Aa

Kiều hối người Việt ở nước ngoài gửi về giảm 1 tỷ USD vì Covid-19

Thứ Bảy, 23/01/2021 - 16:30

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối gửi về trong năm 2020 đạt khoảng 15,7 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm trước 7% (khoảng 1 tỷ USD).

Nguyên nhân suy giảm lượng kiều hối chủ yếu là do đại dịch Covid-19 khiến lượng người lao động tại nhiều nước bị mất việc, thiếu việc.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 10 nước nhận được kiều hối lớn nhất thế giới. Trong 10 năm qua, tổng lượng kiều hối người Việt Nam làm việc, đi lao động tại nước ngoài gửi về cho gia đình ước đạt khoảng trên 70 tỷ USD, trong đó các năm 2018 và 2019 đạt con số cao nhất trên 16 tỷ USD, năm 2019 đạt cao khoảng 16,7 tỷ USD.

Kiều hối về Việt Nam giảm 1 tỷ USD so với năm trước do tác động của đại dịch Covid-19 (ảnh: VnEconomy)

Lượng kiều hối gửi về nước đóng góp rất lớn vào việc tái đầu tư, phát triển và tăng trưởng. Ở nhiều địa phương, kiều hối giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo và đặc biệt là nhờ kiều hối để tích lũy, tái đầu tư làm giàu cho gia đình, cộng đồng.

Ngoài các thị trường có lượng kiều hối gửi về cao như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, những năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam xuất phát từ lao động tại Nga, Hồng Kông, Singapore, Macao (Trung Quốc)... cũng gia tăng khá mạnh.

Theo thống kê của WB và các ngân hàng tại Việt Nam, các tỉnh nhận được nhiều kiều hối nhất đều phân rải ở các vùng kinh tế.

Phía Bắc có các tỉnh như Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, các địa phương miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị. Ở phía Nam, các địa phương như Bình Phước, Tây Ninh, Bạc Liêu, An Giang, Bến Tre nhận được kiều hối nhiều hơn cả do có lượng người lao động xuất khẩu cao.

Thực tế, năm 2020 các đơn hàng xuất khẩu lao động từ Việt Nam đi các nước hầu hết bị đình hoãn do đại dịch Covid-19 và phong tỏa của nhiều nước.

Ông Vũ Minh Ánh - đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Hà Nội - cho biết: "Các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật, Hàn và Đài Loan trong năm 2020 nhiều thời điểm phía đối tác dừng hợp đồng. Doanh nghiệp phải chuyển sang đào tạo thêm tiếng, tay nghề cho lao động ngay tại cơ sở để chuẩn bị cho đơn hàng mới nếu các nước mở cửa".

Theo ông này, một số lĩnh vực mà phía Nhật vẫn đón lao động Việt Nam như điều dưỡng, tuy nhiên hiện quá trình làm thủ tục cho lao động xuất khẩu khá phức tạp, chi phí xét nghiệm, chuyến bay tăng cao, trong khi lượng người đi thiếu hụt nhiều so với các năm trước, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiêp hoạt động trong ngành này.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 11 tháng năm 2020, số lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc ước đtạ hơn 54.300 người, ước đạt chỉ bằng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do tác động của Covid-19 và các chủng mới xuất hiện, nhiều nước đang giãn cách xã hội triệt để khiến việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đáng nói, công việc thời vụ của du học sinh Việt Nam đang suy giảm mạnh, ảnh hưởng chi tiêu và gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều người lao động tại nhà máy, phân xưởng, trang trại tại các nước cũng bị cắt việc, mất việc do dịch bệnh phải quay trở về quê hương sớm hơn dự kiến.

Nhiều chuyên gia dự báo, lượng kiều hối năm 2021 có thể sẽ giảm đi nếu các điều kiện như dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát ở các nước phát triển và virus Covid-19 phát sinh nhiều biến thể khác nhau như đang bùng phát như tại Anh và một nước châu Âu hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top