Aa

Khu đô thị thiếu công trình hạ tầng xã hội: Gánh nặng “đè” các địa phương

Chủ Nhật, 09/02/2020 - 06:20

Thực trạng thiếu các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt với trường học trong các khu đô thị mới tại Hà Nội không còn là vấn đề mới trong nhiều năm qua.

Tình trạng sẽ trầm trọng hơn, áp lực ngày càng đè nặng lên các địa phương nếu các quy định pháp luật, chế tài xử lý các chủ đầu tư cố tình chây ì hoặc chậm triển khai xây dựng các công trình này không sớm được hoàn thiện.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn bị lãng quên

Từ khi Hà Nội mở rộng năm 2008, trong các bản quy hoạch đều lấy tôn chỉ cải thiện điều kiện sống của người dân như tăng cường diện tích trường học, nhà trẻ, bệnh viện… Tuy nhiên, trên thực tế diện tích đô thị được mở rộng, hàng loạt khu đô thị mới (KĐTM) mọc lên đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở của người dân nhưng các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thì không được phát triển song hành.

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng được xây dựng trên một phần đất di dời của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (67 Ngô Thì Nhậm).

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn TP có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này có rất nhiều dự án KĐTM, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm xây dựng so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Điển hình như tại các dự án: KĐTM Phùng Khoang; Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì; KĐT Xuân Phương – Viglacera; KĐT Thành phố giao lưu; KĐT Ngoại giao đoàn; KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng; khu chức năng đô thị Ao Sào; khu đô thị mới Cầu Bươu; khu nhà ở Thạch Bàn; khu đô thị Đặng Xá…

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được các chuyên gia phân tích là do việc xây dựng các công trình xã hội ít thu được lợi nhuận nên các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Thậm chí nhiều chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai. Theo KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thông thường khi thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có trường học.

Tuy nhiên, khi thực hiện các chủ dự án đã lờ đi những tiêu chuẩn, quy chuẩn của trường học mà tập trung vào bất động sản. Thậm chí, có những khu đô thị vẽ ra trường học nhưng ngay dân cư ở khu đô thị cũng không đủ tiền vào học trong đó. Người dân phải vào các trường công ở khu dân cư cũ học chung.

Việc chủ đầu tư không tuân thủ quy hoạch trong thực hiện các dự án xây dựng KĐTM đã tạo ra áp lực không nhỏ cho địa phương. Một số địa phương phải dùng vốn Nhà nước đầu tư công trình giáo dục phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống trong khu vực dự án. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, trong những năm gần đây, quận dành kinh phí lớn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học của các nhà trường.

Năm học 2019 - 2020, quận đưa vào sử dụng 5 trường công lập mới, trong đó có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 2 trường THCS. Tuy vậy, Thanh Xuân là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm gần đây, nhiều chung cư được xây dựng và đi vào hoạt động. Với lượng "nhập cư" đông đúc, không thể tránh khỏi lượng học sinh đăng ký vào các trường trên địa bàn tăng vọt theo hàng năm.

Cần chế tài đối với chủ đầu tư

Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các cấp tại địa phương.

Trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng được xây dựng trên một phần đất di dời Nhà máy Rượu Hà Nội (94 Lò Đúc). Ảnh: Vũ Lê

Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng. Như vậy, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ và bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận trên thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp tại các địa phương còn chưa được đầy đủ và đồng bộ.

Những quy định hiện hành về việc xử lý các chủ đầu tư cũng còn những bất cập. Cụ thể, Điều 35, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý đầu tư phát triển đô thị” quy định: Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân. Trong khi đó, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở” chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần có chế tài buộc chủ đầu tư phải thực hiện công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu của dự án trước khi thực hiện các công trình nhà ở.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, để giải quyết được tình trạng thiếu trường học tại các KĐTM, bên cạnh sự cần thiết chế tài đủ mạnh của Nhà nước đối với các chủ đầu tư còn rất cần sự quyết tâm vào cuộc của chính của địa phương. Nếu có quyết tâm thì sẽ có những cách làm sáng tạo, vấn đề dù có được coi là khó vẫn có thể giải quyết ổn thỏa.

Lấy ví dụ như quận Cầu Giấy, nhiều điểm trường đã được xây dựng từ việc giành lại từ những dự án bất động sản như cơ sở trường Hà Nội Amsterdam là một điển hình. Hay như tại quận Hai Bà Trưng, nhờ việc quyết tâm “giữ đất” của chính quyền, quận đã xây dựng được nhiều trường học tại các khu đất “vàng” như trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)…

"Bên cạnh việc xử phạt bằng tiền chủ đầu tư chậm thi công các công trình công cộng, khi cấp phép dự án, Nhà nước cần có quy định buộc chủ đầu tư phải ký quỹ vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước khoản tiền tương ứng với giá trị các hạng mục công trình công cộng trong dự án. Khoản tiền này là nguồn tài chính bảo đảm, sẽ được giải ngân khi chủ đầu tư thi công công trình công cộng trong dự án theo quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt." - Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội - KTS. Trần Huy Ánh


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top