Aa

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2023

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 13/11/2023 - 10:27

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tăng trưởng tín dụng kinh doanh BĐS trong 9 tháng đầu năm đạt 21,86%, cao hơn nhiều tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm 2022.

Sáng 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thị trường bất động sản có mối quan hệ mật thiết với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó nếu thị trường bất động sản hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thị trường này gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các biện pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn và đã có những chuyển biến tích cực. 

Gần đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023. Ngay khi có công điện này, Thống đốc cho biết, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, tổng hợp số liệu, phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng, hai Bộ thống nhất triển khai hội nghị Triển khai Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng)

Báo cáo rõ hơn những động thái tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường bất động sản của NHNN, tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.

Theo bà Giang, đối với ngành Ngân hàng, những diễn biến trên thị trường bất động sản cũng như những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững.

Cụ thể, điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD. Bên cạnh đó, điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế…

Đặc biệt, NHNN đã có văn bản 2931/NHNN-TD ngày 24/04/2023 chỉ đạo TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Tập trung nguồn vốn tín dụng đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: Bùi Doanh)

Bên cạnh đó, bà Giang cho biết, NHNN đã chỉ đạo và hướng dẫn triển khai các chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 04 NHTM nhà nước; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN) và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (Thông tư 03/2023/TT-NHNN).

NHNN cũng phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý như về đầu tư, kinh doanh bất động sản; về nhà ở, nhà ở xã hội... Phối hợp với các Bộ, ngành tham gia các Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…

Nhờ đó, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

“Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao, tăng 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, điều này có thể cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả”, bà Giang nhận định.

Theo bà Hà Thu Giang, hiện nay, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh;

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top