Aa

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản trước làn sóng Covid-19 mới?

Thứ Hai, 31/05/2021 - 06:00

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản bởi tính chất phức tạp và quy mô lây lan nhanh trên diện rộng.

Tính đến trưa 30/5, Hà Nội ghi nhận 171 ca nhiễm cộng đồng. Cũng trong ngày này, TP.HCM đã có quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16 tính từ 0h ngày 31/5.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, số lượng ca cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến trưa ngày 30/5 là 3.893 ca, xuất hiện tại 34 tỉnh thành. Tính chất phức tạp và quy mô trên diện rộng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, đã có những chia sẻ với Reatimes xoay quanh tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đến thị trường bất động sản.

PGS TS dinh trong thinh noi ve thi truong bat dong san
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đến thị trường bất động sản?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Covid-19 với biến thể mới đang bùng phát trở lại và lây lan mạnh mẽ. Đây trở thành tác nhân ngăn cản hoạt động của nền sản xuất, tác động đến thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam.

Người dân lo ngại dịch bùng phát, không muốn tham gia giao dịch dẫn tới hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ có xu hướng giảm. Mặt khác, người dân có tâm lý lo ngại dịch bệnh căng thẳng, muốn tích trữ tiền tệ cũng như tài sản nên họ không muốn mở rộng hầu bao để chi tiêu. Vì thế, hoạt động tài chính tiền tệ có sự trầm lắng. Thị trường bất động sản cũng chịu tác động dựa trên những hệ luỵ này.

PV: Ở thời điểm đầu năm 2021, có vẻ như các nhà đầu tư đã rất lạc quan về diễn tiến của thị trường bất động sản khi đưa ra dự báo đầy tích cực?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Sau khi kiểm soát làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3 thành công, nền kinh tế có bước tăng trưởng tương đối tốt. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đều phục hồi. Đặc biệt, niềm tin của người dân vào thị trường tốt hơn. Họ mạnh dạn, sẵn sàng rót vốn trong đầu tư kinh doanh.

Mặt khác, trước đó, sau những lần kiểm soát dịch tốt của Việt Nam trong năm 2020, thị trường bất động sản đều ghi nhận sự sôi động. Dù dịch bệnh nhưng dòng vốn từ nước ngoài vẫn đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Điều này khiến nhà đầu tư kỳ vọng về bức tranh tươi sáng của thị trường.

Đặc biệt, sau Đại hội Đảng lần thứ 13, các nhà đầu tư càng an tâm vào thị trường. Nhiều tỉnh thành cũng công bố quy hoạch mới, mang đến tin tức tốt khiến thị trường bất động sản thêm phần sôi động.

Tuy nhiên thực tế, thị trường đã và đang đối mặt với nhiều thách thức bên cạnh tác động của Covid-19. Điển hình là cơn sốt đất vừa qua diễn ra cục bộ với tình trạng thổi giá đã làm thị trường biến động. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư chờ đợi sự bình ổn về giá, sau đó mới tiếp tục tham gia trở lại.

thi truong bat dong san
Thị trường bất động sản chịu cú bồi mạnh từ làn sóng Covid-19 mới. 

PV: Ông dự báo như thế nào về kịch bản thị trường bất động sản thời gian tới, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến kinh doanh và đời sống xã hội. Sự bùng phát Covid-19 lần thứ 4 có diễn biến phức tạp, trên quy mô diện rộng.

Tuy nhiên, theo tôi, tác động sẽ không đến nỗi quá nguy hiểm và phức tạp, dù rằng so với lần thứ 3, biến chủng Covid-19 lần này lây lan nhanh hơn. Với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, chúng ta sẽ sớm có biện pháp kiểm soát dịch bệnh tốt.

Tín hiệu đáng mừng nhất là sắp tới, chương trình vaccine được đẩy mạnh. Khi phần lớn người dân được tiêm, miễn dịch cộng đồng sẽ hình thành. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần phục hồi và thị trường bất động sản cũng có tín hiệu khởi sắc trở lại.

PV: Doanh nghiệp bất động sản nên có kế hoạch ra sao để vượt qua khó khăn mùa Covid-19?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đối với doanh nghiệp bất động sản, đầu tiên là phải đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp bằng việc tổ chức tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 nói riêng và dịch bệnh nói chung. Vì nếu công ty chỉ cần có một người nhiễm virus sẽ ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp phải tái tổ chức, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí khác không cần thiết. Nguồn lực cần dồn vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Tiếp đến, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong thời điểm Covid-19 bùng phát. Điều này sẽ không chỉ giúp giảm chi phí mà còn hạn chế sự tiếp xúc gần giữa các bộ phận trong công ty và giữa khách hàng với doanh nghiệp. Thông qua ứng dụng số hoá, doanh nghiệp có thể quảng bá hình ảnh thương hiệu, thu thập dữ liệu thị trường. Đây cũng là cách tiếp cận với khách hàng tốt nhất, nhằm giảm chi phí.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần nắm được dữ liệu, nhu cầu của thị trường trong giai đoạn mới. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tình trạng mất cân đối trong lượng cung phân khúc nhà ở rất lớn. Phân khúc bình dân đặc biệt là nhà giá rẻ rất hiếm. Thống kê cho thấy, căn hộ có giá 25 triệu đồng/m2 trở xuống tại TP.HCM gần như không có. Ở Hà Nội, lượng căn hộ này cũng giảm đi nhanh chóng. Đây là phân khúc thiếu trầm trọng, trong khi nhu cầu ở thực rất lớn và cần thiết. Doanh nghiệp cần phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung cao cấp, dẫn tới đổ vỡ thị trường.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khác biệt so với những lần trước đó do biến thể mới Ấn Độ rất nguy hiểm. Thị trường bất động sản có thể tiếp tục rơi vào tình trạng “đóng băng” tạm thời khi Covid-19 tác động đến cả chiều cung và cầu. Đầu tiên, nguồn cung hàng sẽ giảm do các công trình bất động sản bị trì hoãn. Các doanh nghiệp cũng buộc phải hoãn lại kế hoạch ra hàng. Mặt khác, nhu cầu mua nhà vẫn lớn nhưng sẽ hạn chế do dịch bệnh. Các sàn giao dịch khó hoạt động như bình thường, dẫn tới đứt gãy các hoạt động giao dịch.

Kịch bản của thị trường bất động sản sẽ khó lạc quan như những lần trước, nhất là khi hiện tại doanh nghiệp bất động sản đang có dấu hiệu “khát vốn” nghiêm trọng, ồ ạt phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp cần có dự phòng để vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top