Aa

Khu Đông TP.HCM: Chưa kịp hiện đại đã quá tải

Thứ Hai, 23/04/2018 - 20:01

Việc đi tắt đón đầu của doanh nghiệp bất động sản đã khiến khu Đông TP.HCM tăng trưởng nhanh chóng về số dự án và quy mô dân số, gây áp lực lớn lên hạ tầng mà khu vực này chưa kịp hoàn thiện.

Hàng ngàn xe cộ kẹt cứng trên Xa lộ Hà Nội hướng vào trung tâm thành phố. Ảnh: Minh Quân

Hàng ngàn xe cộ kẹt cứng trên Xa lộ Hà Nội hướng vào trung tâm thành phố. Ảnh: Minh Quân

Dù thực tế, khu Đông TP.HCM (gồm quận 2, 9, và Thủ Đức) là nơi được đầu tư hạ tầng cơ bản khá tốt và là thỏi nam châm hút nhà đầu tư, song do số dự án tăng quá nhanh nên khiến hạ tầng bị đè nặng, dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các trục đường dẫn vào trung tâm thành phố.

Đi hướng nào cũng tắc

Nếu như trước đây, khu Đông được các doanh nghiệp địa ốc chú ý phát triển các dự án đất nền để bán, thì nay đang thu hút số lượng lớn các dự án căn hộ. Bởi theo quy hoạch đến năm 2025, khu Đông sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TP, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô trọng điểm. Nắm bắt được nhu cầu nhà ở của hàng chục ngàn lao động tri thức, nhiều dự án căn hộ đang đua nhau mọc lên ở khu vực này.

Hiện hầu hết đại gia địa ốc đều có dự án lớn tại khu Đông, như Đại Quang Minh với khu đô thị Sa La, Novaland với một loạt dự án ở quận 2, quận 9, với tổng cộng hàng chục nghìn căn hộ. Đó là chưa kể các chủ đầu tư khác như Thủ Đức House, Khang Điền, Đất Xanh, Phúc Khang, Hưng Thịnh, Nam Long…, cũng đều có những dự án lớn đã và đang đầu tư ở khu vực này. Một số dự án khác dự kiến công bố trong năm 2018.

Khi các dự án trên hoàn thành và đưa vào sử dụng, có khả năng "hút" thêm hàng chục ngàn người vào đây sinh sống trong khi tiện ích bên ngoài chưa được quan tâm đúng mức sẽ tạo ra nhiều áp lực lớn cho cuộc sống. Cụ thể, hạ tầng giao thông, đáng kể nhất là xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ và tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đang bị một sức ép nặng từ các dự án nhà ở và các khu đô thị đang mọc lên san sát.

Từ các quận 2, 9, Thủ Đức vào khu vực trung tâm TP.HCM, người dân thường đi theo ba hướng chính: đi xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn vào trung tâm, qua đại lộ Đông Tây theo hầm Thủ Thiêm vào trung tâm hoặc chọn đường xa hơn là Phạm Văn Đồng để về trung tâm.

Theo ghi nhận vào các buổi sáng, lượng xe máy từ quận 2 theo đường Mai Chí Thọ qua hầm sông Sài Gòn rất đông. Tuyến này có 3 làn xe máy và 4 làn ô tô nhưng khi vào hầm sông Sài Gòn thì bị bóp nghẹt, chỉ còn 1 làn cho xe máy và 2 làn cho ô tô. Theo Trung tâm QL đường hầm sông Sài Gòn, trung bình mỗi ngày có 230.000 lượt xe máy và 43.000 lượt ô tô qua hầm. Trước tình trạng hai đầu hầm sông Sài Gòn thường xuyên bị ùn tắc, cuối năm 2017, Sở GTVT TP phải mở thêm 1 làn đường cho xe máy ở 2 đầu hầm và giờ cao điểm cho tạm ngưng ôtô vào hầm sông Sài Gòn để xe máy đi vào làn ôtô.

Tương tự, xa lộ Hà Nội cũng thường xuyên ùn tắc tại ngã tư Thủ Đức (địa bàn giáp ranh quận Thủ Đức và quận 9) và ngã tư MRK (quận 9). Có những buổi hàng xe kéo dài "chôn chân" hơn cả tiếng mới thoát ra khỏi điểm kẹt. Đặc biệt trên tuyến đường này, các loại xe trọng tải lớn thường xuyên hoạt động và xảy ra nhiều vụ tai nạn gây kẹt xe cục bộ.

Người dân đi đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) thường bị nghẽn tại các giao lộ với đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), Lê Quang Định (quận Gò Vấp) khiến việc di chuyển khó khăn. Từ giữa năm 2016, Sở GTVT TP phải cho xe máy chạy vào một làn ô tô trong giờ cao điểm nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông trên tuyến đường này. 

Các dự án bất động sản mọc lên san sát nhau dọc Xa lộ Hà Nội, nơi có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dần hình thành. Ảnh: Minh Quân.

Các dự án bất động sản mọc lên san sát nhau dọc Xa lộ Hà Nội, nơi có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dần hình thành. Ảnh: Minh Quân.

Quy hoạch có nhưng thiếu vốn để làm

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong quy hoạch về giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007 (điều chỉnh bổ sung vào năm 2013), TP.HCM cần xây dựng 21 cầu và hầm vượt sông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn, để đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông. Đến nay đã có 14 cầu và hầm được xây dựng và đưa vào sử dụng. TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó riêng cầu bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có 3 cây cầu là Thủ Thiêm 2 (nối từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ quận 7).

Ngoài ra, sẽ xây thêm các cầu Phú Thuận (đường vành đai 4), cầu Bình Gửi (đường vành đai 3), cầu Bình Quới (quận Thủ Đức), cầu Rạch Các 3 cho tuyến đường sắt đôi ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Tuy nhiên, thời điểm thực hiện các dự án này còn tùy thuộc... nguồn lực của TP.HCM.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP thừa nhận tốc độ phát triển đô thị khu vực phía Đông TP.HCM đang tăng nhanh nên lưu lượng phương tiện ở các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ... tăng theo, khiến áp lực giao thông ở khu vực này rất lớn. Theo ông Cường, ngoài việc thực hiện các giải pháp điều tiết, phân luồng giao thông, cần nhanh chóng triển khai các dự án trên thì mới có thể giải quyết căn cơ. Ngoài ra, Sở GTVT TP đang cùng Sở Xây dựng TP đề ra các quy chế phối hợp trong một số nội dung để giảm ảnh hưởng giao thông. Cụ thể, trong quá trình nhận hồ sơ của nhà đầu tư, các đơn vị phải chú ý khu vực nào gây tác động lớn tới giao thông bên ngoài cũng như lên phương án điều chỉnh.

Một lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM chia sẻ, quy hoạch hạ tầng để giải quyết giao thông cho khu Đông đã có, nhưng vốn để phát triển không đáp ứng. Tất cả đều trông cậy vào vốn vay ODA, ngân sách. Trong khi đó, các dự án căn hộ thương mại doanh nghiệp huy động được vốn từ rất nhiều nguồn, nên phát triển nhanh chóng, bỏ lại hạ tầng một khoảng xa, và đó là bài toán đón đầu hạ tầng săn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Việc phát triển dự án dựa vào kỳ vọng tương lai đang đưa hạ tầng khu Đông vào cuộc rượt đuổi không cân sức với các dự án nhà ở thương mại. Nếu không có kế hoạch thực hiện quy hoạch với lộ trình rõ ràng, xác định nguồn lực để đầu tư các tuyến đường, cầu kết nối theo thứ tự ưu tiên thì hạ tầng giao thông ngày càng bị bỏ xa so với tốc độ phát triển của dự án và dân số.  

Theo ông Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, một trong những nguyên tắc cơ bản trong phát triển đô thị là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải “đi trước một bước” mới đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững. Vấn đề hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thường đi sau việc xây dựng nhà cửa.

Đáng lẽ, sau khi có quy hoạch xây dựng, các cơ quan chức năng phải lập kế hoạch phát triển đô thị, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới đâu thì cho phép xây dựng nhà cửa tới đó.

KTS Võ Kim Cương cho rằng, trách nhiệm của nhà nước là phải đánh giá được nhu cầu ở của người dân, có kế hoạch và tìm mọi cách huy động kinh phí đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách hợp lý để người dân có điều kiện tạo lập nhà ở. Nơi nào người dân ở nhiều, phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị, thành phố phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào đây hoặc có kế hoạch xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hài hòa được lợi ích của người dân và lợi ích của cộng đồng, của thành phố là nguyên tắc cơ bản để xây dựng thành phố phát triển bền vững. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top