Sự lan tỏa của kinh tế chia sẻ
Vào năm 2007, không thể trả tiền thuê nhà ở San Francisco vì quá đắt đỏ, những người sáng lập ra Airbnb là Brian Chesky và Joe Gebbia đã quyết định chia sẻ căn hộ của mình cho những vị khách lạ (đến tham dự sự kiện ở San Francisco) ở chung và nấu bữa sáng cho họ.
Sau chưa đầy 9 năm, từ ý tưởng chia sẻ căn hộ ban đầu này, đã hình thành nên một doanh nghiệp khổng lồ, được định giá 31 tỷ USD trong năm 2017, khiến ngành công nghiệp khách sạn truyền thống trên toàn cầu đều phải “run sợ”.
Đó là một trong những nền tảng khởi nguyên đầu tiên của cái mà chúng ta gọi là "nền kinh tế chia sẻ" hiện nay. Một mô hình đã trở thành xu thế phát triển không cưỡng lại của thời đại với khả năng đem lại siêu lợi nhuận nhanh chóng cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều lợi ích chung cho toàn xã hội.
Khởi đầu với mô hình có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt thông qua dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người… và giúp cho những cá nhân có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo. Mô hình này đã nhanh chóng phát triển khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn.
Con người thay vì sở hữu để thỏa mãn nhu cầu của mình, thì tìm những nguồn lực trong cộng đồng. Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển, vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn.
Trong xã hội, nếu ô tô chỉ được dùng trung bình 1 tiếng/ngày (dưới 5% thời gian), 99% đồ gia dụng không được sử dụng lại trong 6 tháng… thì việc tái phân phối này là cần thiết để tiết kiệm tiền của người dùng và tài nguyên của xã hội.
Nền kinh tế chia sẻ thuộc một xu hướng lớn hơn bắt đầu từ thời Internet: Xu hướng đảo ngược chủ nghĩa tiêu dùng. Khi Internet được lan rộng, các trang như eBay và Craigslist giúp kết nối những người có và những người cần một cách hiệu quả hơn. Chia sẻ và tái phân phối tài nguyên bắt đầu rẻ đi so với mua đồ mới và vứt đồ cũ đi. Mọi người không chỉ là người mua, mà còn có thể bán thông qua thương mại ngang hàng.
Việc này giúp những thứ được lãng phí do không dùng đến được tận dụng thông qua nền tảng công nghệ. Thông qua nền tảng này, con người bắt đầu thay đổi quan hệ với những thứ mình tư hữu, họ nhận ra những thứ có thể được truy cập mà không cần sở hữu, thứ đắt đỏ trong việc duy trì, thứ không thực sự cần thiết, thứ không được dùng thường xuyên… đều nên thuê chứ không nên mua
Nhờ vào việc chia sẻ những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ, cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới.
Và sự lan tỏa trong lĩnh vực môi giới bất động sản
Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD.
Giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc phải thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực.
Hoạt động môi giới với sự đề cao tính truyền thống và tương tác cá nhân giữa người với người, cụ thể ở đây là những nhà môi giới bất động sản với khách hàng tưởng chừng sẽ khó có thể bị tác động bởi "kinh tế chia sẻ".
Nhưng trên thực tế, trái ngược lại với sự bùng nổ của công nghệ với mạng xã hội, với smartphone, với nguồn thông tin dự án được cập nhật một cách thường xuyên và liên tục, lại đang bị ảnh hưởng tương đối lớn và ngày càng bao trùm toàn thị trường.
Việc khách hàng chủ yếu tiếp cận thông tin qua Google hay các Fanpage của mạng xã hội khiến việc tiếp cận khách hàng và chào bán sản phẩm bất động sản không chỉ là "độc quyền" của riêng cá nhân, hay sàn giao dịch nào, mà là cả cộng đồng trên thị trường bất động sản. Trong đó, người bán cũng có thể đồng thời là người mua và ngược lại, người mua đồng thời cũng là người bán.
Khi đó, việc cung ứng bất động sản tới khách hàng sẽ được hiểu, trừ chủ đầu tư là người cung cấp sản phẩm bất động sản sơ cấp, còn lại toàn bộ các khâu tiếp thị, quảng cáo, bán hàng sẽ là bất kỳ ai một khi người đó tham gia vào mô hình "nền kinh tế chia sẻ" do một đơn vị trung gian cung cấp.
Điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên tham gia, trong đó người mua có thể tiếp cận nguồn hàng khổng lồ được người bán đăng tải vào cộng đồng, còn người bán có thể kết nối khổng lồ với các khách hàng, nhà đầu tư, thậm chí tham gia chéo với các đại lý hay trung gian môi giới.
Những nhà môi giới, đại lý sẽ được cung cấp đa dạng đối tượng trên thị trường và trở thành cầu nối được bên mua - bán tin tưởng sau khi đã thông qua các bước đào tạo và được chứng nhận trong cộng đồng. Khi đó, với những tiêu chí tham gia rõ ràng, cả người mua và người bán sẽ cảm thấy mình lợi ích được chia sẻ một cách minh bạch và cao nhất.
Tất nhiên, lưu ý rằng, muốn phục vụ cộng đồng tốt, yêu cầu quan trọng là vấn đề hạ tầng công nghệ phải luôn được đảm bảo, đặc biệt là các tính năng phục vụ cho việc quảng bá dự án. Ngoài ra, nếu với người môi giới và các sàn liên kết, điều họ lo ngại nhất là chủ đầu tư chậm, nợ hoặc không thanh toán hoa hồng, thì với người mua là đó là thông tin minh bạch, cũng như việc đảm bảo quyền lợi khi có rủi ro xảy ra trong quá trình ký kết hợp đồng mua nhà thông qua cộng đồng.
Điều này đòi hỏi cần có thêm sự vào cuộc của các nhà quản lý để cùng xây dựng sân chơi và thiết lập các khuôn khổ pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ sao cho phù hợp với sự phát triển chung của thị trường.
Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn