Aa

Kỳ 1: Làm gì để The Sunrise Bay… bay cao?

Thứ Ba, 30/05/2023 - 07:09

Tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng thu hồi Dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước (quy mô 181ha).

LTS: Dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước được UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương triển khai từ năm 2005. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) với quy mô khoảng 162,6ha (theo Quyết định số 4649/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng ban hành ngày 6/6/2005). Sau đó, dự án được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần với tổng diện tích khoảng 240ha.

Năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP. Đà Nẵng). Thời điểm Thanh tra Chính phủ thanh tra, Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án, gồm: Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (181ha) do Công ty TNHH Daewon Cantavil (thực hiện từ năm 2006 - trước 2015) và Công ty TNHH The Sunrise Bay (thực hiện từ năm 2015 trở đi); Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (29ha) do Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước thực hiện.

Dự án lấn biển đầu tiên tại TP. Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành động lực cho sự phát triển của một đô thị biển hiện đại với hàng loạt điểm nhấn kiến trúc mang tầm vóc quốc tế. Thế nhưng, gần 20 năm trôi qua, số phận của dự án này vẫn mãi long đong…

Cụ thể, đối với dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước (181ha), Thanh tra Chính phủ kết luận, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Daewon Cantavil thuê 181,53ha. Trong đó, việc xác định tiền thuê đất và mặt nước đối với diện tích 145ha trong 50 năm sẽ là 10 triệu USD không bị điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động của dự án đã vi phạm Điều 56 Luật Đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 4 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Sau gần 20 năm kể từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay dự án lấn biển đầu tiên tại TP. Đà Nẵng -
"Vầng trăng khuyết" vẫn tắc nghẽn. (Ảnh: Đông Duy)

Đà Nẵng kiến nghị không thu hồi, giao lại cho chủ đầu tư

Tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (181ha), UBND TP. Đà Nẵng đã 6 lần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) dẫn đến thay đổi về cơ cấu, mục đích sử dụng đất, mục tiêu đầu tư, trong đó có những lần làm phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất đai (trừ các lần phê duyệt điều chỉnh, cắt bỏ diện tích sân golf chuyển thành nhà phố, biệt thự… không đúng thẩm quyền) nhưng UBND TP. Đà Nẵng lại chưa xác định bổ sung chênh lệch giữa tiền sử dụng đất và tiền thuê đất nộp ngân sách Nhà nước, không đúng quy định tại Điều 12 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất.

Đến thời điểm thanh tra, UBND TP. Đà Nẵng chưa có quyết định chính thức về việc xác định nghĩa vụ tài chính đất đai đối với dự án. Bên cạnh đó, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, trong đó điều chỉnh, cắt bỏ sân golf đổi thành nhà phố, biệt thự của UBND TP. Đà Nẵng là không đúng thẩm quyền, chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cũng xác định trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư, cá nhân có liên quan đã không chấp hành đầy đủ, vi phạm quy định của pháp luật… Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (181ha) đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau thời gian dài kể từ thời điểm công bố kết luận thanh tra, UBND TP. Đà Nẵng xác định việc thu hồi dự án kể trên là không khả thi.

Mới đây nhất, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cho phép Đà Nẵng tiếp tục để nhà đầu tư triển khai dự án 181ha. Chủ tịch UBND thành phố nhận định, việc thu hồi dự án này liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2020 là rất khó khăn, bất khả thi.

Đã có khoảng hơn 1.000 trường hợp đặt cọc mua sản phẩm tại dự án The Sunrise Bay.

Qua quá trình rà soát, kiểm tra trình tự thủ tục để thu hồi, UBND TP. Đà Nẵng nhận thấy không có cơ sở pháp lý để thu hồi dự án của nhà đầu tư theo pháp luật. Dù dự án triển khai thực hiện chậm tiến độ, nhưng thực tế sau khi nhận quyết định đầu tư, chủ dự án đã cho đắp đập, xây kè để đổ đất lấn biển với diện tích hơn 112ha trên tổng diện tích được giao là 181ha. Việc chậm trễ so với tiến độ dự án có một phần do trách nhiệm của cơ quan Nhà nước khi bàn giao đất chậm, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Với tổng thời gian liên quan đến lần điều chỉnh cuối cùng lên đến 51 tháng, đồng thời, chính quyền cũng chưa thực hiện việc gia hạn 24 tháng trước khi thu hồi theo quy định.

UBND TP. Đà Nẵng ước tính, tổng chi phí mà nhóm cổ đông bỏ ra thực hiện dự án là hơn 8.000 tỷ đồng. Khi thu hồi, thành phố phải xem xét hoàn trả kinh phí với số tiền quá lớn khi phải thuê tư vấn thẩm định lại toàn bộ chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra nên rất mất thời gian, kinh phí. Bên cạnh đó, việc thu hồi cũng sẽ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự khu vực khi đã có hơn 1.000 trường hợp ký hợp đồng đặt cọc mua sản phẩm tại dự án.

Trên thực tế, kiến nghị cho tiếp tục triển khai dự án 181ha trước đó đã được UBND TP. Đà Nẵng đưa ra trong năm 2021, nằm trong đề xuất thực hiện các giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển. Theo đó, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện nội dung kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách Nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án và không thực hiện thu hồi.

Cần có giải pháp để khơi thông điểm nghẽn đất đai tồn tại nhiều năm

Dự án The Sunrise Bay (Khu đô thị quốc tế Đa Phước, quy mô 181ha) từng được đánh giá là siêu dự án lấn biển đầu tiên tại TP. Đà Nẵng. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần quan trọng nâng tầm vóc thiết kế cảnh quan của Đà Nẵng nói riêng và của khu vực miền Trung nói chung. Dự án được xem như là "nóc nhà" của TP. Đà Nẵng vì có thể quan sát được cảnh quan đô thị tại những điểm cách xa như đỉnh Sơn Trà, đèo Hải Vân cũng như những luồng hàng hải trên biển hay tuyến hàng không trên bầu trời.

Siêu dự án lấn biển tại TP. Đà Nẵng đã “cửa đóng then cài” trong nhiều năm.

Dự án được triển khai theo 5 giai đoạn với các sản phẩm như: Biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà phố, nhà phố thương mại kết hợp với những tiện ích như sân golf, trường học, bệnh viện quốc tế, đài nước, bể bơi, trung tâm hội nghị quốc tế, khu bến cảng dành riêng cho du thuyền của cư dân, tòa nhà văn phòng, sân chơi cho trẻ em…

Sau nhiều lần được điều chỉnh và thi công, đến năm 2017, dự án phải tạm dừng để thực hiện thanh tra. Đến nay, hiện trạng dự án từng được kỳ vọng là điểm nhấn, động lực phát triển cho thương mại - dịch vụ của TP. Đà Nẵng chỉ dừng lại ở 2 từ “ngổn ngang”.

Bao quanh dự án, vị trí hướng giáp với đường Nguyễn Tất Thành vẫn chỉ là những bức tường rào quây tôn đã có phần cũ kỹ và cỏ mọc um tùm. Ở hướng giáp biển, trước đây đã thi công một phần đê kè và phần diện tích san lấp lấn biển, khoảng 50ha thuộc giai đoạn 1 đến nay bị bỏ hoang. Và phần diện tích mặt nước nằm trong phần đê kè đã thi công thì được một số tàu thuyền của ngư dân tận dụng làm nơi neo đậu.

Một diện tích nhỏ thuộc dự án được dùng là nơi tập kết, phân loại rác.

Nếu xem tuyến đường Nguyễn Tất Thành là một “đòn gánh”, gánh các dự án động lực tạo sự phát triển của TP. Đà Nẵng ở khu vực ven biển thuộc Vịnh Đà Nẵng, thì có lẽ “đòn gánh” đó đang có phần mất cân bằng. Một đầu (hướng Nam Ô), nhiều dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai với quy mô lớn như: Dự án Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa; Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Dự án bến cảng Liên Chiểu,… tạo nên sự sôi động và hấp dẫn cho khu vực thì ở đầu còn lại (hướng cầu Thuận Phước) đang mang vẻ đìu hiu bởi sự “đứng hình” của siêu dự án lấn biển.

Từ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (thông báo số 1399/TB-TTCP ngày 14/8/2020 của Thanh tra Chính phủ) yêu cầu thực hiện thủ tục thu hồi dự án và kiến nghị của UBND TP. Đà Nẵng cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án  có thể thấy, trong khi các cấp đang tìm giải pháp hợp lý để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai thì hiện trạng trước mắt vẫn là sự hoang hóa của khu "đất vàng", giá trị của đất vẫn chỉ nằm ở kỳ vọng, cùng với đó là sự xót xa từ người dân và những người “yêu Đà Nẵng”.

Nhiều người cho rằng, nếu tháo gỡ được nút thắt thì The Sunrise Bay sẽ có cơ hội “bay cao” và thu hút dòng tiền đầu tư lớn về cho thành phố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top