Nhà chung cư A10 và A 11 thuộc Tổ dân phố số 1 phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội được xây từ năm 1988 với kết cấu bê tông lắp ghép, hiện nay đã xuống cấp, các đơn nguyên đều bị tách rời ra, nước từ tầng trên thấm xuống tầng dưới. Tình trạng các căn hộ cải tạo, chia đôi, sát nhập,... đã làm phát sinh nhiều sửa chữa, cơi nới, thêm nhiều ống cấp, thoát nước dẫn đến chắp vá, thấm dột, ngay như tầng thượng của tòa nhà cũng bị rạn nứt ngấm nước mưa.
Ông An - Tổ trưởng dân phố số 1 phường Nghĩa Tân, cho biết: “Tổng hộ dân của tòa nhà A10 và A 11 là 85 hộ với 674 nhân khẩu. Năm 2002, đã có chủ đầu tư đến đây khảo sát, họp và lấy ý kiến người dân, hầu hết cư dân ở 2 tòa nhà này đều đồng thuận với chủ trương xây dựng lại chung cư mới, nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.
Nhiều ý kiến người dân không muốn khu chung cư mới quá cao dẫn đến tăng mật độ dân số. Với những hộ dân hiện đang ở tầng 1 vẫn muốn tái định cư lại ở tầng 1 để tiện kinh doanh. Nhưng theo phương án của chủ đầu tư dự định những căn hộ hiện ở mỗi tầng sẽ chuyển lên cao thêm một tầng sau khi xây xong chung cư mới, có nghĩa đang ở tầng một thì sau này sẽ lên tầng hai, và cứ như vậy tiếp theo.
Vấn đề chất lượng xây dựng và bảo dưỡng công trình sau khi hoàn thành cũng được người dân đặc biệt quan tâm, cũng như việc cấp lại sổ đỏ cho từng căn hộ cũng được người dân đặt nhiều câu hỏi”.
Theo Bà Yến, thường trú tại khu tập thể A10 - A11: “Từ năm 2013 đã có 2 doanh nghiệp đến đây lấy ý kiến người dân thực hiện dự án xây chung cư mới. Nhưng một số quy định về hệ số đền bù cũng chưa phù hợp, ví dụ sau khi xây dựng cải tạo xong có tòa chung cư yêu cầu hệ số 1.5, cao nhất là 2.8 (1m2 đang ở sau khi xây xong người dân phải được nhận từ 1,5m2 - 2,8m2).
Chưa kể nhiều căn hộ nguyên bản ở đây chỉ 8 -10m2, khi đền bù nhân hệ số lên chỉ khoảng 20m2, vẫn bé hơn căn hộ theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là tối thiểu phải từ 25m2 trở lên... Theo bà Yến, gần như các hộ dân ở tầng 1 của khu tập thể đều phản đối vì họ cho rằng giá tiền đền bù quá rẻ, không thể bù lại được thu nhập hàng tháng từ việc cho thuê hoặc kinh doanh mặt bằng hiện tại”.
Cũng theo ông An: “Người dân khá lo lắng về việc tạm cư trong thời gian xây dựng lại tòa nhà, họ băn khoăn nếu đi tạm cư quá xa nơi ở cũ sẽ ảnh hưởng đến đời sống bởi công việc của họ, chỗ học của các con hiện đang trong địa bàn phường, nay tạm cư cách nơi ở cũ hàng chục km thì mọi sinh hoạt sẽ xáo trộn.
Hơn nữa với hệ số sau khi xây dựng mới, những phần mét vuông vượt hơn diện tích cũ nếu có giá thành cao quá thì người dân khó có thể chi trả bởi đa số người dân ở khu tập thể này là về hưu, có thu nhập thấp, vậy giải quyết ra sao,…?”.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.516 khu tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ dân cư hầu hết đã tăng gấp đôi, gấp ba so với thiết kế ban đầu. Những khu tập thể cũ có quy mô lớn với hàng nghìn hộ dân sinh sống có thể kể đến như Nghĩa Tân, Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Quỳnh Mai, Văn Chương...
Hầu hết các khu tập thể cũ ở Hà Nội đều không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên dẫn đến nhiều khu xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư và tập thể cũ được xây dựng lại còn quá ít.
Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, 10 khu chung cư cũ được thành phố ưu tiên triển khai trong đợt 1 là 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ TP. Hà Nội đề nghị UBND các quận khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D, khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.