Aa

KTS. Phạm Thanh Tùng: Đã đến lúc cần bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho chính quyền đô thị của thành phố trực thuộc Thủ đô

Thúy Quỳnh (thực hiện)
Thúy Quỳnh (thực hiện) buithuyquynh2312@gmail.com
Thứ Sáu, 11/08/2023 - 06:00

Bên cạnh điều kiện về hạ tầng, để phát triển thành phố trực thuộc Thủ đô trở thành đô thị có bản sắc riêng, cần quy hoạch nhân lực để xây dựng chính quyền đô thị chất lượng và có sự thấu hiểu con người địa phương.

Theo đề án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn 2065, TP. Hà Nội sẽ có 2 thành phố trực thuộc là thành phố phía Bắc sông Hồng (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc, Xuân Mai).

Mới đây, ngày 7/8/2023, lãnh đạo 3 huyện Sóc Sơn, Mê Linh và Đông Anh cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo đề xuất TP. Hà Nội cho phép lập Đồ án Quy hoạch thành phố Bắc sông Hồng trực thuộc Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Sau hơn 10 năm quy hoạch 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đông Anh) nhưng chưa thành công, đề án quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô dường như còn một chặng đường dài để hoàn thành nhiệm vụ giảm mật độ dân cư đô thị khu vực trung tâm, tạo cực tăng trưởng mới cho Thủ đô.

Trong bối cảnh đó, những điều kiện về hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối giao thông, hạ tầng dân cư, nhà ở, dịch vụ, thương mại được nhận định là những điều kiện tiên quyết để hai thành phố trực thuộc Thủ đô thành hình và phát triển một cách độc lập.

Nhưng, suy cho cùng, mọi vấn đề của xã hội loài người sinh ra từ con người và cũng sẽ kết thúc ở con người. Xây dựng một thành phố mới không chỉ cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, nhà cửa, phố xá, xe cộ, mà cũng cần sự chuẩn bị về con người, với những tâm thế mới, với sự tiếp nhận một không gian sống mới, học cách dung hòa giữa lối sống cũ và lối sống mới có nhiều điểm khác biệt căn bản.

Rõ ràng, để dựng lên một thành phố có đủ mọi cơ sở vật chất là rất dễ, nhưng để thành phố đó thực sự trở thành nhà, là nơi để về, để sinh sống, học tập và hướng đến tương lai của cư dân dường như khó khăn hơn nhiều. 

Bàn về vấn đề quy hoạch nhân lực cho thành phố trực thuộc Thủ đô, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. 

thành phố trong thành phố, thành phố trực thuộc thủ đô, quy hoạch hà nội, thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây
KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Công nghiệp hóa nông thôn, chứ không phải đô thị hóa một cách vội vàng

PV: Thưa Kiến trúc sư, việc quy hoạch hai thành phố trực thuộc Thủ đô có ý nghĩa như thế nào với Hà Nội? 

KTS. Phạm Thanh Tùng: Chủ trương quy hoạch thành phố trong thành phố là một phương hướng đúng đắn đối với Hà Nội, đem lại nhiều lợi ích, trước là giảm mật độ dân cư đô thị, đảm bảo chất lượng sống, sau là tạo cực tăng trưởng mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Một ý nghĩa rất quan trọng của mô hình thành phố trong thành phố với Hà Nội đó là việc sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh ở trung tâm thành phố. Phía bờ bên kia của sông Hồng hiện nay đang phát triển rất mạnh, chúng ta có quận Long Biên, tiếp sau đây sẽ là quận Gia Lâm và thành phố phía Bắc sông Hồng.

Cũng giống như sông Thames của London (Anh), sông Venice của Ý, sông Hồng với những giá trị lịch sử và cảnh quan của riêng nó sẽ không còn bị “bỏ quên” ở ngoài rìa đô thị mà sẽ trở thành dòng sông định hình trung tâm của Thủ đô một cách rõ ràng hơn, rành mạch hơn khi mà chúng ta có hai thành phố phát triển hài hòa hai bên sông. 

thành phố trong thành phố, thành phố trực thuộc thủ đô, quy hoạch hà nội, thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây
Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh tại vị trí trung tâm TP. Hà Nội trong tương lai. (Ảnh: TTXVN)

Tôi nhớ Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng chia sẻ mong muốn Hà Nội cũng có rừng trong thành phố. Mọi người có thể không hiểu hết ý của ông và cho rằng làm sao mà có rừng giữa Thủ đô được, nhưng tôi cho rằng là có thể. Khi mật độ dân cư đô thị giảm xuống, khi sông Hồng thực sự trở thành trục cảnh quan xanh trung tâm của Hà Nội, thì “rừng” sẽ xuất hiện ở những lâm viên, công viên, không gian công cộng của thành phố. Thành phố sẽ xanh hơn, con người dễ thở hơn. 

Đương nhiên, để làm được điều đó thì phải có đất, phải giãn dân đô thị, nghĩa là hai thành phố trực thuộc Thủ đô phải thành hình và phát triển một cách độc lập, mạnh mẽ. Cho nên, việc thành lập hai thành phố trực thuộc Thủ đô không chỉ có ý nghĩa với những huyện ngoại thành, mà có ý nghĩa rất lớn với khu đô thị trung tâm của Hà Nội, với định hướng trở thành thành phố xanh, thông minh, đậm đà bản sắc văn hóa của Thủ đô. 

PV: Theo ông, về khía cạnh xã hội, liệu có mâu thuẫn nào xảy ra khi những khu vực nông thôn như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn hay Hòa Lạc, Xuân Mai trở thành đô thị trực thuộc trong những bước tiến tới đây của Hà Nội? 

KTS. Phạm Thanh Tùng: Tôi cho rằng sẽ không có nhiều xung đột, bởi chúng ta cũng đâu có thể thay đổi đột ngột, đưa huyện ngoại thành lên thành phố ngay sau một đêm. Nó sẽ cần phải trải qua một quá trình và trong đó những mâu thuẫn sẽ dần được khắc phục. 

Hơn nữa, hiện nay tại các khu vực định hướng quy hoạch lên đô thị trực thuộc, biểu hiện của đô thị hóa cũng đã rất rõ ràng, bên cạnh cảnh quan nông thôn vốn có. Thế hệ nông dân hiện tại đã không còn giống như lớp người cũ nữa, họ đã trở thành nông dân thế hệ mới, biết ứng dụng máy móc, công nghệ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Cách nhìn của họ về đô thị và người đô thị cũng khác nhiều, chứ không phải là sự đối lập gắt gao và khó dung hòa như mọi người vẫn thường hay nghĩ đến nữa. 

Công nghiệp hóa nông thôn, chứ không phải đô thị hóa nông thôn. Tức là để đưa nông thôn trở thành đô thị hiện đại, cần phải trải qua quá trình đưa nông thôn cũ trở thành nông thôn mới; đưa nông nghiệp truyền thống trở thành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái; đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào đời sống sản xuất, sinh hoạt của người nông dân để họ trở thành nông dân thế hệ mới.

KTS. Phạm Thanh Tùng

Cho nên, để nông thôn trở thành đô thị hiện đại, cần phải trải qua quá trình đưa nông thôn cũ trở thành nông thôn mới; đưa nông nghiệp truyền thống trở thành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái; đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào đời sống sản xuất, sinh hoạt của người nông dân để họ trở thành nông dân thế hệ mới. Tức là công nghiệp hóa nông thôn, chứ không phải đô thị hóa nông thôn một cách vội vàng.

Những xung đột nội tại giữa đô thị - nông thôn sẽ được giải quyết nếu như người nông dân được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để thích nghi với không gian mới, sinh kế kiểu mới và những luật lệ mới. Cùng với đó, đô thị cũng sẽ có nền tảng để phát triển theo hướng đô thị sinh thái và bền vững. 

Quy hoạch nhân lực cũng quan trọng không kém sự chuẩn bị về hạ tầng đô thị

PV: Theo ông, để xây dựng và vận hành hai thành phố trực thuộc Thủ đô hiệu quả, chúng ta cần có sự chuẩn bị như thế nào về con người? 

KTS. Phạm Thanh Tùng: Trước tiên, để định hình hai thành phố trực thuộc Thủ đô, đương nhiên phải chuẩn bị về hạ tầng. Cần phải có hạ tầng kết nối giao thông giữa thành phố trực thuộc và khu vực trung tâm, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp. Nếu không đủ nguồn lực để xây dựng nhà ở giá rẻ thì có thể tính đến bài toán cho thuê. Cốt lõi là làm thế nào để cho những người di chuyển đến thành phố mới có được chỗ ở, việc làm tại đó, có thể sinh sống ổn định, lâu dài, được đáp ứng các nhu cầu về ăn uống, đi lại, giải trí, giáo dục, y tế. Đây là nhiệm vụ của hạ tầng đô thị và phải chuẩn bị thật chu đáo những điều kiện đó thì mới có thể hút dân từ nội thành di chuyển về ngoại thành được. 

Khi số dân tăng lên thì vai trò của chính quyền đô thị sẽ càng đậm nét. Nhưng hiện nay, thực ra chúng ta chưa có chính quyền đô thị. Mọi người vẫn hay gọi là “chính quyền đô thị Hà Nội”, “chính quyền đô thị Hải Phòng”, nhưng thực chất mô hình quản lý hiện nay chưa phải là chính quyền đô thị.

Mô hình chính quyền đô thị tại các quốc gia trên thế giới phải bao gồm một người đứng đầu với vai trò là thị trưởng thành phố cùng với một hội đồng thành phố hỗ trợ cho thị trưởng. Hội đồng thành phố sẽ bao gồm những người tài giỏi, có trình độ chuyên môn cao và không phân biệt độ tuổi. Có thể có những người rất trẻ, đại diện cho tiếng nói của lực lượng cư dân trẻ trong xã hội đô thị. 

thành phố trong thành phố, thành phố trực thuộc thủ đô, quy hoạch hà nội, thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây
Mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt các cấp chính quyền, tiết kiệm thời gian xử lý thủ tục hành chính và đưa các quyết sách đến với đời sống thực tế. (Ảnh minh họa: Luật Việt Nam)

Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải đặt ra bài toán đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền đô thị, chứ không phải cho một quận hay một huyện nào. Điều này đòi hỏi đề án điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô mới sẽ phải là một đề án quy hoạch đa ngành, bao gồm cả quy hoạch hạ tầng, quy hoạch kinh tế đến quy hoạch nhân lực, chuẩn bị về con người, về những người lãnh đạo sẽ dẫn dắt, quản lý, định hướng sự phát triển của hai thành phố trực thuộc Thủ đô đầu tiên.

PV: Như vậy, quy hoạch hai thành phố trực thuộc Thủ đô cũng cần phải đảm bảo không gian phát triển con người trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa vốn có, phải không thưa ông?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Đúng là như vậy, một thành phố hạnh phúc không phải là một thành phố giàu có, nhiều tòa nhà chọc trời, mà là một thành phố có cư dân hạnh phúc, ở đó con người được sống hài hòa với thiên nhiên, với cộng đồng, được sống là mình và sống có văn hóa. Văn hóa đô thị sẽ được hình thành từ luật pháp, từ hướng dẫn của chính quyền đô thị với người dân. Điều đó có nghĩa là, muốn xây dựng đô thị có văn hóa thì phải có chính quyền đô thị có văn hóa. 

Phải là một người yêu và hiểu sâu sắc về Hà Nội thì mới biết được như thế nào là tốt cho Hà Nội, hoạch định như thế nào để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn văn hóa của Hà Nội. Tương tự với thành phố trực thuộc, những người đứng đầu cũng phải là những người được đào tạo chuyên sâu, có sự thấu hiểu con người và văn hóa địa phương để dẫn dắt người dân hòa nhập với vị thế mới. Chứ không phải là một người nông dân chuyển từ sống trong một căn nhà ngói ba gian lên sống trong một căn hộ chung cư và cho rằng họ đã có lối sống đô thị, là cư dân của thành phố mới. 

Trước đây khi sáp nhập huyện Từ Liêm vào TP. Hà Nội và tách ra làm quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, nhiều cư dân của những làng nghề như làng Cốm Vòng, làng Mễ Trì phải từ bỏ nghề truyền thống vì bây giờ làng đã lên phố, đường làng thành đường phố, họ không còn không gian để bám trụ với nghề. Như thế là không đúng.

Quy hoạch từ vùng nông thôn lên thành phố vẫn phải giữ được cốt cách, giữ được nghề truyền thống. Bởi đó mới chính là nét riêng làm nên bản sắc độc đáo của đô thị - điều mà không phải chỉ cần bỏ công sức, tiền bạc, nguồn lực ra là có thể kiến tạo trong ngày một ngày hai. Lớp trầm tích văn hóa làm nên giá trị riêng của đô thị càng được tích lũy thì càng trở nên quý giá, cho nên khi có được rồi thì phải giữ lấy. 

thành phố trong thành phố, thành phố trực thuộc thủ đô, quy hoạch hà nội, thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây
Huyện Mê Linh là một trong ba huyện nằm trong quy hoạch thành phố phía Bắc sông Hồng, vốn nổi tiếng với những làng nghề trồng hoa có lịch sử lâu đời. (Ảnh: Báo Phụ nữ)

Hơn hết, chính những làng nghề sẽ tham gia vào công nghiệp văn hóa và đóng góp vào sự phát triển du lịch của thành phố, chứ không chỉ còn là sinh kế hằng ngày của con người. Trước đây, khi Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, ông dừng lại mua một gói cốm làng Vòng được bọc trong lá sen và gói bằng sợi rơm trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn của văn hóa, của bản sắc dân tộc là rất mạnh mẽ và có sức lan tỏa đến nhiều tầng lớp trong xã hội.

Hay tại những thành phố rất hiện đại của Cộng hòa Séc, người ta vẫn giữ nghề thổi thủy tinh theo kiểu thủ công. Cho dù có một nhà máy sản xuất đồ thủy tinh hiện đại đến như thế nào thì cũng không thể đem lại cho du khách sự thích thú như khi được trải nghiệm thổi thủy tinh truyền thống được. 

Do đó, quy hoạch đô thị trực thuộc cũng phải tính đến chọn lựa và quy hoạch không gian phát triển làng nghề cũng như những không gian văn hóa khác, như đình, đền, chùa, miếu. Làng nghề cùng với những di sản kiến trúc là minh chứng để cho con người hiểu được văn hóa địa phương, rộng hơn là văn hóa của cha ông, kế thừa và phát huy những giá trị không thể thay thế, cũng không thể thay đổi một cách dễ dàng. 

Đô thị là sản phẩm không gian văn hóa vật chất khổng lồ do con người sáng tạo ra. Do đó, con người phải là trung tâm trong quy hoạch đô thị. Người quản lý đô thị là người đứng đầu, là người đại diện cho cư dân thành phố để định hướng phát triển đô thị phải là người biến giấc mơ thành sự thật. Sự chuẩn bị về con người cũng quan trọng như chuẩn bị kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, thậm chí còn nhiều chông gai và thử thách hơn. Nhưng ở đâu có ý chí, ở đó có con đường. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP. Hà Nội năm 2023 tổ chức vào ngày 9/8/2023, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã cung cấp thông tin liên quan tới quy hoạch sông Hồng: "Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông. Đây là nội dung đã được Bí thư Thành ủy chỉ đạo cũng như truyền tải đến các chuyên gia trong tổ tư vấn để triển khai trong thời gian tới".

Sông Hồng kết hợp với các trục Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây. Như vậy, trong thời gian tới, sông Hồng sẽ trở thành sông nằm giữa đô thị phía Bắc - Nam Hà Nội, đi qua trung tâm của thành phố. Về khớp nối của sông Hồng trong quy hoạch chung, trục cảnh quan sông Hồng sẽ là cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định trong việc phát triển đô thị của 2 bên sông.

Dự kiến cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông. Trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Như vậy, trong tương lai, trục cảnh quan sông Hồng sẽ sớm trở thành trục cảnh quan chính của Thủ đô, góp phần quan trọng định hình diện mạo chung của thành phố cũng như đem lại sức hút mới về không gian, địa chất và văn hóa. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top