LTS: Thời gian qua, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một hướng phát triển mới tại khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tìm đến những địa điểm gần gũi với thiên nhiên để trải nghiệm. Nhu cầu lớn kéo theo nguồn cung phong phú, nhiều mô hình du lịch sinh thái với quy mô, đa dạng loại hình khai thác được triển khai, thu hút lượng lớn du khách. Trong đó, nhiều mô hình được xây dựng trên những giá trị cảnh quan tưởng chừng như đã quá quen thuộc với mọi người, tạo ra sức hút và mang lại nhiều giá trị về kinh tế.
Reatimes xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về Bất động sản du lịch sinh thái đa dụng - một mô hình phát trển kinh tế tại vùng nông thôn.
Từ thành công ban đầu của một số mô hình, dần dần xuất hiện một trào lưu phát triển du lịch, dịch vụ gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã mang lại nhiều sản phẩm độc đáo, đa dạng sự chọn lựa cho du khách. Từ đó, mang lại nguồn thu bền vững cho cả nhà đầu tư lẫn người nông dân.
Nâng cao giá trị đất trồng lúa, hoa màu
Xuất hiện đầu tiên tại H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), mô hình “Nông trại Lò Gạch Cũ” thời gian đầu đã tạo nên một cơn sốt đối với du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê check-in, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp. Mô hình này là sự kết hợp giữa nông nghiệp trồng lúa và mô hình kiến trúc gắn với việc sản xuất gạch của địa phương - lò gạch cũ!
Chị Lê Thị Thanh Nga (38 tuổi), chủ mô hình Lò Gạch Cũ Farmstay, chia sẻ: “Nắm bắt được xu hướng tìm về với thiên nhiên của con người hiện nay nên quyết định lên ý tưởng, thuê đất và mua lại lò gạch cũ để phát triển mô hình này. Đây thực sự là một ý tưởng có phần hơi điên rồ ở thời điểm đó, nhưng hiệu quả mang lại là bước đột phá mới trong sự nghiệp. Mô hình kinh tế nông nghiệp này rất hiệu quả không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Mình hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn, không chỉ riêng địa bàn Quảng Nam, mà có thể ra khắp cả nước”.
Trong dự án của mình, chị Nga còn kết hợp với nhiều tour trải nghiệm làm nông dân cho du khách, cũng như bán các sản phẩm OCOP, chủ yếu là gạo đen do chính người dân ở khu vực gieo trồng,… Đến đây, du khách có thể cảm nhận không gian rộng mở, không khí trong lành và được thưởng thức nhiều loại đồ uống khác nhau, hòa mình vào thiên nhiên, giữa cánh đồng với hương thơm của lúa, “sống ảo” cùng với cảnh sắc đặc trưng của miền quê, mang thêm nét kiến trúc khác lạ với lò gạch cũ. Du khách Hoàng Ánh, đến từ TP. Huế, chia sẻ: “Không gian ở đây rất hợp để thư giãn, đặc biệt là vào lúc bình minh, mùi hương của lúa vào lúc sáng sớm rất thơm, nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn quay lại đây thêm nhiều lần nữa”.
Bên cạnh những thành công bước đầu của mô hình, chị Nga cũng nhìn nhận một số thực trạng được xem là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của các mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hiện nay như những chính sách liên quan đến đất đai vì thực tế chưa có cơ chế rõ ràng đối với những mô hình phát triển dịch vụ trên đất nông nghiệp.
“Nếu muốn nông nghiệp, nông thôn phát triển thì phải “cởi trói” cho đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp chỉ trồng rau bán thô thì nó giống như vàng ở trong tay mà không biết sử dụng vậy”, chị Lê Thị Thanh Nga, cho biết thêm.
Một mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch khác cũng nổi tiếng, thu hút du khách là phát triển du lịch tại làng rau Trà Quế (TP. Hội An). Với thế mạnh là nằm ngay gần phố cổ Hội An, làng rau Trà Quế thực sự nổi tiếng qua sự giới thiệu về những giá trị văn hóa, đặc trưng của địa phương gắn với phố cổ thông qua nhiều kênh truyền thông.
Real HoiAn là một mô hình khai thác dịch vụ kết hợp nông nghiệp tại làng rau Trà Quế được nhiều người biết đến và đánh giá cao với những trải nghiệm. Tại làng rau Trà Quế, sản xuất nông nghiệp nói không với thuốc hóa học, tuân thủ canh tác rau sạch, áp dụng phương pháp hữu cơ, dùng phân vi sinh theo sự khuyến cáo và giám sát của ngành chức năng. Đến đây, du khách sẽ được tự mình trải nghiệm làm nông dân và được ăn những món ăn chế biến cùng với rau sạch, an toàn, tươi mới.
Chị Kim Oanh (du khách đến từ TP.HCM) hào hứng: “Đây là lần đầu tôi tự tay tưới rau và thu hoạch chúng. Tôi tìm đến đây để được trải nghiệm làm nông, một điều tưởng chừng như đơn giản đối với người vùng quê, nhưng rất thú vị đối với những người sống ở phố như tôi”.
Mô hình này gồm nhà hàng - nơi du khách thưởng thức ẩm thực dân dã và khu vực sản xuất rau sạch - nơi du khách trải nghiệm việc làm nông. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (sinh năm 1991, người dân địa phương), quản lý Real HoiAn cho biết bản thân đã nghiên cứu xu hướng du lịch của địa phương và quyết tâm đi đến tạo dựng nên một nhà hàng kết hợp sử dụng rau sạch tại chính làng rau Trà Quế để chế biến ra nhiều món ăn dân dã đậm chất miền Trung phục vụ du khách.
Thí điểm mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp
Với xu hướng phát triển hiện nay, một số cơ chế chính sách đã có sự nới lỏng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp,… Trên địa bàn H. Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), hiện đang triển khai thí điểm một số mô hình khai thác dịch vụ gắn với phát triển nông nghiệp, điển hình như mô hình An Phú Farm tại xã Hòa Phú.
Mô hình được UBND H. Hòa Vang cho phép triển khai thí điểm để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái - nông nghiệp của TP. Đà Nẵng và H. Hòa Vang; phát triển khu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gắn với du lịch; hình thành điểm du lịch canh nông, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm, giáo dục ngoại khóa, ẩm thực, góp phần giải quyết lao động tại địa phương. Bước đầu triển khai, mô hình An Phú Farm trở nên nổi bật trong nhiều mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng khác trong khu vực với sự đầu tư bài bản và tâm huyết. Du khách đến đây đa phần là các gia đình, các đoàn học sinh trải nghiệm,…