Aa

Khu Tây Hà Nội thiết lập mặt bằng giá mới, người dân vẫn không ngừng đổ về đây

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 23/07/2022 - 06:08

Thị trường căn hộ phía Tây Hà Nội đang diễn biến theo chiều hướng tích cực khi dẫn đầu về nguồn cung, giá bán tăng, song tính thanh khoản của sản phẩm vẫn đảm bảo giúp giao dịch trên thị trường diễn ra thuận lợi.

Dẫn dắt nguồn cung thị trường căn hộ tại Hà Nội 

Theo nghiên cứu của CBRE, tính chung toàn thị trường Hà Nội trong 1 thập kỷ qua thì khu vực phía Tây vẫn là nơi tập trung nguồn cung căn hộ lớn nhất, dẫn đầu thị trường về thị phần với mức trên 56%.Trong đó, ba quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy đang chiếm trên 44% thị phần sơ cấp.

Còn theo Savills dự đoán, trong tương lai gần phía Tây vẫn là khu vực dẫn đầu nguồn cung với 26.300 căn từ 29 dự án, chiếm 29% tổng nguồn cung toàn thị trường Hà Nội. Cụ thể, năm 2022 sẽ có khoảng 4.000 căn hộ được tung ra thị trường, với khu vực phía Tây chiếm 65% thị phần.

Có thể thấy, sự có mặt của các doanh nghiệp tên tuổi như Vingroup, Geleximco, Vinaconex, MIK Group, FLC… đã khiến thị trường phía Tây ngày càng sôi động, hàng loạt dự án ở nhiều phân khúc được ra đời, có thể kể đến như: Sun Garden, Ha Noi Landmark 81, Season Avenue, Ecolife Capital, Taseco Complex - N03- T2, FLC Complex 36 Pham Hung, Luxury Park Views, Ha Noi Paragon…

Đặc biệt, trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường nhìn chung đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ mới song khu vực phía Tây vẫn đón nhận nhiều dự án ra mắt.

Đầu tiên phải kể đến đại dự án Vinhome Smart City Tây Mỗ của Tập đoàn Vingroup cung cấp ra thị trường 58 toà chung cư, tương đương 40.000 căn hộ nằm trên tổng diện tích 280ha; dự án The Matrix One cung cấp 1.700 căn hộ nằm trong 5 toà cao 40 tầng; dự án The Zei của chủ đầu tư HD Mon với 791 căn hộ hay sự trở lại của dự án căn hộ siêu sang D’. Palais của tập đoàn Tân Hoàng Minh với 242 căn hộ…

Hạ tầng phía Tây Hà Nội được đẩy mạnh. Ảnh: Reatims.vn

Lý giải nguyên nhân cho bức tranh thị trường khu Tây ngày càng nhộn nhịp, trở thành “vùng trũng” của nhiều nhà đầu tư và khiến nguồn cung căn hộ mới liên tục đứng đầu là do hạ tầng giao thông tại đây được chú trọng đầu tư.

Nếu như giai đoạn trước, cơ sở hạ tầng của khu vực này còn nhiều hạn chế và kìm hãm sự phát triển của khu vực thì thời gian gần đây, hệ thống giao thông, các tuyến đường lớn cùng hạ tầng xã hội, dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt. Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo mở rộng… đều đã hoàn thiện và đang đưa vào sử dụng. 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, hơn 332 nghìn tỷ đồng sẽ được rót vào các dự án giao thông trên toàn TP. Hà Nội. Đáng chú ý là cả 7 tuyến vành đai bao quanh Thủ đô đều có hợp phần chạy qua khu vực phía Tây. Như vậy, ngay từ lúc này đã có thể hình dung về một mạng lưới giao thông dày đặc tại đây trong tương lai gần. 

Không chỉ đồng bộ với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, khu Tây Hà Nội còn là điểm đến của sự dịch chuyển các cơ quan đầu ngành cả nước theo đề án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, cụ thể như: Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Hành chính Quốc gia, Sở Tư Pháp, Thanh tra Nhà nước TP. Hà Nội, Bộ Ngoại giao...

Rõ ràng, khi nội đô quá eo hẹp về quỹ đất, chật chội về quy hoạch thì khu Tây chính là nơi phù hợp nhất cho việc hình thành các trung tâm kinh tế - chính trị. Nhiều dịch vụ - tiện ích phục vụ nhu cầu cuộc sống như hệ thống trường học, bệnh viện, siêu thị cũng đang được hình thành. Đặc biệt, trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Hà Đông là một trong những mắt xích quan trọng tạo nên sự bùng nổ về hệ thống tiện ích tại khu vực này. Nhờ những yếu tố này, khu vực phía Tây đang ngày càng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống đa dạng và cao cấp cho cư dân.

Mặt bằng giá mới được thiết lập

Bên cạnh việc bùng nổ về nguồn cung căn hộ trong suốt nhiều năm qua, mặt bằng giá bán tại khu Tây Hà Nội cũng không ngừng tăng lên. Trước kia, khu vực phía Tây chủ yếu tập trung căn hộ hạng B và C, tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, phân khúc căn hộ hạng A đang ngày càng tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, số lượng căn hộ hạng A đang chiếm tỷ lệ 81%, trong khi căn hộ hạng B chiếm 16% và căn hộ hạng C khoảng 3%.

Sự ra đời áp đảo của dòng căn hộ hạng A đã khiến mặt bằng giá bán sơ cấp tại thị trường phía Tây liên tục thay đổi. Theo khảo sát của PV, mức giá bán trung bình thị trường sơ cấp đã đạt trên 41 triệu đồng/m2. Ở các quận như Cầu Giấy, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm có dự án đã bán trên 60 triệu đồng/m2. 

Cụ thể, tại dự án The Matrix One Mễ Trì của MIK Group, theo thông tin từ chủ đầu tư, các căn hộ ở đây đang được bán với mức giá từ 49 - 60 triệu đồng/m2. Như vậy, để sở hữu một căn hộ tầm 80m2, khách hàng phải bỏ ra khoảng 3,9 - 4,8 tỷ đồng. Hay chung cư The Zei Mỹ Đình của HD Mon dao động từ 45 - 51 triệu đồng/m2. Với căn hộ 2 phòng ngủ, có diện tích từ 84 - 94m2 sẽ có giá từ 3,5 - 4,2 tỷ đồng.

Mặc dù mức giá bán sơ cấp tăng cao, tuy nhiên hầu hết các quận thuộc khu Tây Hà Nội đều ghi nhận lượng giao dịch mạnh do tính thanh khoản của sản phẩm tốt. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhiều dự án tại khu vực này từng có tốc độ giao dịch đứng đầu thị trường, có thể kể đến như: Vinhomes Green Bay, Vinhomes Sky Lake, Mon City, Goldmark City, Sunshine Center, Sky Park Residence….

Dự án The Matrix One Mễ Trì của MIK Group. (Nguồn VnRex)

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, giá cả luôn là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và người mua tại các đô thị ngoài trung tâm. Ở thời điểm hiện tại, khu Tây Hà Nội đang thiết lập mức giá cao hơn so với trước nhưng so sánh với các khu vực khác cùng thời điểm, đây vẫn được xem là mức giá phù hợp. Vì vậy, khi nhu cầu mua của khách hàng tăng trong tầm giá 1.500 - 3.000 USD/m2, các quận như Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa có mức giá chào phổ biến trên 3.000 USD/m2 cho dự án căn hộ hạng A, theo sau là Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông với mức giá biến động từ 2.000 - 3.000 USD/m2 sẽ được nhiều người săn đón.

“Mặc dù giá sơ cấp tại quận Nam, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy đều ghi nhận mức tăng trưởng mỗi năm tương đương 10% và 17% nhưng lượng giao dịch tính tại hai quận này vẫn rất dồi dào. Tất cả là do thanh khoản của sản phẩm khu vực này tốt. Còn lý do vì sao tốt, thứ nhất là do chất lượng sản phẩm quyết định, thứ hai là độ uy tín của chủ đầu tư, thứ ba là các yếu tố lực đẩy xung quanh”, ông Đính nhìn nhận. 

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, giao dịch căn hộ phía Tây Hà Nội luôn đạt tỷ lệ cao là do sức “nóng” của thị trường nơi đây. Phía Tây Thủ đô đang là minh chứng rõ nhất cho hiện tượng “vết dầu loang”. Sự đột phá từ quy hoạch đến hạ tầng đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn tập trung về phía Tây để phát triển các dự án tầm cỡ, hấp dẫn giới tinh hoa.

Đặc biệt, nơi đây có nhiều dư địa để hình thành các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng kết hợp an cư, tạo động lực phát triển mới cho thành phố. Đó chính là lý do không chỉ phân khúc văn phòng cho thuê mà cả căn hộ cao cấp tại phía Tây những năm gần đây cũng được chú ý, trở thành “điểm sáng” với sự bứt phá mạnh mẽ, vượt qua cả tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top