Không phải giảm 1 - 2% hay thậm chí là 3% như dự tính, mà GDP quý 3/2021 giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000 khi Việt Nam tính và công bố GDP quý.
Đánh giá về mức tăng trưởng âm trong quý 3/2021, TS. Hồ Quốc Tuấn, Trường Đại học Bristol (Anh quốc), cho biết GDP tăng trưởng âm là điều đa số người quan sát kinh tế dự đoán trước. “Nhưng mức giảm 6,17% lại nằm ngoài dự đoán. Đây là mức thấp trong nhiều mô hình dự báo khi bị kéo bởi mức giảm 9,28% của khu vực dịch vụ”, ông Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng mức tăng trưởng âm 6,17% là “cú sốc” ngoài mong đợi, làm thay đổi nhận thức về tăng trưởng cả năm.
“Các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như kỳ vọng, đặc biệt giải pháp đẩy mạnh tiêm chủng vaccine chưa thật kịp thời và khẩn trương”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
Giảm sâu hơn dự đoán
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, đánh thẳng vào các khu công nghiệp và các “đầu tàu” kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9/2021 khiến mức giảm 9 tháng lên tới 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, GDP quý 3/2021 âm là việc phải chấp nhận bởi đây là quý khó khăn nhất của nền kinh tế khi dịch bệnh bùng phát phức tạp nhất kể từ năm 2020 tới nay, buộc 25 tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội.
Theo đánh giá của vị chuyên gia này, kinh tế đang phát triển theo mô hình chữ K nên có ngành phát triển rất tốt trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, sắt thép… nhưng cũng có ngành giảm mạnh như du lịch, lưu trú và giáo dục.
Số liệu thống kê kinh tế 9 tháng cho thấy, trái ngược với một số ngành dịch vụ giảm mạnh, nhiều ngành dịch vụ có mức tăng trưởng ấn tượng. Đáng kể như ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 3 - 4%
Dự báo về tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, cho rằng với mức tăng trưởng 9 tháng 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi.
Theo đó, dựa vào tăng trưởng 9 tháng của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra hai dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,5% và ở kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 3%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý 4/2021 phải đạt chỉ là 5,3%, mức này cao hơn quý 1/2021 với 4,48% nhưng thấp mức 6,61% của quý 2/2021 nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2.
Cùng quan điểm, TS. Hồ Quốc Tuấn cho rằng áp lực tăng trưởng quý 4/2021 rất lớn bởi đây là quý “kéo”mức tăng của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, đến giờ các tỉnh vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng về việc mở cửa trở lại và trước hết vẫn tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất, trong khi các doanh nghiệp dịch vụ vẫn “nằm yên”.
Trước đó, khi dự báo về tăng trưởng năm 2021, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng nếu quý 4/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3 - 4%. Dẫu vậy, đây vẫn là mức tăng thấp nếu nhìn vào đà phục hồi và thành công của năm 2020.
Theo vị chuyên gia này, khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường, sẽ là bốn nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.
Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, theo nhiều chuyên gia, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Đối với khu vực doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, đề xuất cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Cụ thể là các ngành liên quan nhanh chóng triển khai miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn.
Cùng với đó, các địa phương cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào. Tránh phụ thuộc vào một thị trường để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ./.