Nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội bị ảnh hưởng rất nặng từ vụ đổ ngôi nhà số 49 bên cạnh từ đầu năm 2011. Trong quá trình đổ, ngôi nhà số 49 cao 5 tầng đã va chạm vào khu tập thể số 51 Huỳnh Thúc Kháng, làm sạt lở mấy căn hộ ở tầng 3 và tầng 4. Vụ sập nhà đã kéo theo ban công, phòng cơi nới cùng với cột chống tại đơn nguyên 1 của tòa nhà 51 này cũng bị sập theo. Hai trong ba cột dầm chịu lực của tòa nhà 51 đã bị nứt, lún nghiêm trọng, hệ thống lan can ở các tầng cũng đã hỏng nặng. Rất may, không có thiệt hại về người.
Hiện trạng sau ảnh hưởng của vụ sập, tòa chung cư này được đánh giá là vô cùng nguy hiểm, UBND TP Hà Nội đã di dời các hộ dân ở đơn nguyên 1 nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng về khu tái định cư Đại Kim trong thời gian chờ căn nhà xây sửa lại.
Nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng cao 5 tầng, gồm 2 đơn nguyên nằm trong khu đất có diện tích 1.183m2, diện tích xây dựng khoảng 600m2. Toàn bộ diện tích tầng 1 và tầng 2 đơn nguyên 1 là diện tích làm việc và kinh doanh của Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (trực thuộc Bộ TN&MT). Phần diện tích sử dụng còn lại là 1.490m2 gồm 42 căn hộ của các gia đình sử dụng để ở. Sau khi khảo sát, công ty Coninco (được thuê để đánh giá chất lượng công trình) cho biết, mức độ nguy hiểm của đơn nguyên 1 cấp D và mức độ nguy hiểm đơn nguyên 2 là cấp B.
“Suốt 12 năm qua, cuộc sống sinh hoạt, làm việc của chúng tôi bị ảnh hưởng và đảo lộn nghiêm trọng, các hộ dân ở đây đã gửi rất nhiều lá đơn lên phường, rồi lên quận nhưng vẫn không hề nhận được phản hồi nào về các phương án xây dựng lại tòa nhà, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ”, bà Hương sống tại khu nhà này cho biết.
Ông Minh, người dân sống tại căn hộ ở chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, cho biết: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây đồng tình với chủ trương xây dựng, cải tạo của thành phố và sẵn sàng di dời để xây mới. Tuy nhiên, điều mà tôi và cư dân nơi đây lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống, ngay như việc người dân ở đơn nguyên 1 đã di dời 12 năm nay mà đến bây giờ vẫn chưa có phương án xây dựng lại khu nhà”.
Cũng theo ông Minh: "Chủ trương của thành phố về cải tạo chung cư cũ là rất đúng, nhưng vấn đề bà con quan tâm nhất là nhà đầu tư và phải đối thoại với nhân dân. Bởi có nhiều khu xây dựng dở dang người dân đi không ổn mà ở cũng không xong. Làm sao phải chọn được nhà đầu tư có năng lực, xây dựng đúng thời gian, chất lượng công trình đảm bảo tốt".
Ông Hà Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa, cho rằng: "Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng là một trong 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D của Hà Nội. Từ giữa năm 2017 tại hội nghị nhà chung cư lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cải tạo xây dựng lại nhà chung cư toàn bộ 43 chủ sử dụng đã đồng ý lựa chọn Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bách Khoa là doanh nghiệp triển khai, nghiên cứu thực hiện dự án cải tạo này.
Hiện nay, đối với 24 hộ dân thuộc đơn nguyên 2 (cấp B) sau khi thống nhất phương án bồi thường tái định cư, tạm cư sẽ di chuyển đến nơi tạm cư. Thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của dự án này".
Ông Hà Anh Tuấn cho biết: "Quận Đống Đa sẽ phối hợp các sở ngành và công ty quản lý nhà của thành phố hoàn thành công tác rà soát nhà và đất tại 51 Huỳnh Thúc Kháng và hoàn thành phương án bồi thường tái định cư và tạm cư để công khai với các hộ dân, làm cơ sở thực hiện những bước tiếp theo. Sau khi di dời các hộ dân khỏi nhà cũ sẽ thực hiện quy trình lựa chọn đơn vị thực hiện dự án và tổ chức thực hiện dự án".
Được biết, cuối năm 2011, Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 đã đề xuất lên Thành phố được xây mới tòa chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng thành tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ ở để bố trí tái định cư tại chỗ. Theo đó, quy mô công trình đề xuất cao 17 tầng + 1 tầng hầm. (Cao hơn gấp đôi theo quy định).
Với đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết: Tại thời điểm đó, việc đề xuất lập Dự án đầu tư xây dựng công trình cao tầng là chưa đủ cơ sở xem xét, chấp thuận. Sở Quy hoạch Kiến Trúc cho rằng, trong bối cảnh quản lý quy hoạch kiến trúc hiện nay, công ty có thể cân nhắc phương án xây dựng lại nhà tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng với quy mô công trình cao tối đa 8 tầng, với chiều cao tính từ vỉa hè đến đỉnh mái là dưới 28m.
Sau khi Sở Quy hoạch Kiến trúc có ý kiến trên, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 cho biết: Nếu như vậy, sau khi xây dựng 8 tầng thì đã sử dụng tái định cư hết 7 tầng nên không đủ chi phí bù đắp cho Dự án.
Hà Nội liệu có kịp tiến độ đề ra?
Theo Ban chỉ đạo cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội: Đối với 10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 gồm 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân), UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.
Dẫu rằng, việc cải tạo khu chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch của thành phố, thế nhưng để khích lệ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn này bằng các chính sách bù đắp tương xứng cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Và vấn đề mấu chốt, quyết định sự thành bại của đề án cải tạo chung cư cũ là cần sự đồng thuận của mỗi người dân.
Muốn vậy, các thông tin về dự án cần được công khai, minh bạch, người dân được đền bù thỏa đáng hoặc hưởng quyền lợi chính đáng sau khi xây dựng lại.