Aa

Kỳ 2: Bảo vệ từng hiện vật, từng di tích

Thứ Hai, 17/08/2020 - 06:00

Diện mạo đô thị cổ Hội An “đứng vững” đến ngày hôm nay phải nói đến sự chung tay, góp sức của cộng đồng; đặc biệt là tư duy, nhận thức về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của lãnh đạo Quảng Nam và Hội An qua các thời kỳ.

Lời tòa soạn:

Diện mạo Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, được hình thành từ thế kỷ 17 và phát triển đến đầu thế kỷ 20 với sự đa dạng về loại hình di tích như: đình, chùa, miếu, hội quán, cầu, nhà ở - hiệu buôn, nhà thờ tộc, giếng nước, bến cảng..., thể hiện sự giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa Việt, Hoa, Nhật và phương Tây của cộng đồng dân cư đã sinh sống và bán buôn ở thương cảng Hội An sầm uất một thời.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, tác động của thiên nhiên và đặc biệt là sự khai thác dịch vụ, du lịch theo kiểu “vắt kiệt” di sản trong những năm qua đã khiến Đô thị cổ Hội An quá tải, kiệt sức. Văn hóa ứng xử của người Hội An với sự chân tình thuần hậu ngày nào đang bị tấn công bởi những lợi ích trước mắt… GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính cảnh báo: “Chúng tôi e ngại rằng, cứ đà này, kèm theo sự tác động từ bên ngoài và thời đại, di sản Hội An, chí ít là khu phố cổ, sẽ dần dà trở thành khối bất động sản được bảo tồn tươm tất, mà cộng đồng dân cư nơi đây thì đã đổi máu”.

Trên thực tế, từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân TP. Hội An, sự giúp đỡ chí tình của các cá nhân, tổ chức quốc tế, hàng nghìn di tích có nguy cơ sụp đổ đã được tu bổ, tôn tạo, cứu nguy và gìn giữ. Tuy nhiên, công cuộc bảo tồn và phát triển Đô thị cổ Hội An sao cho không đánh mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Thông qua khảo sát, tìm hiểu về lịch sử bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Giữ hồn phố xưa với mong muốn độc giả sẽ có cái nhìn toàn cảnh và khách quan về vấn đề này.

Hội An là vùng đất cuối sông Thu Bồn và xa hơn nữa là nơi hội thủy của sông Trường Giang, Cổ Cò và hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn trước khi đổ ra Biển Đông, hằng năm thường xuyên hứng chịu bão, lụt. 

GIỮ BỨC TƯỢNG Ở CHÙA ÔNG BỔN

Hội An là thương cảng sầm uất, tàu thuyền các nước thường lui tới bán buôn, tránh gió bão ở cảng Đại Chiêm - Cù Lao Chàm. Ngoài ra, một bộ phận cư dân không nhỏ là thương nhân người Hoa, người Nhật vượt biển khơi đến định cư, lập phố ở Hội An, họ rất coi trọng thờ cúng những vị thần phù hộ, độ trì cho việc đi lại, buôn bán trên sông, trên biển “xuôi chèo mát mái”. Vì vậy, tại nhiều đình, chùa, miếu mạo, hội quán ở Hội An đều có thờ các vị thần này. 

Chùa Ông Bổn - Hội An
Chùa Ông Bổn - Hội An

Chùa Ông Bổn hay còn gọi Hội quán Triều Châu (362 Nguyễn Duy Hiệu) cũng không ngoại lệ. Khởi nguyên, Hội quán Triều Châu thờ thần Phục Ba tướng quân, là vị thần tượng trưng cho việc chinh phục sóng gió, cầu yên cho thương thuyền đi lại trên biển của thương nhân người Hoa. Đây là di tích được xác định có kiến trúc gỗ tinh xảo, đẹp nhất trong các hội quán ở Hội An.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thị ủy Hội An, kể rằng: “Có giai đoạn, một hội đoàn thể chính trị của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phản đối quyết liệt việc tồn tại một bức tượng được thờ ở chùa. Hội này yêu cầu phải đập bỏ, đưa ra khỏi chùa, không để cho người dân đến thắp hương cúng bái. Bởi nhiều người nghĩ rằng sự tồn tại và chiêm bái bức tượng là không tôn trọng lịch sử; suy tôn, thờ cúng không đúng mỹ tục của dân tộc…”.

Sự việc nặng nề, rùm ben, khiến chính quyền Hội An nao núng, khó xử. Nhưng, cũng theo ông Nguyễn Sự, Hội An giai đoạn này là ông Võ Hiên cũng “cứng cựa không chịu xuống nước”, nên tổ chức họp Ban thường vụ thống nhất theo hướng “giữ chứ không bỏ”, rồi báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo cao hơn là Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Đô thị cổ Hội An còn lưu giữ như ngày nay nhờ vào sự đồng thuận của chính quyền và người dân
Đô thị cổ Hội An còn lưu giữ như ngày nay nhờ vào sự đồng thuận của chính quyền và người dân

Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Võ Văn Đặng, Chủ tịch MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn vào ngay Hội An kiểm tra, đã truyền đạt chỉ đạo của ông Hồ Nghinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: “Các anh đừng có phá, cứ giữ đó. Phải coi tất cả các khu phố, nhà ở, hiện vật, công trình kiến trúc, tín ngưỡng ở Hội An là tài sản giá trị của ông bà bao đời để dành cho các thế hệ ở Hội An”. Vậy là, mọi việc êm thuận, dần dần mọi chuyện lùi vào quên lãng, không còn ai nhắc đến chuyện đập phá gì nữa! 

“Từ sự nhất quán trong tư duy, coi trọng giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, TX. Hội An và cộng đồng dân cư đã giúp cho đô thị cổ Hội An tồn tại, phát triển, trong lúc nhiều nơi đình, miếu bị tháo dỡ…”, ông Nguyễn Sự nói và nhận định: “Đây không chỉ là chuyện riêng lẻ của một bức tượng, một hiện vật cụ thể mà với tầm hiểu biết về văn hóa, cái nhìn xa hơn về tương lai đã giúp bảo vệ được phố cổ Hội An, sau này được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới”.

GIAO DI TÍCH CHO CỘNG ĐỒNG QUẢN LÝ

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa (TTQLBTDSVH) Hội An, sau ngày đất nước thống nhất, hầu hết các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở Hội An đều được quốc hữu hóa, giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị, HTX quản lý làm trụ sở, xưởng sản xuất, nhà kho… Chính vì vậy, các công trình kiến trúc đã xuống cấp do thời gian càng chịu thêm nhiều tác động tiêu cực theo kiểu “cha chung không ai khóc”. 

Ví dụ như Chùa Ông Bổn là công trình kiến trúc đặc biệt với nhiều chi tiết điêu khắc, chạm trổ tuyệt đẹp được sử dụng làm UBND phường Sơn Phong. Năm 1988, UBND phường di dời đến vị trí khác, nơi đây tiếp tục được giao cho HTX làm nơi sản xuất thảm len. 

Đón tiếp du khách đến Hội An
Đón tiếp du khách đến Hội An

Hai năm sau, 1990, UBND TX. Hội An quyết định giao lại cơ sở này cho Ban trị sự Triều Châu trùng tu, quản lý. Tương tự, Đình làng Cẩm Phô cũng được giao cho HTX chiếu in hoa làm kho chứa sản phẩm, vật tư, dẫn đến công trình bị hư hỏng nặng. Năm 1989, công trình kiến trúc này được HTX giao lại cho Chư phái tộc Cẩm Phô quản lý, rồi được Hội An đầu tư trùng tu, trở thành điểm tham quan, thưởng lãm của du khách bốn phương…

Theo ông Nguyễn Sự, những năm trước 1990, Nhà nước chưa đầu tư gì cho trùng tu di tích, bởi đang lo cái ăn, cái mặc còn chưa xong. 

“Trong lịch sử người dân đã dựng lên phố cổ và giữ nó qua bao đời. Lúc khó khăn, họ tháo dỡ hoành phi, câu đối cất đi để rộng chỗ mưu sinh. Nhưng cây cột cây kèo, mái ngói bà con không phá”, ông Nguyễn Sự nói và khẳng định: “Chính người dân Hội An đã có ý thức giữ gìn, bảo vệ phố cổ. Và cũng chính họ đã chung tay cùng chính quyền trùng tu, bảo tồn phố cổ”.

Để giao lại các cơ sở thờ tự, các công trình tâm linh, tín ngưỡng cho cộng đồng quản lý không phải dễ dàng. Ở Hội An, thời điểm năm 1990, làm chuyện này được xem là một bước đột phá trong quá trình phối hợp trùng tu, bảo tồn, quản lý di tích theo quan điểm “cái gì có lợi cho dân, cho cộng đồng thì làm”. 

“Mấy chú, mấy anh lãnh đạo ở Hội An không bảo thủ, mà chịu lắng nghe, chắt lọc. Từ đó phân tích, tổng hợp từng ý kiến đóng góp của chuyên gia trong và ngoài nước về giá trị của các di tích ở Hội An, để rồi đưa ra quyết sách bảo vệ, giữ gìn”, ông Nguyễn Sự nói về cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ.

Trùng tu, bảo tồn Đô thị cổ Hội An. Ảnh: TTQLBTDSVH Hội An
Trùng tu, bảo tồn Đô thị cổ Hội An. Ảnh: TTQLBTDSVH Hội An

Đặc biệt, mỗi khi chuyên gia Ba Lan đến Hội An vào năm 1982, lãnh đạo Hội An bao giờ cũng có mặt, thậm chí cùng đi với đoàn đến từng di tích, học hỏi kinh nghiệm quản lý, trùng tu. Tiếp xúc với các chuyên gia, KTS đầu ngành về lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích trong và ngoài nước đã giúp cho lãnh đạo chủ chốt TX. 

SỐNG Ở THÀNH PHỐ DI SẢN, PHẢI BIẾT ĐẾN DI SẢN

“Sống ở thành phố di sản phải biết đến di sản”! Đó là mục tiêu mà chính quyền TP. Hội An hướng đến cho tất cả người dân Hội An, nhất là thế hệ trẻ. Từ năm học 2018 - 2019, tất cả học sinh lớp 1 và lớp 6 của TP. Hội An đều được học ngoại khóa từ bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường” do Phòng GD-ĐT và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, biên soạn. Ông Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc TTQLBTDSVH Hội An, cho hay: “Bộ tài liệu này kèm theo video cung cấp, giới thiệu cho học sinh những kiến thức cơ bản về di tích, thắng cảnh cũng như các hiện vật liên quan đến văn hóa, lịch sử ở Hội An, qua đó giáo dục nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa thế giới Hội An được UNESCO công nhận”.


Hội An củng cố luận chứng, thêm động lực để khẳng định giá trị to lớn của khu phố cổ qua đó tìm ra cơ chế đặc biệt nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy lợi thế phố cổ Hội An. 

“Năm 1982, cả nước còn khó khăn, Hội An cũng khó khăn. Rứa mà các chú, các bác lãnh đạo Hội An đã dám bỏ tiền ra mời cán bộ Xưởng tu bổ kiến trúc T.Ư về đo vẽ từng di tích để làm cơ sở bảo tồn về sau. Đồng thời, lập hồ sơ công nhận di tích…”, ông Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc TTQLBTDSVH Hội An cho hay. 

Trên những cơ sở này, TX. Hội An đã quyết định di dời hầu hết các cơ quan chính quyền, HTX, kho tàng, cửa hàng, cơ sở sản xuất ra khỏi di tích và bàn giao quyền quản lý cho cộng đồng. Ngoài ra, Hội An cũng rất nhạy bén khi quyết định tuyển chọn, đưa người đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để bán cho du khách đến Hội An và xuất khẩu. Đời sống người dân ngày càng khấm khá, phố cổ rêu phong ngày nào giờ bừng sáng lung linh trong muôn vàn sắc màu tỏa ra từ những chiếc đèn lồng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top