nước, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Trong điều kiện hiện nay ngân sách nhà nước còn khó khăn, đồng thời công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng Quốc gia cần được nghiên cứu, thực hiện hết sức kỹ lưỡng, vì vậy trong giai đoạn từ 2015-2020 yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu kỹ, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục đầu tư theo quy định”.

Đồng thời chỉ đạo: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kinh phí đầu tư năm 2015 cho dự án. Giao Bộ Xây dựng chuẩn bị kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phấn đấu khởi công dự án vào 2021, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024.

Xem chi tiết tại đây.

Giá nhà ở Việt Nam cao gấp 25 lần thu nhập người trung bình

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tich HoREA cho rằng giá nhà ở Việt Nam đang quá cao so với thu nhập của người dân. Ông Châu dẫn ví dụ, giá nhà ở Hàn Quốc đắt gấp 5-6 lần so với thu nhập của người dân. Trong khi đó giá nhà vừa túi tiền ở nước ta cao gấp 20-25 lần so với người có thu nhập trung bình. Điều đó cho thấy giá nhà ở Việt Nam cao quá sức chịu đựng so với đại bộ phận người lao động có mức thu nhập trung bình.

Đối với lượng người thu nhập thấp hơn thì giấc mơ an cư có thể coi là xa vời. Theo HoREA, dân số thực của TP.HCM hiện nay xấp xỉ 13 triệu người và có thêm khoảng 3 triệu người dân nhập cư. Đáng báo động là trong số đó những người nghèo đang dần dần mất khả năng mua nhà. Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang khiến người thu nhập thấp bị “cô lập” so với thị trường địa ốc.

“Nhà ở giá rẻ thời gian qua không đạt được như kỳ vọng và nhu cầu người dân. Ngoài nguồn cung sản phẩm phải có tín dụng đi kèm hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp”- ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói. Theo ông Châu, tại TP.HCM đã từng có các sản phẩm nhà ở tư nhân đầu tư có giá chỉ 7,9 đến 14 triệu đồng/m2, nhà cho thuê 49 năm nhưng các chủ đầu tư này không được hỗ trợ phát triển và các sản phẩm này hiện có rất ít. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội chủ đầu tư không còn nguồn tín dụng hỗ trợ dẫn đến phải xin trả dự án. Mặt khác, vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong việc tạo dòng tín dụng này cũng chưa hiệu quả. 

Xem chi tiết tại đây.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top