Tại báo cáo "Cập nhật vĩ mô - Cảm nhận những hệ lụy của biến thể Delta", VNDirect đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 3,9% trong kịch bản cơ sở, trước bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 đã và đang có những tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Cảm nhận những hệ lụy của biến thể Delta
Trong tháng 8 vừa qua, TP.HCM đã siết chặt các quy định về giãn cách xã hội với khẩu hiệu “Ai ở đâu ở yên đó”. Tất cả các dịch vụ không thiết yếu bị yêu cầu tạm thời đóng cửa trong khi các nhà máy chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và hạn chế số lượng công nhân tại chỗ. Do đó, một số nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30 - 50% công suất thiết kế, trong khi nhiều nhà máy khác phải chấp nhận tạm dừng hoạt động.
Đồng thời, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam cũng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, cấm các phương tiện giao thông công cộng, xe buýt liên tỉnh và đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, khiến mức độ lưu thông vận tải, bán lẻ và giải trí trên toàn quốc giảm mạnh, thấp hơn tới 70% so với mức trước đại dịch.
Giãn cách xã hội khiến khiến mức độ lưu thông vận tải, bán lẻ và giải trí trên toàn quốc giảm mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 chỉ đạt 279.843 tỷ đồng (giảm 33,7% so với cùng kỳ) và thấp hơn tới 10,5% so với mức tại thời điểm tháng 4/2020 khi Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội trên cả nước trong 3 tuần.
Cụ thể, bán buôn bán lẻ giảm 8% so với tháng trước (giảm 25,3% so với cùng kỳ) do cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm mạnh. Doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú giảm 26,3% so với tháng trước (giảm 66,9% so với cùng kỳ) và doanh thu dịch vụ lữ hành giảm 78,8% so với tháng trước (giảm 97,6% so với cùng kỳ) trong bối cảnh hầu hết các dịch vụ không thiết yếu bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước để phòng chống dịch bệnh.
"Chúng tôi thấy rằng tác động của làn sóng dịch hiện tại đối với ngành dịch vụ đã vượt xa tác động của làn sóng thứ nhất khi Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội trên cả nước vào tháng 4 năm ngoái", báo cáo nêu.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,7% so với cùng kỳ (so với mức giảm 0,2% trong 7 tháng đầu năm 2021 và mức giảm 1,1% của cùng kỳ năm trước). Nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu giảm 6,2% so với cùng kỳ - đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
VNDirect kỳ vọng doanh thu của ngành dịch vụ sẽ phục hồi nhẹ trong tháng 9 do một số địa phương có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 15/9 nhờ dịch bệnh được kiểm soát.
Bên cạnh đó, tác động của các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, kết hợp cùng đà tăng của giá vật liệu xây dựng đã làm chậm lại tiến độ giải ngân đầu tư công trong tháng vừa qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8/2021 giảm 20,9% so với cùng kỳ xuống 34,9 nghìn tỷ đồng (giảm 7,1% so với tháng trước). Trong 8 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công giảm 0,4% so với cùng kỳ xuống 244,9 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức tăng 28,0% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2020 và chỉ tương đương 51,1% kế hoạch cả năm 2021. Để chặn đà suy giảm trong giải ngân đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Công văn số 1082/CĐ-TTg ngày 16/08 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm 2021.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng tốc trở lại kể từ giữa tháng 9 sau khi một số địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và đây được kỳ vọng là một trong những động lực chính cho sự phục hồi kinh tế trong quý IV/2021.
Điểm sáng của tháng 8 là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bất ngờ ghi nhận tín hiệu tích cực. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký mới của các dự án FDI tăng 233% so với cùng kỳ lên 2,4 tỷ USD trong tháng 8/2021 (so với mức sụt giảm 54% trong tháng 7/2021).
Trong tháng vừa qua, Tập đoàn LG Display Việt Nam đã đăng ký tăng vốn đầu tư tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) thêm 1,4 tỷ USD, đưa tổng vốn cam kết giải ngân từ trước tới nay lên 4,7 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại địa phương này. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký mới của các dự án FDI giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ xuống 19,1 tỷ USD (cải thiện so với mức giảm 12,6% so với cùng kỳ trong 8 tháng năm 2020).
Hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 xuống 3,9%
Trước những diễn biến phức tạp của làn sóng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, VNDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 3,9% trong kịch bản cơ sở.
Theo đánh giá, bức tranh vĩ mô thậm chí còn xấu đi nhanh chóng trong tháng 8 do nhiều địa phương trên cả nước phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. "Mặc dù đã áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn trước, nhưng đợt lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư khó có thể được kiểm soát hoàn toàn trong vòng 1 - 2 tháng tới như chúng tôi đã kỳ vọng trước đó", báo cáo nêu.
Dự báo tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ sở của VNDirect
Để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, Chính phủ đã lên kế hoạch mở cửa dần các hoạt động kinh doanh không thiết yếu kể từ giữa tháng 9. Tuy nhiên, VNDirect không kỳ vọng quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng do số ca mắc mới hàng ngày vẫn duy trì ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng thấp và tác động tiêu cực của gián đoạn chuỗi cung ứng. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng quá trình phục hồi chậm có thể kéo dài sang quý IV/2021 cho đến khi số ca mắc mới hàng ngày giảm đáng kể so với mức hiện tại và tỷ lệ tiêm chủng tăng cao hơn.
Bởi vậy, VNDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 3,9% so với dự báo trước đó là 5,0 - 5,5%. Dự báo thực hiện dựa trên các giả định chính rằng: Số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ giảm dần kể từ giữa tháng 9/2021; Việt Nam có thể đẩy nhanh triển khai vắc-xin cho đến cuối năm 2021; Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho toàn bộ người trên 18 tuổi trong tháng 9 và khoảng 60% dân số Việt Nam sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2021; Hà Nội có thể nới lỏng giãn cách xã hội kể từ cuối tháng 9/2021 và TP.HCM bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế kể từ đầu tháng 10. TP.HCM đã đặt mục tiêu mở cửa toàn bộ nền kinh tế kể từ giữa tháng 1/2022; Việt Nam có thể thí điểm mở cửa trở lại một số khu du lịch như đảo Phú Quốc cho khách du lịch quốc tế kể từ tháng 10/2021...
Tại kịch bản cơ sở, nhóm nghiên cứu dự báo ngành dịch vụ giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng 2,4 - 3,2% trong dự báo trước đó và mức tăng 4,0% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021. Một số phân ngành dịch vụ, bao gồm: Các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải và kho bãi; nghệ thuật và giải trí; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hành chính, có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nửa cuối năm nay.
VNDirect cũng hạ dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng xuống 5,1% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021, từ mức tăng trưởng 7,3 - 8,3% so với cùng kỳ trong dự báo trước đó và mức tăng 8,4% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021, do các tác động tiêu cực của đứt gãy chuỗi cung ứng và giãn cách xã hội.
Đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp, nhóm nghiên cứu hạ dự báo tăng trưởng xuống mức 3,6% trong 6 tháng cuối năm 2021, từ dự báo trước đó là tăng 3,7 - 4,0% so với cùng kỳ và mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021, do nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm trong nửa cuối năm nay trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Về dự báo theo quý, VNDirect dự phóng GDP quý III/2021 của Việt Nam suy giảm 1,2% so với cùng kỳ trước khi phục hồi trở lại và tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ trong quý IV/2021./.