Aa

Kỳ 2: Khái niệm "xanh" tưởng rõ ràng nhưng vẫn gây tranh cãi

Chủ Nhật, 18/11/2018 - 23:30

“Sống xanh” đang trở thành xu thế tất yếu và rất nhiều chủ đầu tư đã chú ý vào việc xanh hóa các công trình, các dự án bất động sản của mình. Tuy nhiên, các công trình xanh có thực sự xanh hay chủ đầu tư chỉ lợi dụng mác “xanh” để bán hàng, còn người sử dụng thì cũng được đưa vào một “mê hồn trận” các quan điểm về xanh hóa công trình?

Chia sẻ với Reatimes, TS. KTS Trần Minh Tùng, Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Trường Đại học Xây dựng, đã lý giải một số nguyên nhân dẫn đến việc loạn các chung cư gắn mác “xanh”.

PV: Thưa KTS, hiện nay chung cư xanh còn là khái niệm mơ hồ chưa được hiểu rõ ràng. Theo ông, tiêu chuẩn để đánh giá của một công trình xanh, chung cư xanh gồm những yếu tố nào? Thiếu một trong những tiêu chí này, một chung cư còn được coi là chung cư xanh hay không?

KTS. Trần Minh Tùng: Có nhiều tiêu chí mang tính học thuật để đánh giá tính xanh của các chung cư, nhưng để dễ hiểu, tôi xin đưa ra 3 tiêu chí quan trọng nhất, tương ứng với quá trình hình thành và khai thác một chung cư là: đầu tiên là thiết kế xanh, hay còn gọi là “nghĩ xanh”, tiếp theo là xây dựng xanh, hay còn gọi là “làm xanh”, và cuối cùng là vận hành xanh, hay còn gọi là “dùng xanh”.

Tiêu chí đầu tiên - thiết kế xanh, hay “nghĩ xanh”,  là thiết kế dựa trên quan điểm, nguyên tắc và xuất phát từ mong muốn “xanh hóa” công trình. Do đó, tuy kiến trúc sư là nhân tố quan trọng đề xuất những ý tưởng khởi nguồn cho một công trình xanh nhưng người thiết kế cần được khuyến khích bởi chủ đầu tư - tác nhân mang đến cơ hội để cụ thể hóa được những ý tưởng, và các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn - tác nhân đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho việc thiết kế xanh.

Tiêu chí thứ hai - xây dựng xanh, hay “làm xanh” là vận dụng các công nghệ xanh, vật liệu xanh để biến những ý tưởng xanh ban đầu thành những công trình xanh trên thực tế.

Tiêu chí thứ ba - vận hành xanh, hay “dùng xanh” là sử dụng công trình một cách xanh nhất để duy trì và phát triển tính xanh của công trình theo thời gian. Quan hệ của các yếu tố này có liên kết chặt chẽ với nhau, yếu tố này là hệ quả của yếu tố kia nhưng cũng là khởi nguồn cho một yếu tố khác tạo nên một chuỗi hành động xanh hóa công trình.

Ba yếu tố này như những trụ cột để tạo ra một phong cách “sống xanh”, nghĩa là sau nghĩ xanh - làm xanh - dùng xanh, mục đích cuối cùng là để tạo ra một cuộc sống xanh cho các công trình xanh. Các yếu tố xanh của công trình tác động vào người dân sinh sống, khiến họ mong muốn được sống xanh, hòa hợp với môi trường xanh xung quanh, trở thành những chủ nhân thực sự của những công trình xanh.

PV: Vậy theo ông, những công trình xanh, chung cư với yếu tố xanh đã “đánh” vào tâm lý người mua nhà nói riêng và người dân đô thị nói chung như thế nào ?

KTS. Trần Minh Tùng: Tôi đánh giá rất cao báo chí trong việc báo động về vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng mặt trái của điều này lại là vô tình tạo ra cho người dân một nỗi sợ hãi, dẫn đến người dân cần phải “bấu víu” vào một điều gì đó để đảm bảo cuộc sống của mình. Nói cách khác, khi cảm thấy môi trường đang bị ô nhiễm và đe dọa thì người dân bắt buộc cũng phải có tâm lý để đề phòng, tức là mong muốn xanh hóa cuộc sống, môi trường sống của mình để có thể tồn tại. Chính các chủ đầu tư đã sử dụng những sự sợ hãi đó để bán được hàng.

Việc bên bán hàng đánh thẳng vào tâm lý người tiêu dùng là một điều tất yếu trên thị trường kinh doanh, không riêng gì với thị trường bất động sản. Do đó, chủ đầu tư để bán được hàng tốt hơn bắt buộc phải hiểu được người tiêu dùng muốn gì. Tức là thị trường đang cần môi trường sống xanh thì việc cung cấp các ngôi nhà xanh, chung cư xanh là đúng.

Rõ ràng, các chủ đầu tư đang đáp ứng đúng tâm lý và nhu cầu của thị trường, từ đó từ “xanh”, được gắn sau các từ khác như chung cư, bất động sản..., trở thành một từ “thần thánh” để giúp được chủ đầu tư tiếp cận khách hàng tốt hơn và nâng cao doanh số bán hàng. Tuy nhiên xanh như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

“Sống xanh” đang trở thành xu thế tất yếu và rất nhiều chủ đầu tư đã chú ý vào việc xanh hóa các công trình, các dự án bất động sản của mình.

“Sống xanh” đang trở thành xu thế tất yếu và rất nhiều chủ đầu tư đã chú tâm vào việc xanh hóa công trình, dự án bất động sản của mình.

PV: Thưa ông, phải chăng yếu tố xanh đã mang lại nhiều tích cực như vậy nên các nhà đầu tư luôn nói đến yếu tố xanh trong phần quảng cáo, giới thiệu về chung cư, thậm chí tự gắn thêm tên dự án cho mình như Garden (vườn), Eco (sinh thái), Green (xanh), Nature (thiên nhiên)?

KTS. Trần Minh Tùng: Với một kiến trúc xanh hoặc một công trình xanh, tính xanh sẽ thể hiện trong 2 phương diện, tạm gọi là “xanh nghĩa đen” và “xanh nghĩa bóng”. “Xanh nghĩa đen” tức là màu xanh vật lý - công trình có màu xanh, đến từ cây xanh, mặt nước. Nói cách khác, có thể trồng thật nhiều cây xanh để tạo ra màu xanh này, từ đó những từ như “Garden”, “Green” xuất hiện rất nhiều trong tên các dự án. Tất nhiên là những cái tên như vậy là yếu tố để ta thấy được sự xanh nhưng đó lại không phải là tất cả. Giống như một câu nói của người Việt Nam “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Như vậy, yếu tố cây xanh, mặt nước là dấu hiệu để người mua biết được đó có thể là công trình xanh nhưng nó không phải yếu tố quyết định tất cả để tạo nên một công trình xanh. “Xanh nghĩa bóng” sẽ vượt ra ngoài màu xanh vật lý đó, nghĩa là công trình còn phải gắn cả với xanh kỹ thuật như tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, giảm sự tiêu tốn năng lượng hoặc tự sản xuất được năng lượng, tự cung tự cấp và tự vận hành. Đó mới là mục đích chính của một kiến trúc xanh bền vững.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc không ít các chung cư tự gắn mác xanh, khiến người dân nhầm lẫn khái niệm “xanh”, thậm chí “lừa” người dân qua quảng cáo nhưng thực tế công trình đưa vào sử dụng lại không xanh?

KTS. Trần Minh Tùng: Điều chúng ta dễ nhận thấy nhất hiện nay là xanh về hình thức, tức “xanh nghĩa đen” dễ nhận thấy. Còn xanh về nội dung, hay “xanh nghĩa bóng”, người dân lại không quan tâm nhiều do việc định tính, định lượng “xanh” này tương đối phức tạp. Và quan trọng nhất là việc sống xanh sẽ giúp người dân tiết kiệm được những gì so với việc sống không xanh, vì bản chất của công trình xanh là tiết kiệm nguồn lực và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, lại có quan điểm thực dụng khi cho rằng sống mà phải tiết kiệm thì sống xanh để làm gì?

Do đó, đa số người sử dụng hiện nay chỉ mới quan tâm đến “xanh” hình thức nhiều hơn, nghĩa là cứ xung quanh nhà có nhiều cây xanh thì đó là chung cư xanh. Kể cả với màu xanh hình thức, khí hậu ở miền Bắc có mùa đông tương đối lạnh, kéo dài tận 3 - 4 tháng, để nuôi dưỡng màu xanh, chủ đầu tư chắc chắn phải phải dùng nhiều nguồn lực và những biện pháp để duy trì màu xanh đó, thậm chí các biện pháp đó còn “phi sinh thái”, nghĩa là dùng những chất hóa học, phân bón công nghiệp để tiết kiệm công sức, thời gian và tiền bạc. Như vậy, phía sau màu xanh của công trình có thể lại là một màu xám của hóa chất.

KTS. Trần Minh Tùng

KTS. Trần Minh Tùng

PV: Không gian xanh hiện nay, theo báo chí phản ánh, người dân phản hồi là đã bị chiếm dụng hoặc không xuất hiện ở những chung cư có quảng cáo là chung cư xanh. Ông nhận định thế nào về câu chuyện này?

KTS. Trần Minh Tùng: Hiện nay, chủ đầu tư đều đưa ra các thế mạnh của công trình, thông qua những không gian xanh chẳng hạn, để cạnh tranh nhằm thu hút người tiêu dùng, thỏa mãn cảm nhận tức thời của người mua. Tuy nhiên, sau khi bàn giao công trình, số phận các không gian xanh dùng để quảng cáo này sẽ như thế nào lại là một chuyện đáng bàn. Rõ ràng, những không gian xanh muốn tồn tại thì chủ đầu tư sẽ phải có các khoản chi phí để duy trì bởi vì bản chất của những không gian xanh này vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ dự án và không bán cho người dân.

Theo quy luật thực tế của thị trường, khi không bán, tức là không thu được lợi nhuận, cộng thêm với việc phải chi đều đặn phí bảo dưỡng và chăm sóc, các chủ dự án sẽ tìm cách để chuyển hóa không gian xanh này thành một không gian dịch vụ có thể thu lại được lợi nhuận. Chính điều này tạo ra các mâu thuẫn, tranh chấp ở các chung cư xanh.

PV: Cũng có quan điểm cho rằng, nguyên nhân là do hiểu biết về công trình xanh của người dân còn hạn chế? Ông nghĩ sao về quan điểm này?

KTS Trần Minh Tùng: Thực ra, hiểu biết về “xanh” của người dân sẽ tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, nghĩa là “xanh”có hàm nghĩa rất rộng. Sống xanh theo một số người là ăn chay cả ngày, nhưng sống xanh cũng có thể là sống thoải mái trong suy nghĩ, hàng ngày ta cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống và muốn đóng góp cho xã hội. Từ đó thì hiểu về công trình cũng vậy. Có rất nhiều quan điểm để tạo ra một công trình xanh, một cuộc sống xanh trong các công trình. Thứ nữa, hiện chưa có một cuộc đánh giá, khảo sát quy mô rằng người dân quan niệm thế nào về kiến trúc xanh, công trình xanh mà khi có vấn đề thì chúng ta hay “đổ lỗi” cho sự “hạn chế” trong suy nghĩ của người dân do chúng ta đang “bắt” họ phải xanh theo cách chúng ta muốn, chúng ta nghĩ.

Theo cá nhân tôi thấy, quan điểm về “xanh” của người dân hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều từ những yếu tố xu hướng do chính thị trường quyết định. Thị trường cứ quảng cáo và cho đó là xanh, người dân cũng sẽ nghĩ đó là xanh và mặc nhiên công nhận nếu thực hiện đúng như vậy thì sẽ là xanh. Kể cả như sinh viên trong các ngành về kiến trúc và xây dựng, nếu các giảng viên không hướng dẫn, giảng giải bản chất của kiến trúc xanh là gì thì các bạn ấy cũng sẽ nghĩ kiến trúc xanh tức là phải có nhiều cây xanh dù rõ ràng trình độ, nhận thức sinh viên không hề kém.

Vấn đề ở đây là về mặt khái niệm công trình xanh đã có sự hỗn loạn. Tuy nhiên, trong thị trường bất động sản, khi các khái niệm rõ ràng quá, chủ đầu tư sẽ khó bán hàng hơn nên họ sẽ làm cho mọi việc rối tung lên. Đây là một thực tế đang xảy ra. Theo đó, người dân lọt vào trong một mớ “bòng bong” thông tin như vậy và chừng nào sự việc chưa rõ ràng thì sẽ có một bộ phận kiếm được những giá trị lợi nhuận riêng từ chính những khái niệm “xanh” tưởng đã rõ ràng nhưng lại vẫn còn gây tranh cãi.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top