Aa

Kích vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"

Thứ Ba, 21/11/2023 - 16:27

Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung, vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, tình hình cho vay tiêu dùng tại ngân hàng, 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, hiện nay ra sao trong bối cảnh thu nhập của người dân sụt giảm?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gồm 3 hình thức: Thứ nhất, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thứ hai, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng; thứ ba, cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

Để giúp người dân tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, qua đó hạn chế “tín dụng đen”, các TCTD đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa...

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) trả lời báo giới. Ảnh: MP/Báo Tin tức

Tuy nhiên do kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng thấp. Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Ngoài những yếu tố khách quan do khó khăn chung còn có yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là: Khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì bị chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý…

Tình hình trên khiến hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn. Một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh. Điều này khiến người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng. Hệ quả là “tín dụng đen”, bắt đầu trỗi dậy.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các App (ứng dụng) cho vay tiêu dùng không chính thống hay nôm na là “tín dụng đen” với lãi suất cao, hình thức đòi nợ không đúng đạo đức và pháp luật  khiến xã hội hiểu lầm, đánh đồng tín dụng tiêu dùng với “tín dụng đen”.

Hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý bằng khung khổ pháp luật chặt chẽ, nhưng có tới hàng trăm App (ứng dụng) cho vay đang hoạt động trên mạng. Các đối tượng này làm giả website, logo, tên thương hiệu của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống hết sức tinh vi. Chúng tôi đã phải đưa ra rất nhiều khuyến cáo về các đối tượng mạo danh công ty để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

PV: Vậy, theo ông, cần phải có những biện pháp gì để xử lý mạnh những người cố tình chây ỳ trả nợ?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Hiệp hội VNBA khuyến cáo, người dân hết sức thận trọng khi tiếp cận với kênh cho vay qua App vì phương pháp tính lãi tinh vi, rất khó nhận biết được mức lãi suất thực mình phải trả là bao nhiêu?
Hiện chưa có giải pháp nào hữu hiệu để xử lý ổ nhóm tội phạm kêu gọi bùng nợ, không trả nợ trên Zalo, Facebook, nền tảng xã hội... Về vấn đề này, theo tôi cần kiến nghị với cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ Công an, cùng NHNN, hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng triệt phá ổ nhóm này xử lý một cách thích đáng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần khuyến cáo để người dân hiểu rằng, các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều đã lưu trữ dữ liệu tại các cơ quan chức năng. Tất cả những người vay vốn tiêu dùng tại các công ty này đều được tích hợp dữ liệu cá nhân. Khi trích xuất dữ liệu cá nhân từng người dân đi giao dịch liên quan đến công việc, xin việc làm, xác định nhân thân đều thể hiện đó là những người có nợ xấu.

Không chỉ điểm tín dụng thấp, mà có thể ảnh hưởng đến chính công việc, sinh hoạt hàng ngày của họ chẳng hạn như xin việc làm sẽ gặp khó khăn… Thông qua đó để họ hiểu rằng dù vay ít hay nhiều nhưng khi vay phải có trách nhiệm trả nợ.

PV: Ông có lời khuyên nào để người dân tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Người dân khi có nhu cầu vay vốn cần xem xét kỹ thông tin của công ty mình định vay. Thông tin của các công ty cho vay tiêu dùng được NHNN cấp phép công khai trên website NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và chính công ty tài chính tiêu dùng.

Còn đối với vay qua App, người dân cần phải hết sức thận trọng khi tiếp cận kênh này vì phương pháp tính lãi rất tinh vi người dân rất khó nhận biết được mức lãi suất thực mình phải trả là bao nhiêu. Nên nhiều người khi phải trả nợ mới biết lãi lên tới hơn 1.000%, tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho chính họ. Vì vậy, người dân cần phải hết sức tỉnh táo nếu không nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác rất dễ sập bẫy, trở thành nạn nhân tín dụng đen.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân

Tài chính tiêu dùng luôn bị "gắn mác" lãi suất cao, khiến người vay vô tình bỏ qua giá trị lợi ích và cơ hội thực sự mà thị trường này mang lại cho người dân và cho cả nền kinh tế. Nhiều người dân vẫn nhầm lẫn giữa tín dụng tiêu dùng chính thống và "tín dụng đen".

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng (VNBA).​​​​

Thời gian qua, do biến động kinh tế vĩ mô đã khiến hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, hoạt động theo Luật các TCTD và các quy định pháp luật ngân hàng khac gặp nhiều khó khăn. Khách hàng của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp, công nhân, tiểu thương… 

Nhóm khách hàng này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các biến động kinh tế vĩ mô; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng dẫn đến thu nhập của khách hàng bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thanh toán khoản vay. Tình hình nợ quá hạn của các TCTD nói chung, các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng đều có xu hướng gia tăng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính tiêu dùng cũng tăng lên.

Để giải quyết vấn đề này, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ.

Cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.

Ngân hàng thương mại kiến nghị giải pháp thu hồi nợ hiệu quả

Đại diện Agribank kiến nghị: Cần ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình tố tụng, thi hành án đối với các vụ khởi kiện, xét xử, thi hành án các vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan khoản nợ vay tiêu dùng, có tài sản bảo đảm là bất động sản; hỗ trợ áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản bất hợp pháp của khách hàng còn nợ ngân hàng phải thi hành án.

Đồng thời cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.

Theo đại diện BIDV, cho vay tiêu dùng thường áp dụng đối với các khoản vay trực tuyến, đồng nghĩa với việc phải số hóa khoản vay. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử khi phải thực hiện bằng chữ ký số. Việc này có thể dẫn đến tăng chi phí và phức tạp hơn với đa số người dân.

"Kiến nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD được sử dụng phương thức xác thực như: Tin nhắn OTP, (định danh điện tử - eKYC) trong cho vay qua các phương tiện điện tử, không yêu cầu chữ ký số. Với các khoản vay nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng được thực hiện trên kênh số (online), không quy định bắt buộc các TCTD phải thực hiện kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay; được bán nợ hoặc ủy thác hay thuê công ty thu hồi nợ chuyên nghiệp trong công tác thu hồi nợ".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top