LTS: Dự án lấn biển Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước được UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương triển khai từ năm 2005. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) với quy mô khoảng 162,6ha (theo Quyết định số 4649/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng ban hành ngày 6/6/2005). Sau đó, dự án được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần với tổng diện tích khoảng 240ha.
Năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP. Đà Nẵng). Thời điểm Thanh tra Chính phủ thanh tra, Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án, gồm: Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (181ha) do Công ty TNHH Daewon Cantavil (thực hiện từ năm 2006 - trước 2015) và Công ty TNHH The Sunrise Bay (thực hiện từ năm 2015 trở đi); Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (29ha) do Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước thực hiện.
Dự án lấn biển đầu tiên tại TP. Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành động lực cho sự phát triển của một đô thị biển hiện đại với hàng loạt điểm nhấn kiến trúc mang tầm vóc quốc tế. Thế nhưng, gần 20 năm trôi qua, số phận của dự án này vẫn mãi long đong…
Trên thực tế, yêu cầu thu hồi các dự án kể trên đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì bộc lộ nhiều bất cập, nếu thu hồi sẽ để lại nhiều hệ quả, gây ra khó khăn lớn đối với chính quyền TP. Đà Nẵng.
Bất khả thi trong việc thu hồi dự án 29ha
Được biết, dự án Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (quy mô 29ha) do Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước làm chủ đầu tư. Trước đây, Công ty TNHH Deawon Cantavil và Công ty Cổ phần Xây dựng 79 thống nhất thành lập Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước để đầu tư, xây dựng biệt thự, nhà phố và các công trình có liên quan để bán và cho thuê trong khu đất diện tích 29ha.
Trong đó, phần góp vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng 79 là giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 29ha, tương đương 87 tỷ đồng, chiếm 49%. Khu đất này trước đây được Công ty TNHH Deawon Cantavil san lấp, sau đó được UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định thu hồi (năm 2011) và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng 79 để góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Deawon Cantavil với giá 300.000 đồng/m2.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP. Đà Nẵng giao đất nhưng không xác định thời hạn giao đất, giao đất không thông qua đấu giá là vi phạm các quy định của pháp luật. Việc xác định đơn giá đất cũng không phù hợp với quy định, trong khi tổng số tiền sử dụng đất tính cho toàn bộ dự án tại thời điểm giao đất năm 2011 là 1.497,904 tỷ đồng, nhưng Công ty Cổ phần Xây dựng 79 chỉ phải nộp 87 tỷ đồng, thấp hơn so với quy định là 1.410,904 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng xác định việc chuyển nhượng 100% vốn từ ông Phan Văn Anh Vũ (đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xây dựng 79) đến ông Võ Ngọc Châu tại Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước, sau đó Công ty Cổ phần Xây dựng 79 chỉ khai thuế TNDN bằng 0 là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế…
Ngày 12/5/2020, trong bản án hình sự hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội có nội dung yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Sau đó, UBND TP. Đà Nẵng xác định việc thu hồi dự án theo nội dung bản án là bất khả thi.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án và khi thu hồi dự án thì phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống và việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được do không được giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá. Trong khi đó, phán quyết của Tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này nên trên thực tế, việc thu hồi trở nên rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất sẽ dễ gây ra tình trạng nhiều người tụ tập khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ổn định chính trị tại địa bàn thành phố.
UBND TP. Đà Nẵng đã từng đề xuất giải pháp kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách Nhà nước đối với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án và không thực hiện nội dung thu hồi quyền sử dụng đất, thu hồi dự án.
Lời kêu cứu từ doanh nghiệp
Ngay sau khi có Bản án hình sự phúc thẩm với nội dung yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng tiến hành thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, ông Võ Ngọc Châu, Chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã có Đơn kêu cứu gửi đến lãnh đạo các cấp, đồng thời khẳng định việc thực hiện theo nội dung bản án là không khả thi, sẽ gây ra những hệ quả nặng nề về sau cho chính quyền TP. Đà Nẵng, cho doanh nghiệp, người dân, ngân hàng và toàn xã hội.
Ông Võ Ngọc Châu cho rằng, nội dung mà Tòa án yêu cầu “thu hồi khu đất nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân theo đúng quy định của pháp luật” là nội dung có nhiều bất cập. Quyền sử dụng đất hiện đang có sở hữu hỗn hợp, bao gồm sở hữu của tổ chức (Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước) và sở hữu của cá nhân (những người đã mua nhà/đất của dự án). Nếu đảm bảo quyền lợi của người dân có nghĩa là phải đảm bảo quyền lợi của những người mua nhà/đất của dự án, khi thu hồi thì sau đó phải giao lại nhưng không thể giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá. Giả thiết khi đưa ra bán đấu giá, một người thứ ba, không phải công dân đã mua nhà của dự án, trúng đấu giá thì UBND TP. Đà Nẵng sẽ làm cách nào để “bảo vệ quyền lợi của công dân”? Nếu hiểu khái niệm “công dân” theo nghĩa rộng, tức là “bao gồm cả công dân Võ Ngọc Châu”, chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước, thì việc thu hồi quyền sử dụng đất của khu đất 29ha, sau đó tìm cách giao lại chính tài sản đó cho những người hiện đang sở hữu quyền sử dụng đất thì việc thu hồi đó có ý nghĩa gì?
Theo ông Châu, nội dung phán quyết của Tòa án cũng có thiếu sót nghiêm trọng. Ngay khi nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Cổ phần Xây dựng 79 thông qua hình thức góp vốn, chủ đầu tư đã làm đầy đủ các thủ tục đầu tư dự án và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm: Đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ khu đất 29ha; Được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, quy hoạch thiết kế đô thị và quy định quản lý kiến trúc xây dựng; Được phê duyệt thiết kế cơ sở và được cấp Giấy phép xây dựng đối với phần lớn các hợp phần của dự án…
Trên cơ sở đó, các công trình kiến trúc, nhà cửa, đường xá, công trình ngầm, công viên cây xanh… đã được xây dựng và các tài sản trên đất đó là kết tinh có giá trị hàng ngàn tỷ đồng của chủ đầu tư trong suốt nhiều năm qua. Do đó, việc thu hồi quyền sử dụng khu đất 29ha không thể không tính đến việc giải quyết khối tài sản trên đất này. Tuy nhiên phần tài sản gắn liền với đất đó lại không được Tòa án đề cập đến.
Chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước nêu quan điểm, nếu khu đất 29ha bị thu hồi sẽ để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho kinh tế - xã hội. Tổng dư nợ của chủ đầu tư tại hai ngân hàng Vietcombank và SHB lên tới hơn 1.500 tỷ đồng, đây là các khoản vay để phát triển dự án và được thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29ha. Khi bị thu hồi, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước sẽ bị phá sản, các khoản nợ ngân hàng kia sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi. Hệ quả là gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của ngân hàng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Cùng với đó, chủ đầu tư đã ký kết hợp tác liên doanh với hàng chục đối tác khác nhau, các đối tác đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cùng chủ đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng với phần vốn đối ứng là quyền sử dụng đất khu 29ha. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền đầu tư của các đối tác sẽ bị mất hết, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp.
Theo đó, ông Võ Ngọc Châu bày tỏ mong muốn hủy bỏ việc thu hồi quyền sử dụng khu đất 29ha để giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, doanh nghiệp và các cá nhân liên quan.
Ngoài ra, nếu thu hồi khu đất kể trên thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư cũng như tâm lý của các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào TP. Đà Nẵng bởi tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, bất nhất của quy định pháp luật nói chung và trong việc pháp luật không bảo vệ nhà đầu tư nói riêng. Có thể thấy rằng, không có sự ổn định trong đầu tư là mối nguy hiểm tiềm tàng cho việc đầu tư của các doanh nghiệp…
Hiện nay, khi chưa có sự thống nhất về phương án xử lý cuối cùng, trong khi Tòa án yêu cầu thu hồi, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc thu hồi là bất khả thi, chủ đầu tư và người dân thì hoang mang, cầu cứu cùng với đó sự lãng phí nguồn lợi đất đai và các công trình, tài sản trên khu đất 29ha (Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình) vẫn hiện diện từng ngày.
Ngoài những block nhà đã được người dân đến ở trong nhiều năm nhưng chưa được đảm bảo về quyền lợi thì tại dự án này vẫn tồn tại nhiều công trình từ 18 - 25 tầng đã được xây dựng xong phần thô, đã cất nóc nhưng bị tạm dừng thi công vô thời hạn. Sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng thi công dở dang có thể nhận thấy rõ, sâu xa hơn là sự lãng phí hàng ngàn tỷ đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực lớn từ xã hội.
Doanh nghiệp cần sự công bằng
Ông Võ Ngọc Châu khẳng định, bản thân chưa được đối xử công bằng khi Tòa án yêu cầu thu hồi khu đất 29ha. “Đa Phước là Công ty TNHH một thành viên, tôi là chủ sở hữu duy nhất. Về mặt pháp lý, công ty là pháp nhân nhưng trên thực tế, toàn bộ quyền sở hữu công ty và cũng là quyền sở hữu dự án thuộc về cá nhân tôi. Nói cách khác, khái niệm “cá nhân” và “pháp nhân” trong trường hợp cụ thể này có ranh giới không rõ ràng”.
Theo cách hiểu thông thường, ai gây ra thiệt hại, người đó có trách nhiệm bồi thường. Nói cách khác, những người có thẩm quyền thuộc UBND TP. Đà Nẵng nếu như có lỗi trong việc giao đất không đúng quy định, dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước thì những người đó phải bồi thường. Tòa án tuyên thu hồi đất của doanh nghiệp thì vô hình trung bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cùng với lỗi làm sai của cá nhân lãnh đạo TP. Đà Nẵng? Điều đó rõ ràng quá vô lý và không công bằng!