Aa

Quy hoạch đang là "điểm nghẽn" của phát triển

Thứ Ba, 01/08/2023 - 05:57

Quy hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực; từ quy hoạch đô thị đến nông thôn; từ quản lý và sử dụng đất đai đến mặt nước, bầu trời. Để khai thác tốt dư địa, không thể xem nhẹ quy hoạch.

Cách đây một tháng (ngày 1/7), tại Lâm Đồng, xảy ra vụ sạt lở đau lòng. Một đoạn ta luy kéo theo lượng đất đá nặng hàng chục tấn đổ xuống phía dưới với lực rất mạnh, bụi đá bắn lên tung tóe, trượt xa nhiều mét, “vò” nát 1 ngôi nhà vốn đã bị hư hỏng nặng sau cơn “địa chấn” trước đó (ngày 29/6) tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, TP. Đà Lạt, làm chết 2 người.

Và, cơ quan chức năng địa phương đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 298, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Câu chuyện đau lòng, đáng tiếc, không phải là duy nhất. Ngay tại TP. Đà Lạt, ngoài vụ việc tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám; thời điểm đó còn xảy ra hàng loạt vụ ngập lụt, sạt lở khác. Trên đường Đặng Thái Thân (phường 3) xảy ra 2 vụ sập bờ ta luy đá, gây lấp đường, ảnh hưởng 3 căn nhà. Tại phường 4, một bờ ta luy bị sạt lở gây sập tường và công trình phụ 2 căn nhà cấp 4. Trên đường Thi Sách (phường 6), một bờ ta luy cao 5m, dài 15m, cũng đổ sập. Tại phường 11 cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ ta luy gây sập vách, làm hư hỏng 3 căn nhà.

Thường “mất bò mới lo làm chuồng”, sau vụ sạt lở, bàn đến nguyên nhân thì có cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, chung nhất, theo các nhà địa chất và thủy lợi, đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng “cực đoan”, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương... (Với vụ việc tại TP. Đà Lạt, có thực tế là, từ đêm 28/6 đến 2h sáng 29/6, mưa kéo dài. Vì thế, ta luy bằng bê tông cao hàng chục mét tại hẻm 15/2 Yên Thế sụt, kéo theo lượng đất đá khổng lồ đổ ụp xuống thung lũng thuộc hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, gây hậu quả chết người như đã xảy ra).

Ngoài thiên tai bất thường, sạt lở có nguyên nhân “nhân tai”. Với vụ việc ở TP. Đà Lạt, việc thi công ta luy không đúng theo bản vẽ thiết kế được duyệt và không đúng với quy định tại Quyết định 41/2021/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015) của UBND tỉnh Lâm Đồng về quản lý quy hoạch và xây dựng. Theo đó, bờ ta luy chỉ được xây chiều cao 4m, nhưng ta luy này cao khoảng 10m. Mặt khác, chủ đầu tư đổ 2.100m3 đất ở nơi có bờ kè tường bê tông vây quanh tạo thành cái phễu hứng nước, trong khi các lỗ thoát nước rất nhỏ. Khi mưa lớn kéo dài thì nước xô đổ ta luy là chuyện khó tránh.

Hiện trường vụ sạt lở tại Đà Lạt hôm 29/6. (Ảnh: Hoài Thanh/VnExpress)

Về “nhân tai”, rộng ra, sạt lở nói chung do sự can thiệp của con người vào tự nhiên như phá rừng, khai thác đất, đá làm vật liệu; bạt núi, san đồi để thi công các công trình giao thông, làm nhà ở; khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch... Và, đó là việc các chủ dự án, lực lượng thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát không chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng. Đấy là chưa nói đến quy hoạch không được điều chỉnh, bổ sung, thiếu căn cứ khoa học.

Để chống sạt lở (lở núi, lở bờ sông, suối...), bảo vệ các công trình, bảo đảm an toàn và tính mạng cho người dân, đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Về trước mắt, sau vụ sạt lở ở Đà Lạt, tại Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ...

Cả đất nước đang đầu tư xây dựng, từ công trình kinh tế - xã hội đến dân cư. Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng nhưng bớt can thiệp cực đoan vào môi trường tự nhiên hoặc hạn chế tối đa các hoạt động làm mất cân bằng tự nhiên (đặc biệt là trong quá trình xây dựng các công trình khai khoáng, giao thông, thủy điện, thủy lợi), có ý nghĩa quan trọng. Do các giải pháp công trình thường mang tính thụ động, nếu không tôn trọng quy hoạch, thiết kế, thi công cẩn thận và xem xét chúng trong mối tương quan hỗ trợ với các biện pháp khác thì sẽ không có kết quả như mong đợi, thậm chí hậu quả khôn lường.

Về lâu dài, phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, nhất là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng ta có hệ thống pháp luật về quy hoạch (Luật số 21/2017/QH14 và các văn bản quy phạm pháp luật khác); có lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng từ Bộ đến Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố... Đáng tiếc, chưa có hiệu lực, hiệu quả như kỳ vọng. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, như vụ án Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt ở Vĩnh Phúc là điển hình.

Quy hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến cán bộ; từ quy hoạch đô thị đến nông thôn; từ quản lý và sử dụng đất đai đến mặt nước, bầu trời. Để khai thác tốt dư địa, không thể xem nhẹ quy hoạch. Đáng tiếc, khâu “yếu nhất” của quản lý đất nước lại chính là quy hoạch. Dễ thấy điều này từ quy hoạch ngành, đến vùng, lãnh thổ; từ quy hoạch đô thị đến quy hoạch nông thôn. Điểm yếu thể hiện ở trên bốn mặt cơ bản: chất lượng quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch, xung đột lợi ích giữa các quy hoạch (ví dụ, thủy điện xung đột giao thông thủy nội địa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt) và quản lý thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực. (Ảnh minh họa: 1.6 Media)

Chúng ta nhìn rất rõ điều này ở quy hoạch đô thị ở Việt Nam và tình trạng vi phạm Luật Quy hoạch đô thị (Luật số 30/2009/QH12). Đô thị Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh nhưng chất lượng đô thị còn thấp; phát triển đô thị và đô thị hóa chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền, tạo sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn; bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị lộn xộn, thiếu thẩm mỹ; ô nhiễm và ùn tắc giao thông nghiêm trọng... Điều nguy hiểm là có biểu hiện lợi ích nhóm, phá vỡ quy hoạch. Đáng tiếc chưa có vụ việc nào bị khởi tố. Chưa có ai làm quy hoạch sai, phá vỡ quy hoạch phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trở lại vụ sạt lở ở Đà Lạt, báo chí dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia, rằng, trước đây người Pháp quy hoạch Đà Lạt rất bài bản, việc quản lý xây dựng, kiểm soát khai thác hồ nước, rừng thông rất chặt chẽ. Các đồ án quy hoạch đều nhất quán về ý tưởng xây dựng Đà Lạt là thành phố trong rừng và rừng trong thành phố. Thế nhưng, sau đó rừng thông nội ô ngày càng thưa thớt, mật độ bê tông hóa ngày càng tăng, đến mức thiếu kiểm soát. Vì san lấp mặt bằng tràn lan, xây dựng công trình trên nền đất yếu nên xảy ra nhiều sự cố.

Có thể nói, “thời đại bê tông” không kiểm soát, đặc biệt là trên các khu vực dốc và đất yếu, gây ra sự suy giảm đáng kể về sức chứa của đất và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Ở các đô thị Việt Nam, lâu nay người ta “thi nhau” lấp hồ, lấp các dòng nội đô vốn có công năng điều tiết nước và điều hòa khí hậu. Đây cũng là nguyên nhân ngập úng và sạt lở xảy ra. Mặt khác, hệ thống nhà kính dày đặc nên những khi mưa lớn, nước không thể thấm xuống đất mà đổ dồn xuống suối nên không thoát kịp gây ngập lụt cục bộ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của quy hoạch, gần đây nhất, ngày 09/01/2023, Quốc hội có Nghị quyết 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Văn bản này được đánh giá là thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới”.

Đây là cơ sở, căn cứ để lập các quy hoạch như: Không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia, ngành quốc gia, vùng, tỉnh/thành phố, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đô thị, nông thôn trên cả nước. Chúng ta hy vọng đất nước phát triển đúng quy hoạch và dự báo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top