Aa

Kiến trúc hậu hiện đại và những điều cần biết

Thứ Sáu, 30/04/2021 - 14:00

Hiểu một cách đơn giản thì kiến trúc hậu hiện đại như một đứa con kết tinh từ trường phái hiện đại và cổ điển nhưng vẫn lấy đặc điểm của hiện đại làm yếu tố chính.

Kiến trúc Hậu hiện đại là gì?

Kiến trúc Hậu hiện đại (Postmodernism) xuất hiện lần đầu tiên từ cuối thập niên 1950, kéo dài đến thời điểm hiện tại. So với trường phái thiết kế Hiện đại chỉ gồm những đường thẳng, trường phái Hậu hiện đại xuất hiện thêm đường tròn và đường parabol, có thể hiểu trường phái thiết kế Hậu hiện đại là sự kết hợp giữa lối thiết kế Cổ điển và Hiện đại nhưng lấy lối thiết kế Hiện đại làm trọng tâm.

3 nguyên lý tiêu biểu của kiến trúc Hậu hiện đại

Bối cảnh: Các công trình phải gắn với môi trường xung quanh, là một bộ phận của môi trường. Đây là một bước tiến lớn so với  kiến trúc Hiện đại - Không xem xét đến bối cảnh mà có thể đặt công trình ở bất kỳ môi trường nào, bất kỳ nước nào.

Ẩn dụ: Hình thức của công trình phải nói lên nhiều ý nghĩa, có nhiều chi tiết kiến trúc mang tính tượng trưng.

Trang trí: Tính chất trang trí cổ điển của các chi tiết kiến trúc được khôi phục lại, trái ngược lại với những gì mà kiến trúc Hiện đại cho là "trọng tội".

Các xu hướng của kiến trúc Hậu hiện đại

Xu hướng "Lịch sử": Kiến trúc Hậu hiện đại ưa chuộng xu hướng quay về với cổ điển. Thiết kế công trình loại này sao cho tạo được cảm tưởng đây là một công trình cổ điển được thiết kế theo quan điểm thẩm mỹ của phong cách quốc tế. Hai khái niệm chủ đạo của kiến trúc Hậu hiện đại là xác định được tinh thần tưởng nhớ đến lịch sử (quá khứ) và xác định hình ảnh hiện tại của thành phố.

Xu hướng "Hồi sinh nghiêm ngặt": Xu hướng này có hai hướng phát triển như sau: Sao chép nguyên xi các chi tiết kiến trúc cổ; Kết hợp lại các chi tiết kiến trúc của một số công trình cổ.

Xu hướng "Tân bản xứ": phát triển trong thập niên 1970, xu hướng này là một sự lai tạo của kiến trúc Hiện đại với công trình bằng gạch ở thế kỷ 19. Nó bao gồm các yếu tố: Mái dốc; Có chi tiết nào đó dạng vuông vức; Các khối phân chia rất ngoạn mục và bằng gạch.

Xu hướng "Thích hợp": Xu hướng thích hợp dựa trên sơ đồ nhị nguyên về tính dễ hiểu và dễ đọc của đô thị.

Xu hướng "Ẩn dụ và trừu tượng": Ở kiến trúc Hậu hiện đại, tính ẩn dụ xuất phát từ truyền thống hữu cơ có liên quan đến hình ảnh con người, động vật và thực vật. Sự đối xứng hình mặt người, cảm giác vận động từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới v.v...

Xu hướng "Không gian Hậu hiện đại": Xu hướng thiết kế này tạo ra một không gian vô hạn, không rõ ràng, nhập nhằng với nhau... Cửa hiệu đồ trang sức Schullin ở thủ đô Viena, Áo thuộc xu hướng này. Công trình này do kiến trúc sư Hans Hollein làm năm 1975.

Xu hướng "Chiết trung triệt để": Chủ nghĩa chiết trung ở thế kỷ 19 là sự trốn tránh cái khó khi phải lựa chọn giữa chiết trung và tân cổ điển, đó là sự cơ hội và tính vị kỷ, muốn đi tìm những thứ dễ dàng. Còn ở kiến trúc Hậu hiện đại, chủ nghĩa chiết trung mạnh mẽ và đa dạng một cách triệt để hơn.

Đặc điểm cơ bản của kiến trúc Hậu hiện đại

Trường phái kiến trúc Hậu hiện đại được coi như bước đi kế tục của trường phái hiện đại. Ngoài những đường thẳng và đường cắt dứt khoát theo lối hiện đại thì kiến trúc hậu hiện đại được bổ sung thêm những đường cong parabol và những đường tròn. Hiểu một cách đơn giản thì kiến trúc hậu hiện đại như một đứa con kết tinh từ trường phái hiện đại và cổ điển nhưng vẫn lấy đặc điểm của hiện đại làm yếu tố chính.

Kiến trúc Hậu hiện đại đề cao không gian xung quanh và coi công trình như một phần nhỏ của tổng thể bối cảnh không gian chứ không như những công trình hiện đại được đặt ở bất cứ đâu mà không cần quan trọng yếu tố môi trường xung quanh. Ngoài ra những đường nét trang trí của công trình theo kiểu kiến trúc hậu hiện đại đòi hỏi phải mang tính tượng trưng giàu ý nghĩa đồng thời kết hợp với lối trang trí cổ điển chứ không đơn thuần chỉ là nhìn đẹp mắt nữa.

Có hai cách đơn giản để thực hiện thi công kiểu kiến trúc Hậu hiện đại đó là: Sao chép nguyên bản những chi tiết cổ điển hoặc kết hợp nhiều chi tiết cổ của nhiều công trình khác nhau. Chính vì đặc điểm này nên hệ thống kiến trúc cổ Hy Lạp – La Mã được vận dụng rất nhiều vào những công trình kiến trúc hậu hiện đại. Một ví dụ điển hình cho đặc điểm này đó là lối vào quảng trường Ý lại có đường nét và chi tiết trang trí giống với công trình Khải hoàn môn La Mã tuy nhiên đã được sáng tạo lại để trở nên hiện đại hơn.

Ngoài ra những kiến trúc sư còn vận dụng những chi tiết cổ nhưng lại sắp đặt với bố cục hay kết cấu mới lạ khiến khi mới nhìn vào tưởng là quen nhưng lại tạo cảm giác vô cùng lạ lẫm và mới mẻ. Không chỉ tái sử dụng những chi tiết cổ, người ta còn có thể tái hiện tính trật tự và bố cục của những công trình cổ vào kiểu kiến trúc Hậu hiện đại bằng cách sử dụng một số những dạng hình học như chữ thập, khối lập phương…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top