Aa

Kỳ 2: Gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, không để dự án chậm tiến độ

Thứ Bảy, 07/05/2022 - 06:15

Nếu không kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng với các hộ dân có kiến nghị, tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác, phát triển dòng sông.

Lời tòa soạn: Sông Cổ Cò dài 28km, chạy song song bờ biển, nối từ cửa Hàn (TP. Đà Nẵng) đến Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Cổ Cò là con sông kết nối giao thương giữa 2 cảng thị lớn: Đà Nẵng và Hội An trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, theo thời gian dòng sông này đã bị bồi lấp. Năm 2016, dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò được lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cùng thống nhất hợp tác triển khai để tạo động lực phát triển liên vùng, khôi phục lại giá trị của dòng sông trước đây.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò trên địa phận tỉnh Quảng Nam có chiều dài 19,5km, được đầu tư với tổng vốn được duyệt là 1.545 tỷ đồng và thực hiện thành 2 đoạn. Đoạn 1 từ Km0 (Cửa Đại, TP. Hội An) – đến Km14+00 (P. Điện Dương, TX. Điện Bàn) gồm: Nạo vét luồng sông dài 14km và xây dựng 2 cầu qua sông (cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự) với tổng mức đầu tư là 850 tỷ đồng (từ nguồn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 237,8 tỷ đồng. Dự án này được triển khai thực hiện theo Quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam và được khởi công từ 30/7/2020, dự kiến hoàn thành vào ngày 5/7/2022. Đoạn 2 của dự án được thực hiện từ Km14 (P. Điện Dương, TX. Điện Bàn) – Km19+456 (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn) được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 3305/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam với quy mô nạo vét luồng sông dài 5,5km đến giáp địa phận TP. Đà Nẵng và xây dựng 1 cầu qua sông (Cầu thôn 3).

Dự án được khởi công trong tháng 4/2022 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2023. Hiện tại, vấn đề giải phóng mặt bằng là nỗi lo lớn nhất, là trở ngại quan trọng khiến tiến độ thi công bị chậm trễ...

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Khơi thông dòng sông Cổ Cò ở Quảng Nam

Kỳ 2: Gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, không để dự án chậm tiến độ

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò là dự án quan trọng, được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam rất quan tâm chỉ đạo, cùng thống nhất hợp tác triển khai để tạo động lực phát triển liên vùng, khôi phục lại giá trị của dòng sông trước đây. Nếu chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch khai thác, phát triển sông Cổ Cò của 2 địa phương.

Ven sông Cổ Cò phần lớn là khu vực nông nghiệp đang được người dân canh tác.

Công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án

Xuyên suốt chiều dài 19,5km nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam, sông Cổ Cò sẽ được nạo vét theo tiêu chuẩn sông cấp IV, bề rộng đáy luồng 40m, bề rộng mặt luồng 90m, cao độ đáy luồng -3,0m với tổng khối lượng thực hiện nạo vét khoảng 2,2 triệu mét khối.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án), tính đến nay, phần luồng nạo vét từ Km0 - Km9+500 (đoạn qua TP. Hội An) đơn vị thi công đã thực hiện được 61,2% khối lượng nạo vét theo hợp đồng ký kết. Từ Km9+500 - Km14 (đoạn qua TX. Điện Bàn) hiện đang nạo vét tại nhiều vị trí căn cứ theo mặt bằng được bàn giao, đến nay đã thực hiện được khoảng 46,4% khối lượng theo hợp đồng. Đối với hạng mục xây dựng cầu Ông Điền đã được thông xe kỹ thuật.

Được biết, từ Km0 - Km9+500 (thuộc TP. Hội An) đã bàn giao 98% mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thực hiện, khối lượng mặt bằng còn lại đang trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Từ Km9+500 - Km14 (thuộc TX. Điện Bàn), phần luồng sông đã được bàn giao 90% mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện còn đang vướng mắc một số trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng nhiều hộ dân chưa nhận tiền. Có trường hợp chưa lập phương án và hiện trạng mặt nước hoặc đã mất hiện trạng, không có cơ sở để lập phương án. Với phần mặt bằng xây dựng cầu Nghĩa Tự, hiện UBND TX. Điện Bàn và các đơn vị liên quan đang tập trung tháo gỡ để phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư, dự kiến trong quý II/2022 bàn giao mặt bằng phần cầu.

Cũng theo chủ đầu tư dự án, công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam; các sở, ban, ngành quan tâm hướng dẫn, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng.

Lời giải cho bài toán phức tạp

Mới đây, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có những chỉ đạo liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò đoạn qua TX. Điện Bàn. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Thường vụ Thị ủy, UBND TX. Điện Bàn cần tập trung, cương quyết, quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.

Sông Cổ Cò có tiềm năng lớn trong phát triển khu đô thị, khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Với một số khó khăn, vướng mắc như đối với diện tích đất ảnh hưởng ngoài vệt giải phóng mặt bằng, UBND TX. Điện Bàn cùng với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh kiểm tra, xem xét để lập phương án bồi thường, thu hồi hết thửa và giao cho UBND các phường quản lý phần diện ngoài vệt giải phóng mặt bằng để tránh trường hợp các hộ dân tái lấn chiếm phần diện tích đất đã được bồi thường. Nhóm 11 hộ, thửa đất thu hồi có nguồn gốc do UBND phường quản lý không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, trên cơ sở các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã phê duyệt, tổ chức đối thoại để vận động các hộ dân chấp hành phương án, nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công

Đối với các hộ dân có diện tích thực tế thu hồi nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tổ chức đối thoại với nhân dân để vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường theo diện tích đất thực tế, đảm bảo đúng quy định. Trường hợp chưa xác định được đối tượng sử dụng đất, tranh chấp, tổ chức họp xét, xác định rõ lại nguồn gốc sử dụng, tính toán để lập phương án bồi thường cho phù hợp với thực tế. Đối với khu vực giáp dự án Khu tái định cư thôn 1 Điện Dương (76 thửa), UBND TX. Điện Bàn làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra kỹ lại từng trường hợp cụ thể, chứng minh rõ nguồn gốc, xác định lại hồ sơ các cơ quan liên quan trước đây chưa được bồi thường để tổ chức họp dân có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và lực lượng công an lập biên bản để hoàn chỉnh phương án bồi thường, triển khai thực hiện; trong đó, yêu cầu các hộ dân có văn bản cam kết việc chưa được bồi thường từ trước đến nay và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có gian lận…

Tiến độ nạo vét sông Cổ Cò đang được đẩy nhanh, nhưng nếu công tác giải phóng mặt bằng không triển khai quyết liệt, dự án sẽ chậm trễ, không như kế hoạch đề ra

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND TX. Điện Bàn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tập trung chỉ đạo triển khai thi công ngay khi có mặt bằng, hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ. Trung tâm Phát triển hạ tầng (trước đây là Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng) thuộc Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tiếp tục phối hợp cùng địa phương vận động các hộ dân chấp hành và chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân đối với các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt. Bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Điện Bàn để tiếp tục thực hiện các thửa đất còn lại của hạng mục nạo vét sông Cổ Cò.

UBND TP. Hội An và UBND TX. Điện Bàn tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công sớm triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ dự án đã đặt ra. Trong đó, đề nghị UBND TX. Điện Bàn ưu tiên sớm hoàn thành các thủ tục xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng do ảnh hưởng khi thi công cầu Nghĩa Tự và sớm thực hiện kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 9 hộ ảnh hưởng khi thi công cầu, bàn giao mặt bằng để triển khai thi công trước phần mố, trụ cầu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top