Aa

Kiểm toán nhà nước có quyền truy cập dữ liệu của doanh nghiệp?

Thứ Ba, 13/08/2019 - 06:15

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định cho phép cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán. Điều này là cần thiết, song phải quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước.

Sáng 12/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 36. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) sửa đổi, bổ sung dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Theo đó, Luật KTNN sửa đổi lần này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp 7 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh VGP/Lê Sơn

Tranh luận về nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN sửa đổi

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau được cơ quan thẩm tra – Ủy ban Tài chính và Ngân sách đưa ra xin ý Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo trước khi đưa ra Quốc hội tiếp tục thảo luận lần 2 tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, còn một số ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự thảo là: Phạm vi sửa đổi, bổ sung; quyền khiếu nại Báo cáo kiểm toán; về đề nghị sửa nhiệm vụ KTNN thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Thủ tướng Chính phủ”; bổ sung quyền của KTNN về văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, giám định tư pháp; quy định về việc tránh chồng chéo giữa kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định về quyền truy cập dữ liệu, phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán; quy định về giám sát hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán.

Phát biểu thảo luận, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc lý giải: “Về quy định Kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, dữ liệu điện tử quốc gia và dữ liệu phần mềm ứng dụng của đơn vị được kiểm toán, nếu để lộ bí mật, cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình thêm một số vấn đề. Ảnh VGP/Lê Sơn.

Cơ quan nào điều hòa sự chồng chéo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, cơ quan KTNN cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ (TTCP) để tránh chồng chéo.

Để tránh sự chồng chéo giữa KTNN và TTCP, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Luật này phải minh định cái gì KTNN làm, cái gì của TTCP làm. Muốn vậy, Tổng KTNN và Tổng Thanh tra phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, nếu không làm rõ được thì báo cáo Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phân định.

Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu vấn đề: Cơ quan nào sẽ điều hòa hai cơ quan này (KTNN và Thanh tra Chính phủ) hay để cho hai cơ quan tự thống nhất? Theo đó, cần quy định rõ phạm vi nào KTNN thực hiện, phạm vi nào không được làm;...

Đồng thời, cần quy định rõ, cái gì kiểm toán viên nhà nước được truy cập vào dữ liệu của cơ quan bị kiểm toán bởi ở đây còn bí mật kinh doanh… Bởi có những quy định riêng biệt thuộc sự điều chỉnh của luật khác như Luật An ninh mạng…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ băn khoăn việc cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên có quyền truy cập hệ thống phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hồ sơ của dự án Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi lần này có điểm chưa chuẩn, cần hoàn thiện, bởi hơi ngược theo với quy trình bình thường. Vì Ủy ban Tài chính – ngân sách khi thẩm tra phải có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Tài chính & ngân sách lưu ý cần có Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội theo quy định.

“Lâu nay, quy trình và hồ sơ của các dự án luật đều có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, nhưng lần này không có. Cần làm theo đúng quy định”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ.

Cụ thể hóa các quy định về phòng chống tham nhũng trong cơ quan KTNN

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN, bà Nga tán thành quy định KTNN được ban hành văn bản quy phạm nhưng được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải luật này.

Đối với quy định KTNN được trưng cầu giám định tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ tán thành quy định này đối với một số trường hợp cần thiết, nhất là trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Đồng thời Chủ tịch Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị: “Cần cụ thể hóa các nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng trong Luật KTNN lần này để thực hiện công cuộc phòng chống tham nhũng trong chính cơ quan KTNN”.

Về khiếu nại kết luận của Kiểm toán nhà nước, bà Nga đề nghị nên cân nhắc cách nào đó để quy định về việc cơ quan được kiểm toán có quyền khiếu nại đối với kết luận kiểm toán, bởi nếu ra kết luận kiểm toán xong mà không cho khiếu nại là không hợp lý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định KTNN được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính nhưng phải tuân theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cân nhắc việc giao thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp cho KTNN với khối lượng công việc của KTNN đang rất nặng nề.

Trước ý kiến về việc cơ quan nào giám sát hoạt động của KTNN, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan giám sát hoạt động của KTNN.

Đối với quy định bổ sung quy định về chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị trong Luật này phải dẫn chiếu nguyên văn các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định cho phép cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán. Điều này là cần thiết, song phải quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top